LHCÂ tăng tốc chống tin thất thiệt: Trung Quốc bị chính thức nêu tên (Mai Vân)

Truyền thông và báo chí được xem là một quyền lực thứ tư để bảo đảm sự ổn vững của nền dân chủ. Sau một thời gian dò dẫm về vai trò của mạng xã hội đối với quyền tự do ngôn luận, quyền của người dân được tham giao vào sinh hoạt chính trị, đời sống xã hội một cách khách quan, trung thực, đa nguyên… các nước dần đi đến một đồng thuận về việc chống lại vấn nạn tin giả, thuyết âm mưu mà vốn dĩ là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ, làm bùng phát trào lưu dân tuý tại nhiều nước.

Vera Jourova, ủy viên châu Âu phụ trách minh bạch trong cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 10/06/2020

Ủy Ban Châu Âu vào hôm qua 10/062020 đã loan báo một loạt biện pháp nhằm chống lại các hành vi loan tin thất thiệt chung quanh đại dịch Covid-19 ngày càng nhiều, xuất phát từ nhiều nguồn trong đó có các tác nhân nước ngoài và một số nước thứ ba. Lần đầu tiên Trung Quốc đã bị vạch mặt chỉ tên là nước – cùng với Nga – đã dính líu vào chiến dịch loan truyền thông tin sai lệch nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu, các quốc gia láng giềng và toàn thế giới.

Nếu Nga đã nhiều lần bị nêu tên, thì hôm qua là lần đầu tiên mà giới điều hành Liên Hiệp Châu Âu công khai chỉ đích danh Trung Quốc là một nguồn loan tin thất thiệt.

Trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, bà Vara Jourová, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết: “Những gì mà chúng ta đang chứng kiến ​​là một sự tăng vọt của những thông tin nhằm làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta với hệ quả là phá hoại cuộc chiến chống dịch của chúng ta”.

Bà Jourová nêu bật ví dụ về các tin đồn theo đó có các phòng thí nghiệm sinh học bí mật của Mỹ trên lãnh thổ các Cộng Hòa Xô Viết cũ. Các tin này được cả các cơ sở truyền thông thân Nga, lẫn quan chức và truyền thông Nhà nước Trung Quốc lan truyền.

Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu khẳng định rằng một khi có bằng chứng, Liên Hiệp Châu Âu sẽ không ngần ngại vạch mặt chỉ tên những kẻ loan tin thất thiệt. Đối với bà Jourová: “Liên Hiệp Châu Âu chỉ có thể mạnh lên về mặt địa chính trị nếu dám quyết đoán”.

Tuyên bố cứng rắn của phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thể hiện một sự thay đổi lập trường rõ nét so với hồi tháng Ba vừa qua khi Bruxelles chỉ nói phớt qua về các hành vi lũng đoạn thông tin của báo chí Trung Quốc mà tập trung mũi dùi vào Nga. Tuyên bố này cũng được đưa ra trong bối cảnh Ủy Ban Châu Âu bị nhiều nghị sĩ châu Âu tố cáo là đã giảm nhẹ những lời chỉ trích Trung Quốc trong một bản báo cáo sau khi bị Bắc Kinh gây sức ép, điều mà các quan chức Liên Âu đã cực lực bác bỏ.

TT Mỹ Donald Trump cũng bị chỉ trích vì loan tin sai lệch

Ủy Ban Châu Âu vào hôm qua cũng gián tiếp chỉ trích tổng thống Mỹ Donald Trump về những thông tin kỳ quái mà ông đã đưa ra về việc dùng thuốc sát trùng để trị bệnh Covid-19 chẳng hạn. Dù không nêu tên ông Trump, nhưng Ủy Ban Châu Âu đã ghi nhận trong một tài liệu rằng những tuyên bố sai lầm đó có thể rất nguy hiểm, và Trung Tâm Kiểm Soát Chất Độc của nước này đã ghi nhận mức tăng 15% của các sự cố liên quan đến thuốc sát trùng.

Bà Jourová cũng nhắc lại lời khen mạng Twitter về việc gắn tín hiệu cảnh báo về đề nghị kiểm chứng tính xác thực trên hai tin nhắn của ông Trump.

Ủy Ban Châu Âu đã khuyến khích các mạng xã hội ký kết một bộ quy tắc hành động tự nguyện về việc chống thông tin thất thiệt, đồng thời đe dọa là sẽ ra quy định nếu các mạng này bất động.

LHCÂ kêu gọi các đại gia internet nỗ lực chống tin thất thiệt nhiều hơn

Trong cuộc họp báo cùng với ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Vera Jourova đã “hoan nghênh” các biện pháp đã được các đại gia Internet áp dụng cho đến nay, nhưng cho rằng các tập đoàn này phải “nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Trong kế hoạch đấu tranh chống tin thất thiệt được thông báo hôm qua, Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu các đại tập đoàn Internet như Facebook, Twitter, Google… công bố báo cáo hàng tháng về các biện pháp đã được thực hiện để chống lại việc loan tin thất thiệt liên quan đến dịch Covid-19.

Theo Ủy Ban, các báo cáo này nên tập trung vào bản chất của thông tin sai lệch, quy mô của mạng phát tán có liên quan, nguồn gốc địa chính trị của mạng đó và đối tượng nhắm tới. Đối với Ủy Ban Châu Âu, các tập đoàn Internet phải chiếm được lòng tin của người sử dụng.

Trong thời gian qua, trước tình trạng thông tin thất thiệt về dịch Covid-19 tăng vọt, Liên Hiệp Châu Âu đã từng yêu cầu các hãng Internet nêu bật thông tin đến từ các cơ quan y tế như WHO, và nhất là rút bỏ mọi quảng cáo về thuốc giả.

Bà Jourova đã khen ngợi việc Google đã chặn hoặc xóa hơn 80 triệu quảng cáo liên quan đến virus corona, và hoan nghênh vào tháng Tư các sáng kiến ​​được Facebook và Twitter công bố để cố gắng ngăn chặn sự lây nhiễm của các thông tin thất thiệt.

Nguồn tin: RFI