Nhiều chuyên gia độc lập của LHQ kêu gọi giám sát chặt xâm phạm nhân quyền ở Trung Quốc

Xung quanh ý kiến nên loại bỏ Trung Quốc khỏi những định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc vì những hành vi hung hăng, bá quyền và bản chất độc tài của họ...Chúng tôi cho rằng là không nên, hành vi "cấm vận" này chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến nạn nhân là những người dân vô tội hơn là chính quyền CSTQ. Liên Hiệp Quốc hay Cao Ủy Nhân Quyền là những diễn đàn dân chủ góp phần tố giác những hành vi sai trái của chính quyền CSTQ mỗi năm. Sức mạnh của lời nói rất quan trọng, "nói phải củ cải cũng nghe". Chúng ta thấy chính những chính quyền độc tài như Trung Quốc, Việt Nam đều chỉ lúng túng phủ nhận những hành vi sai trái của họ chứ không thể đưa ra được một lập luận nào làm chỗ dựa cho lẽ phải cả.

Biểu tình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève phản đối Bắc Kinh. Dòng chữ trên biểu ngữ: "Trên 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc cần phải lên tiếng!"
Biểu tình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève phản đối Bắc Kinh. Dòng chữ trên biểu ngữ: "Trên 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc cần phải lên tiếng!" REUTERS/Denis Balibouse
Trọng Thành 

Từ Tây Tạng, Tân Cương,… giờ đây là Hồng Kông: tình hình nhân quyền bị xâm phạm nghiêm trọng tại Trung Quốc ngày càng trở thành mối lo ngại lớn. Hôm qua, 26/05/2020, gần 50 chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc ra một thông báo chung, tố cáo Bắc Kinh ngăn cản điều tra độc lập và kêu gọi cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ tình hình nhân quyền tại quốc gia này.  

Theo hãng tin Pháp AFP, gần 50 chuyên gia hàng đầu của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, trong có nhiều báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền, đã đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng « đàn áp tập thể » đối với các cộng đồng thuộc các sắc tộc thiểu số, các tôn giáo, tại Tân Cương và Tây Tạng, cũng như việc sử dụng vũ lực thái quá, bạo hành tình dục chống lại người biểu tình tại Hồng Kông. 

Riêng về Hồng Kông, các chuyên gia khẳng định luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh chuẩn bị áp dụng tại Hồng Kông « xâm phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Trung Quốc, và giới hạn nghiêm trọng các quyền tự do dân sự và chính trị tại khu tự trị ».

Liên quan đến đại dịch Covid-19, thông báo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về tình trạng các nhà báo, nhân viên y tế, cũng như những người bày tỏ quan điểm trên mạng, thường bị chính quyền đàn áp, với cáo buộc tung tin giả, « gây rối loạn trật tự công cộng ». 

Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kêu gọi « đã đến lúc » cộng đồng quốc tế cần tập trung vào tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các hành động phối hợp quốc tế để buộc Bắc Kinh tuân thủ các cam kết của Trung Quốc với quốc tế trong lĩnh vực này. 

Gần 50 chuyên gia nói trên đưa ra quan điểm với tư cách cá nhân, chứ không nhân danh bất cứ định chế nào của Liên Hiệp Quốc. Các chuyên gia cho biết đã nhiều lần đặt câu hỏi với chính quyền Bắc Kinh về vấn đề này, phía Trung Quốc thường xuyên bác bỏ mọi chỉ trích. 

Theo các chuyên gia, ngược lại với hơn 120 thành viên khác của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã không tạo điều kiện cho các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra chính thức, với thể thức giấy mời để ngỏ.

Trong vòng 10 năm nay, các chuyên gia chỉ được phép tiến hành tổng cộng 5 cuộc điều tra tại Trung Quốc về nhân quyền (liên quan đến an ninh lương thực, kỳ thị nữ giới, tình trạng bần cùng, người cao tuổi, nợ nần). 

Nhóm chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc yêu cầu tổ chức một phiên họp đặc biệt về tình hình nhân quyền Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thành lập một nhóm chuyên gia có sứ mạng xem xét vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, hoặc bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt.

Các chuyên gia cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế, « trong các trao đổi và đối thoại, chất vấn chính quyền Trung Quốc về các nghĩa vụ của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, bao gồm những điều được đề cập trong thông báo trên ». 

Tổ chức bảo nhân quyền Human Rights Watch hoan nghênh « lời kêu gọi chưa từng có này ».  

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt