Virus corona : Một ngày sau khủng hoảng (Tú Anh)

Giới phân tích chính trị Pháp đang đưa ra những nhận định về " hậu " covid -19. Trước những động thái ngày càng quyết đoán của Tập Cận Bình, những bê bối của chính quyền Trump; sự vượt lên của ứng viên tổng thống Joe Biden đang khiến giới phân tích chính trị phương Tây hy vọng sự kết nối trở lại của hai bờ Đại Tây Dương sau khi Trump bị đánh bại.

Bởi chỉ khi hai bờ Đại Tây Dương gắn kết, trật tự thế giới dân chủ mới có thể vững chắc trước sự công phá của thế lực độc tài từ Trung Quốc, Nga, Thổ, Iran...

26/03/2020 - 11:16
Liên Hiệp Châu Âu, cùng với Mỹ, sẽ phải khẳng định vai trò đại cường chính trị trong cuộc cuộc tái thiết thế giới sau khủng hoảng Covid-19
Liên Hiệp Châu Âu, cùng với Mỹ, sẽ phải khẳng định vai trò đại cường chính trị trong cuộc cuộc tái thiết thế giới sau khủng hoảng Covid-19 CC0 Pixabay/Erich Westendarp

Đại dịch siêu vi Corona từ Vũ Hán lây lan đang phân chia lại thế cờ quốc tế. Trung Quốc thủ trước một số quân bài. Nhưng sau cuộc khủng hoảng này, thế cuộc sẽ xoay vần : không loại trừ khả năng nước Mỹ có một vị tổng thống mới vào mùa thu năm nay. Châu Âu phải nắm lá bài Joe Biden. Để làm gì ? Hai bờ Đại Tây Dương cần nhau để khi đại họa chấm dứt, cùng bảo vệ các nền dân chủ Tây phương.

Sau đây là tóm lược bài phân tích "Một ngày sau đó" của Bernard Guetta, chuyên gia địa chính trị, nhà báo, nghị viên châu Âu, thuộc đảng Cộng Hoà Tiến Bước, từng đoạt giải thưởng Albert-Londres 1981. Bài viết đăng trên báo Libération ngày 24/03/2020.

Trong mọi cuộc khủng hoảng, chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến tương lai. Nói dễ làm khó, bởi vì làm sao có thể tính chuyện hậu khủng hoảng khi mà thảm nạn chỉ mới ở bước đầu. Hoa Kỳ, châu Âu, châu Phi và các nước đang có chiến tranh đều chỉ mới ở màn khởi đầu với « giặc siêu vi ». Thế nhưng, cuộc khủng hoảng nào rồi cũng phải chấm dứt. Tiếp theo là phần tái thiết.

Tái thiết như thế nào ? New Deal hay ích kỷ ?

Với nhận định như trên, Bernard Guetta đặt vấn đề : Tái thiết như thế nào? Chúng ta có kinh nghiệm  khủng hoảng tài chính 1929 để suy ngẫm. Khủng hoảng 1929 tuy không do siêu vi gây ra nhưng sự kiện chỉ trong vòng vài ngày lây lan sang Tây phương. Covid-19 cũng làm cả thế giới tài chính đảo điên. Tất cả các nước đều phải xét lại cách tiếp cận đối phó.

Năm 1930, có hai xu hướng tái thiết đối đầu nhau. Một bên là chính sách kinh tế mới New Deal của tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và bên kia là chủ nghĩa Quốc xã của Hitler. Chuyện của ngày hôm qua là như thế. Còn chuyện ngày mai, hay đúng hơn là trong vòng năm sáu tháng nữa thì sao ?

Tác giả dự báo sẽ có hai xu hướng chính trị. Một bên mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí độc tài, tìm kiếm theo mô hình Ấn Độ, Trung Quốc, Nga hay Hungary. Còn bên kia là những nền dân chủ tự do theo nghĩa đa đảng, tự do ứng cử, bầu cử, công nhận ý dân và bên cạnh đó còn có những sức mạnh đối trọng với chính quyền như báo chí tự do, tư pháp độc lập, tự do phân tích và phát huy chính kiến.

Sức hấp dẫn của bàn tay thép và chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Trung Quốc của Tập Cận Bình nắm nhiều lá chủ bài. Khi dịch virus corona làm doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động chậm lại, khiến dầu hoả rớt giá và khi xí nghiệp Mỹ và châu Âu bị tê liệt, lúc đó các nước mới thấy bị lệ thuộc vào linh kiện và nhân công Trung Quốc.

Hai bờ Đại Tây Dương đều đồng loạt phát hiện thế giới từ nay phụ thuộc vào thuốc men và dụng cụ y khoa, chẳng hạn như khẩu trang do Trung Quốc gia công. Khi xuất khẩu hàng tỷ khẩu trang qua châu Âu, nơi đang chống dịch corona nhưng lâm cảnh khan hiếm khẩu trang trầm trọng, Trung Quốc tự khoác áo “cứu nhân độ thế” đối với Tây phương, và sau này Bắc Kinh cũng sẽ làm tương tự đối với châu Phi.

