Trường thu 90.000 đồng một học sinh tiền phòng chống dịch COVID-19 (Hà Đồng)

Giáo dục và y tế là hai địa hạt xuống cấp trầm trọng dưới chế độ CSVN. Khái niệm "xã hội hóa" của họ tức là bỏ mặc, giảm chi ngân sách tối đa cho các lĩnh vực này. Hệ quả là những chuyện éo le về những khoản thu phí có tính áp đặt dưới lớp vỏ ngoài tự nguyện của nhà trường đối với phụ huynh học sinh cho những phương tiện vệ sinh cần có giữa đại dịch Covid-19. Sự kính trọng của học sinh, phụ huynh dành cho những thầy, cô giáo cũng giảm dần khi môi trường sư phạm xảy ra quá nhiều điều tiếng như thế.





Phụ huynh học sinh của Trường THPT Quảng Xương I, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phản ảnh nhà trường thu một số khoản tiền cao, trong đó có tiền phòng chống dịch COVID-19 với mức 90.000 đồng/học sinh.

Một góc Trường THPT Quảng Xương I, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Dỵ - hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương I - cho biết khoản tiền xã hội hóa để phòng chống dịch COVID-19 là do Hội cha mẹ học sinh nhà trường thu 90.000 đồng/học sinh. 

Hội cha mẹ học sinh nhà trường thu khoản tiền này theo chủ trương của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa về việc xã hội hóa kinh phí mua các thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Quan điểm của ban giám hiệu nhà trường là không thu khoản tiền này đối với học sinh con gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo (hơn 500 em học sinh). Còn lại Hội cha mẹ học sinh nhà trường thu tiền của hơn 1.100 học sinh được tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. 
Số tiền này Hội cha mẹ học sinh của trường đã mua hơn 300 lọ dung dịch sát khuẩn tay, chi kinh phí phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ trường nhiều lần, mua hơn 4.000 khẩu trang; mua xà phòng, 4 máy đo thân nhiệt điện tử, lắp đặt chậu rửa tay để phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại trường.

"Trong khi triển khai thu tiền phòng chống dịch COVID-19, tại một số lớp đã thu tiền của học sinh con gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo là sai với chủ trương của ban giám hiệu nhà trường. Sau khi phát hiện thu sai, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu trả lại ngay cho phụ huynh học sinh" - ông Lê Văn Dỵ cho biết thêm.

Ngoài khoản thu nêu trên, phụ huynh học sinh còn phản ảnh năm học 2019-2020, Trường THPT Quảng Xương I kêu gọi xã hội hóa với mức 700.000 đồng/học sinh. Đây là khoản thu cao đối với học sinh ở vùng nông thôn Quảng Xương.

Giải thích về khoản tiền này, ông Lê Văn Dỵ khẳng định: "Khi đưa ra mức kêu gọi xã hội hóa này, nhà trường đã họp bàn kỹ và thống nhất với Hội cha mẹ học sinh. Mức thu trên không bắt buộc đối với tất cả phụ huynh học sinh, mà kêu gọi tinh thần đóng góp tự nguyện. 

Vì vậy, có nhiều phụ huynh chỉ đóng góp dưới mức kêu gọi, hoặc có người không đóng góp, nhà trường không ép buộc. Đối với hơn 500 học sinh là con gia đình chính sách, hộ nghèo được miễn, giảm đóng góp. 

Số kinh phí thu được từ khoản tiền xã hội hóa này, nhà trường đầu tư vào nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất của trường, lắp đặt các hạng mục phục vụ giáo viên và học sinh. Các khoản thu, chi từ Hội cha mẹ học sinh đều được công khai, minh bạch, dưới sự giám sát của ban giám hiệu nhà trường".

Liên quan đến việc này, bà Phạm Thị Hằng - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa - cho biết lãnh đạo sở đã nhận được phản ảnh về một số khoản thu tại Trường THPT Quảng Xương I và đã có ý kiến với hiệu trưởng, yêu cầu chấn chỉnh ngay khoản thu mà phụ huynh phản ảnh là cao. 

Riêng khoản tiền xã hội hóa để phòng chống dịch COVID-19, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị. 

Nếu cần lắp đặt thêm hệ thống rửa tay, mua dung dịch sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang cho học sinh thì nhà trường kêu gọi cha mẹ học sinh đóng góp. Khi cha mẹ học sinh đồng thuận, nhất trí cao thì mới thực hiện. Nhà trường không được tự ý đưa ra mức thu theo kiểu áp đặt đối với phụ huynh học sinh.

Nguồn tin: Tuổi Trẻ Online