Donald Trump là một con người của màn ảnh. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang lao đao vì cuộc khủng hoảng kép dầu lửa và các biện pháp cách ly phòng chống dịch Covid-19, thì sự xuất hiện mỗi ngày của Donald Trump với tư cách người đứng đầu Nhà Trắng để thuyết trình về nạn dịch, tưởng chừng đem lại lợi thế cho ông hơn trong chiến dịch tranh cử thì thực tế lại không mấy suôn sẻ như vậy. Những phát biểu tiền hậu bất nhất và mâu thuẫn trên nhiều phương diện về y tế, khoa học càng làm nhiều người phẫn nộ thêm và uy tín của đảng Cộng Hòa sút giảm theo. Nhiều người cho rằng những phát biểu công kích mạnh mẽ của Donald Trump, và nội các của ông về Trung Quốc gần đây được cho là sẽ ghi điểm với nhiều người dân Mỹ trên phượng diện bài chế độ CSTQ, so với một hình ảnh mềm mỏng của Joe Biden. Nhưng không ai quên Joe Biden là kiến trúc sư chính cho dự án TPP, tạo lập một liên minh hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương vừa có tác dụng tạo lập một chuỗi cung ứng mới, vừa bảo vệ an ninh trên biển Đông và đặt chế độ CSTQ vào thế bị vây bọc. Những lời kêu gọi có tính chất dân túy mà không có một chiến lược cụ thể nào, rất có thể sẽ đưa Donald Trump vào thế việt vị sau khi người dân Mỹ dần trở nên ngao ngán như phải tua lại một bộ phim kịch tính quá nhiều lần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm một
nhà xưởng sản xuất khẩu trang N95 tại Phoenix, bang Arizona, ngày
05/05/2020. Brendan Smialowski / AFP
Siêu vi corona chủng mới làm
đảo lộn đời sống xã hội, kinh tế và cả chính trị của siêu cường hàng đầu
thế giới. Đâu là tác động của dịch Covid-19 đối với bầu cử tổng thống
Mỹ năm nay? Rủi ro dịch bệnh chưa được khống chế, liệu có thể khiến cử
tri Mỹ không hào hứng tham gia bỏ phiếu ? Đâu là chiến thuật của hai
đảng để khuyến khích cử tri đi bầu? Trả lời các câu hỏi của RFI Tiếng
Việt, nhà báo Phạm Trần từ Washington đưa ra một số phân tích.
RFI :
Kính chào nhà báo Phạm Trần. Trước tiên, RFI Tiếng Việt kính chúc
ông và gia quyến được bình an trong mùa dịch. Thưa ông, dịch bệnh
Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ đã gây xáo trộn cuộc vận động bầu cử
tổng thống Mỹ như thế nào? Đâu là những bất lợi cho cả hai đảng chính
trị? Phải chăng đảng Dân Chủ là bên bị thiệt hại nhiều nhất?
Nhà báo Phạm Trần :
Đúng là nạn dịch này đã gây xáo trộn chung cho toàn xã hội Mỹ, kể từ
ngày lập quốc cho đến bây giờ. Chưa bao giờ Hoa Kỳ gặp phải một đối thủ
rất là nguy hiểm như nạn dịch Covid-19. Dù có những biện pháp ngăn chận,
nhưng cho đến bây giờ chưa có dấu hiệu cho thấy là nạn dịch có thể giảm
đi hay có cơ may chấm dứt. Thế nên, việc này ảnh hưởng rất lớn
đến đời sống chính trị của Hoa Kỳ. Không những vụ việc gây bất lợi cho
đảng cầm quyền, tức là cho ông Donald Trump và đảng Cộng Hòa, mà còn gây
bất lợi cho các ứng cử viên đảng Dân Chủ, đặc biệt là ông Joe Biden –
cựu phó tổng thống.
Nhìn trong tổng thể, đảng Cộng Hòa cũng như
đảng Dân Chủ bị thiệt hại ngang nhau, nhưng dường như đảng Dân Chủ bị
thiệt hại hơn bởi vì người tranh cử ứng cử viên của đảng Dân Chủ cũng
như các lãnh tụ của đảng Dân Chủ không có các cơ hội đi đây đi đó để
tiếp xúc với cử tri cũng như không có đủ khả năng về vấn đề tài chính và
phương tiện để mà xuất hiện trên đài truyền hình.
Trong bối cảnh này, đảng Dân Chủ phải làm gì, vì cuộc bầu cử sơ bộ vẫn chưa kết thúc?
Đúng
vậy, vì đảng Dân Chủ đã quyết định dù nạn dịch có ra sao đi chăng nữa
trong vài tháng tới đây, thì các cuộc bầu cử sơ bộ cũng phải kết thúc
vào tháng 6/2020. Đảng Dân Chủ đã quyết định tổ chức đại hội đảng Dân
Chủ thay vì tháng 7 thì lùi lại vào ngày 17/8. Đảng Dân Chủ bằng mọi
cách phải hoàn tất các bầu cử sơ bộ còn sót lại. Thật sự thì cũng không
còn nhiều nhưng đó là điều bắt buộc, theo như luật bầu cử cũng như là
tiến trình bầu cử của mỗi đảng.
Với tư cách là chủ nhân
Nhà Trắng và đang vận động tái tranh cử, mặc dù bị cản trở gặp cử tri,
phải chăng nguyên thủ Mỹ ít nhiều vẫn có lợi thế hơn đảng Dân Chủ nhờ
vào các buổi họp báo dịch bệnh mỗi ngày, một phương tiện để ông đưa ra
nhiều thông điệp chính trị gởi đến các cử tri của mình? Và phải chăng
phần thắng đang nghiêng về ông D. Trump?
Không
hẳn là như thế. Bởi vì kể từ khi ông Donald Trump xuất hiện hầu như mỗi
ngày trong các cuộc thuyết trình về nạn dịch ở Mỹ, ông đã có những sai
lầm rất nhiều về phương diện khoa học, y tế cũng như những lời nói bất
nhất của ông, hôm nay nói thế này, ngày mai lại thay đổi.
Ông
Donald Trump không phải là người đem lợi cho đảng Cộng Hòa từ những
buổi thuyết trình đó. Đến nỗi trong thời gian gần đây, trong 10 ngày
qua, Nhà Trắng đã tìm mọi cách hạn chế sự xuất hiện của tổng thống
Donald Trump trong các buổi họp báo nói về tình trạng dịch ở Hoa Kỳ.
Ông
Donald Trump có cái lợi là ông xuất hiện hàng ngày trong vòng hơn một
tháng qua nhưng ngược lại vì những lời tuyên bố của ông, nó trái ngược
với nhau, xung đột với các nghiên cứu cũng như các quyết định của chuyên
viên về vấn đề y tế, các bác sĩ, các nhà khoa học đối với các vấn đề về
bệnh dịch, thành ra, mới có chuyện ảnh hưởng đối với tâm lý.
Người
Mỹ thấy rất rõ ông là một tổng thống tham lam nói nhiều quá, nói những
điều mà mình không có trong lĩnh vực chuyên môn của mình, cứ nói bừa. Thế
nên đảng Cộng Hòa có lo ngại là những buổi thuyết trình đó thay vì đem
lợi lại cho ông tổng thống Trump cũng như là cho đảng Cộng Hòa, thì
ngược lại người dân Mỹ thấy rõ sự yếu kém, không có chuyên môn, không
hiểu rõ tình hình như là những ông tổng thống đời trước, kể cả Cộng Hòa
và Dân Chủ.
Trong bối cảnh này, nguy cơ cử tri không đi bỏ
phiếu bầu tổng thống là khá cao. Liệu ngày cuộc bầu cử vẫn sẽ được tổ
chức vào ngày 03/11?
Những cuộc trưng cầu dân ý cho thấy
là nếu cuộc bầu cử diễn ra ngày hôm nay, trong tháng này, thì ông Joe
Biden sẽ thắng cử 45%, ngược lại ông Donald Trump chỉ có được 39%. Các
cuộc thăm dò ý kiến của Mỹ cho thấy là ông Joe Biden có nhiều cơ hội
thắng cử hơn ông Donald Trump. Vì vậy hai đảng tìm mọi cách để duy trì
cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 03/11, mặc dù ông Joe Biden có đưa ra một
lời cảnh cáo là rất có thể ông Donald Trump sẽ tìm mọi cách để hoãn cuộc
bầu cử.
Tuy
nhiên, việc hoãn một kỳ bầu cử ở Mỹ là điều không dễ. Vì muốn hoãn phải
có luật của Quốc Hội, mà việc làm luật ở Quốc Hội cũng không phải dễ
dàng. Bởi vì, thứ nhất, đảng Dân Chủ kiểm soát ở Hạ Viện, đảng Cộng Hòa
kiểm soát ở Thượng Viện. Nếu một dự luật mà không được thông qua ở Hạ
Viện, thì không bao giờ có thể lên trên Thượng Viện được. Trong
cuộc bầu cử năm nay, cho đến giờ này, mặc dù còn 5 tháng nữa, nhưng có
nhiều biến cố có thể xảy ra từ giờ cho đến ngày 03/11. Chúng ta chưa thể
biết nạn dịch này đưa nước Mỹ đến đâu
Cả hai đảng sẽ có những chiến thuật gì để tranh cử và thuyết phục người dân đến các phòng phiếu?
Đảng
Dân Chủ hiện đang vận động làm thế nào vạn bất đắc dĩ, nếu người dân Mỹ
không đến phòng bỏ phiếu được ngày 03/11 thì sẽ thực hiện bỏ phiếu bằng
cách gởi thư đến, hay bằng cách nào đó mà có thể ghi nhận được một cách
chính xác cuộc bỏ phiếu đó. Ngược lại, chính cá nhân ông Donald
Trump chống lại cuộc bầu cử bằng cách gởi thư, hay tỷ dụ như e-mail… Ông
ấy muốn mọi người dân Hoa Kỳ phải đến bầu cử với thẻ bầu cử cá nhân của
mình, để chứng thực mình là cử tri còn sống và bỏ phiếu đàng hoàng.
Sở
dĩ ông đưa ra đề nghị này, và đảng Cộng Hòa muốn chống cách bỏ phiếu
bằng thư vì đảng Cộng Hòa đã có kinh nghiệm trong các cuộc bầu cử trước
đây. Nếu ít người đi bỏ phiếu, cơ hội thắng cử của đảng Cộng Hòa sẽ lên
cao hơn đảng Dân Chủ.
Người của đảng Dân Chủ thích ứng cử viên họ
đến dự các cuộc ra mắt vận động của các ứng cử viên nhưng đến khi bỏ
phiếu họ lại lười biếng, họ không đi bầu cử. Thất bại của bà Hillary
Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 đối phó với ông Donald Trump là một
bằng chứng cụ thể.
Ở đây tôi cũng muốn nói thêm là trong chiến
dịch tranh cử của ông Donald Trump, trong nạn dịch Covid-19, phe Cộng
Hòa, và đặc biệt là Văn Phòng Nhà Trắng, ủy ban tranh cử của ông Donald
Trump, đang muốn khai thác hiện tượng Trung Quốc, đưa vấn đề Trung Quốc
vào cuộc bầu cử.
Lý do là họ muốn chứng minh rằng ông Donald Trump
đã có những quyết định hoặc là sẽ có những quyết định chống lại Trung
Quốc, có thể là sẽ đòi Trung Quốc bồi thường những thiệt hại của nền
kinh tế và xã hội của nước Mỹ vì nạn dịch này, xuất phát từ bên Vũ Hán. Vì
vậy trong hai tuần lễ vừa rồi, đặc biệt là đối với ngoại trưởng Mỹ, ông
Mike Pompeo đã chính thức nói, nhưng sau đó không được các cơ quan tình
báo Hoa Kỳ ủng hộ, cho rằng dịch bệnh này, con vi trùng này, xuất phát
từ một viện nghiên cứu vi trùng học ở Vũ Hán, Trung Quốc, và chính con
người, tức là một hay các nhân viên của sở phát ra con vi trùng này, làm
tai hại cho cả thế giới. Đảng Cộng Hòa giờ đang muốn sử dụng lá bài
Trung Quốc và muốn chứng minh rằng ông Donald Trump cũng như đảng Cộng
Hòa có những biện pháp mạnh đối với Trung Quốc.
Ngược lại họ sẽ
tìm mọi cách cáo buộc ông Joe Biden và đảng Dân Chủ là đã từng có những
chính sách nhẹ nhàng đối với Trung Quốc, không dám trừng phạt Trung
Quốc. Và họ muốn so sánh lãnh đạo giữa một người kiên quyết chống Trung
Quốc vì nạn dịch Vũ Hán.
Và đối với ông Donald Trump, ông Joe
Biden là người mềm mỏng và chưa hề có những tuyên bố lên án Trung Quốc
một cách gay gắt như ông Donald Trump. Đây rõ ràng là một chiến thuật
tranh cử mới. Giờ phải chờ xem liệu cuộc tranh luận này và liệu ông
Donald Trump có sử dụng lá bài Trung Quốc vào cuộc tranh cử tổng thống
năm nay hay không.