Và cũng vì dám sử dụng biện pháp cách ly, phong toả để chặn dịch để giờ đây nhiều nước bắt chước theo, Tập Cận Bình hiện nay không những có thể làm công luận quên đi tội che giấu thông tin, đàn áp bịt miệng những y bác sĩ báo động dẫn đến hậu quả là cả thế giới bị lây bệnh, mà còn cho rằng chế độ độc tài chống khủng hoảng hiệu nghiệm hơn là chế độ dân chủ.

Trong cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc và một phần châu Á đã chiếm lấy vai trò trung tâm thế giới của Hoa Kỳ từ thời thế chiến chống phe trục. Tuy Trung Quốc không phải là phát-xít nhưng vào thời điểm này, cũng như phát-xít ngày hôm qua, chế độ Trung Quốc đã trở thành một giải pháp đối thủ nhằm thay thế các nền dân chủ Tây phương.

Lỗi tại ai ?

Một phần là do tổng thống Mỹ hiện nay không phải là Franklin Roosevelt. Chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của Donald Trump không phải là New Deal hào hiệp. Đó cũng là lỗi của các nền dân chủ châu Âu do đã trễ nải trong việc khẳng định vai trò đại cường chính trị và cũng do chính các nền dân chủ tự do đã không làm tròn nhiệm vụ thu hẹp bất bình đẳng xã hội.

Theo tác giả, tuy ai cũng biết an sinh xã hội tại Mỹ tốt hơn ở Nga và Trung Quốc, nhưng trong lúc thời thế đảo điên, sức hấp dẫn của bàn tay thép cao đến mức tạo điều kiện cho chế độ độc tài ghi bàn thắng.

Cơ may : Lá chủ bài Joe Biden

Điều trấn an được phe dân chủ là thực tế đã nhiều lần chứng minh những người ôn hoà, có ý thức, cuối cùng sẽ thắng những chính trị gia cực hữu thế hệ mới ở châu Âu cũng như ở châu Mỹ. Trước mối hiểm nguy, lý trí sẽ vùng dậy. Vấn đề là chuyện gì sẽ xảy ra nếu thế giới rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế và bạo loạn xã hội rồi cần bầu không khí ổn định tức khắc để tái thiết ?

Trong cuộc thi đua này, các nền dân chủ khó thắng được độc tài nhưng họ có một lá chủ bài : Joe Biden. Tuy khả năng hạ Donald Trump chưa đủ nhưng xác suất Biden thua cuộc ngày càng ít dần. Cựu phó tổng thống thời Barack Obama thật ra không phải là biểu tượng của thời hiện đại, cũng không huy động được đông đảo người trẻ tuổi như Bernie Sanders, nhưng nhà chính trị của đảng Dân Chủ Mỹ rất được giới công nhân lao động cũng như người Mỹ da đen bình dân ủng hộ. Joe Biden được nhiều ưu điểm là chủ trương hợp tác và phối hợp hoạt động quốc tế, liên kết với đồng minh Liên Hiệp Châu Âu, bảo vệ công lý và bình đẳng xã hội.

Trong bối cảnh từ nay đến tháng 11 kinh tế khủng hoảng ngày thêm trầm trọng, Joe Biden có thể là nhân vật của thời thế, của chính sách kinh tế mới New Deal hào hiệp, không bỏ quên một ai. Chính sách đó đoạn tuyệt với đường lối cực tự do, mạnh được yếu thua, của Ronald Reagan và Margaret Thatcher từ thập niên 1980.

Châu Âu phải cùng Joe Biden lập một mặt trận chung chống nguy cơ độc tài.

Dân là nền tảng, đoàn kết hai bờ Đại Tây Dương là lá chắn. Trong mặt trận này, những nhà dân chủ Tây Âu phải chủ động và không để mất một giây, phối hợp với ban tham mưu của Joe Biden, vì thời gian không còn nhiều, xây dựng một liên minh xoay quanh hai trục. Thứ nhất là công bằng thuế vụ và bình đẳng xã hội. Thứ hai là tái định nghĩa nhiệm vụ của Liên minh NATO với hai khối bình đẳng: Mỹ và châu Âu. Washington phải yểm trợ sao cho châu Âu xây dựng được uy thế chính trị truớc khi lao vào cuộc chiến sắp tới với các xu hướng độc tài.

Một số ý kiến trình bày trong "Một ngày sau khủng hoảng" của Bernard Guetta đang được giới lãnh đạo châu Âu như Pháp, Đức, Ý và cả Anh Quốc thực hiện. Tổng thống Pháp trong những ngày qua nói gì ? Công nhận sự hy sinh, mục tiêu tranh đấu của giới y tế, chính phủ sẽ đầu tư ồ ạt vào y tế cộng đồng, nhìn nhận đúng giá trị công lao của nhân viên, từ bác sĩ cho đến người khiêng băng ca, tài xế xe cứu thương.

Uỷ Ban Châu Âu cũng vừa biểu quyết chấp thuận đề nghị của Paris, Roma và nhiều thành viên yêu cầu hủy bỏ trói buộc về ngân sách để có thể hỗ trợ cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và công nhân lao động nhằm vượt qua khủng hoảng, mục tiêu đi tới vẫn là phục vụ con người, tất cả mọi người.

Tuy nhiên, có một khả năng mà tác giả không dự kiến trong bài phân tích. Nếu Donald Trump tái đắc cử vào mùa thu năm nay thì mọi chuyện sẽ ra sao ?