Tổng thống Trump : Mỹ chấm dứt đóng góp cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (Trọng Thành)

Thay vì tăng cường đóng góp và hợp tác, tổng thống Mỹ Donald Trump lại quyết định rút lui khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO. Nhiều người không khỏi bâng khuâng, cũng như những quyết định rút lui khỏi các thỏa thuận quốc tế khác. Đây là một quyết định tai hại vì nó tạo ra một khoảng trống mà Trung Quốc - Một chế độc tài toàn trị với tham vọng bá quyền, đang hăm he lấp vào.



Trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Genève, Thụy Sĩ.
Trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Genève, Thụy Sĩ. REUTERS - Denis Balibouse


Trong bài phát biểu hôm 29/05/2020 về Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cáo buộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã góp phần khiến đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Hoa Kỳ quyết định ngừng đóng góp tài chính cho WHO. 





Nguyên thủ Mỹ đã đe dọa ngừng đóng góp hoàn toàn cho WHO từ nhiều tuần nay. Ngày 14/04, ông Trump thông báo tạm ngừng tài trợ, và bây giờ là quyết định chấm dứt hẳn. Tổng thống Mỹ tố cáo chính quyền Trung Quốc « thao túng hoàn toàn Tổ Chức Y Tế Thế Giới ». Đây là một lý do cơ bản khiến chính quyền Trump ngừng bỏ tiền cho WHO. Theo tổng thống Trump, số tiền này sẽ được chuyển sang để tài trợ cho một số mục tiêu y tế khẩn cấp khác trên thế giới.

Quyết định của tổng thống Mỹ khiến nhiều nước bất bình. Hôm nay, theo AFP, bộ trưởng Y Tế Đức Jens Spahn nhận xét việc Washington cắt đứt tài trợ cho WHO là một « tổn thất nghiêm trọng cho y tế toàn cầu ».

Sáng kiến gây quỹ mới

Để bù lấp phần thiếu hụt, ngày 27/05, Tổ Chức Y Tế Thế Giới lập ra một quỹ mới mang tên Quỹ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (La Fondation de l’OMS), kêu gọi các quỹ tư nhân và công dân toàn cầu đóng góp.

Từ Genève, thông tín viên Jérémy Lanche cho biết thêm :

Phải chăng đã có một sự ngẫu nhiên hoàn toàn ? Chỉ vài ngày trước tuyên bố của ông Donald Trump, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã lập ra một quỹ để kêu gọi các nguồn đóng góp tài chính bổ sung khác. 

Hiện tại, ngoài khoản đóng góp bắt buộc từ các quốc gia thành viên, khoảng 80% nguồn tài trợ tình nguyện còn lại cho WHO là do một số quốc gia hoặc khu vực tư nhân tình nguyện bỏ ra. Bên đóng góp tình nguyện có tiếng nói quan trọng đối với các chương trình mà họ quyết định bỏ tiền ra.

Với quỹ mới này, WHO hy vọng có được một sự độc lập tương đối với các đối tác. Điều này càng trở nên quan trọng vào lúc mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ của mình mà không có sự đóng góp của Mỹ. Khoảng hơn 400 triệu đô la hàng năm. Tức 15% ngân sách của WHO, gấp hơn 10 lần phần đóng góp của Trung Quốc.
Đứng từ quan điểm này, việc chính quyền Mỹ rút khỏi WHO là phản tác dụng. Bối cảnh hiện nay đã để lại khoảng trống cho phép Bắc Kinh tung hoành. Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sự ủng hộ đối với WHO về mặt chính trị và tài chính.

Liên minh 37 nước kêu gọi chia sẻ vac-xin

Song song với sáng kiến nói trên của WHO, hôm 29/05, một liên minh gồm hơn 37 quốc gia, đa số là các nước đang phát triển, đứng đầu là Costa Rica, với sự bảo trợ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, kêu gọi chia sẻ vac-xin, phương pháp trị liệu và xét nghiệm, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. 

Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới hoan nghênh sáng kiến này. Tuy nhiên Liên Đoàn Quốc Tế các Doanh Nghiệp Dược Phẩm (IFPMA) tỏ ra lo ngại trước nguy cơ bản quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.

Tìm kiếm một loại vac-xin chống Covid-19 chung cho toàn cầu, và các phương thức trị liệu dễ dàng đến với đông đảo dân chúng cũng là mục tiêu được Pháp và Ủy Ban Châu Âu ủng hộ.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt