Vì sao Anh đột ngột thay đổi chính sách chống Covid-19 (BBC Tiếng Việt)

Hà My 
Viết từ London

Trước sự lây lan quá nhanh của covid - 19, chính phủ Anh đã buộc phải thay đổi chiến lược đối phó với những biện pháp mạnh mẽ hơn

Boris Johnson
Reuters

Cho tới ngày 11.3, trước khi WHO tuyên số đại dịch toàn cầu, thì các chính sách phòng chống vi rút Corona (Covid-19) của Anh có lẽ cũng gần tương tự với một số nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Áo, Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, v.v.


Nhưng sau tuyên bố đại dịch của WHO thì ngay lập tức các quốc gia châu Âu này đã có những biện pháp quyết liệt hơn trong khi chính phủ Anh dường như có chính sách "chẳng giống ai" trong việc phòng chống Covid-19.

Nhiều người ở Việt Nam lo lắng cho con cháu và người thân đang sống tại Anh trước chính sách phòng chống Covid-19 của nước này có lẽ vì chính sách của Anh không chỉ khác hẳn so với Việt Nam (như không đeo khẩu trang, người bị nhiễm bệnh chỉ tự cách ly tại nhà, không cần điều trị y tế, không được khám chữa nếu triệu chứng nhẹ, đa số các sự kiện thể thao vẫn được tổ chức, người khoẻ vẫn đi chơi, đi làm như không có chuyện gì xảy ra) mà tới sau ngày WHO tuyên bố đại dịch (12/3) thì còn khác cả các nước châu Âu khác.

Cơ sở khoa học

Nhưng có lẽ chính dựa trên cơ sở khoa học (cũng có thể cả do áp lực từ các khoa học gia, do những diễn biến rất nhanh của dịch bệnh) đặc biệt là mô hình do Đại học Imperial College London đưa ra đã khiến chính phủ Anh nhanh chóng thay đổi chính sách!

Điều khiến mọi người ở Việt Nam lo lắng và cả giới các nhà khoa học trong nước và nước ngoài "giật mình" là "chủ trương" được Trưởng Cố vấn khoa học cho chính phủ, Sir Patrick Vallance, nói về 'miễn dịch cộng đồng' khiến dẫn tới thư ngỏ của hàng trăm khoa học gia yêu cầu chính phủ Anh 'nghĩ lại'. Chính phủ Anh sau đó nói việc này đã bị giải thích sai (rằng không phải là cố tình để lây nhiễm cộng đồng mà lây nhiễm cộng đồng là sản phẩm phụ sau lây nhiễm.)

Mô hình do Đại học Imperial College London đưa ra ngày 17/3 cho thấy nếu đi theo hướng ban đầu của chính phủ thì số người tử vong tại Anh có thể lên tới 260 ngàn người (con số này không phải chỉ là tử vong do virut mà cả tử vong vì các căn bệnh khác do Dịch vụ Y tế quốc gia bị quá tải nên không điều trị được). Nay với những biện pháp thay đổi đáng kể, mô hình mới cho thấy có thể giảm thiểu số người tử vong xuống 20 ngàn người hoặc ít hơn nữa. Cần nói thêm trước đây Anh vẫn coi vi rút corona cũng là một dạng virut cúm, mà tỉ lệ tử vong do Covid-19 vào thời điểm ban đầu thấp hơn nhiều so với con số người tử vong tại Anh do cúm mùa (seasonal flu), vốn khoảng 8 ngàn người mỗi năm.

School pupils
Getty Images

Một khác biệt quan trọng nữa là việc Anh không thực hiện xét nghiệm với người có triệu chứng bệnh chỉ trừ khi đã nhập viện. Theo giải thích của chính phủ Anh thì các số liệu cho thấy trên 80% người nhiễm vi rút chỉ có triệu chứng nhẹ và thường phục hồi sau 7 ngày, còn trong số 20% còn lại thì 15% cần được truyền oxy, chỉ có 5% cần tới máy trợ thở, trong khi tỉ lệ tử vong ban đầu tại Anh chỉ trên 1%.

WHO nhấn mạnh việc phải xét nghiệm

Nhưng tới ngày 16/3 khi ông Tedro Adhanom Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuy không nêu đích danh Anh Quốc, đã nhấn mạnh việc phải xét nghiệm để xác định người nhiễm bệnh thì việc kiểm soát dịch mới có hiệu quả. Chính phủ Anh ngay hôm sau đã nói tới việc sẽ thực hiện xét nghiệm nhiều hơn và rộng hơn (chứ không chỉ dừng ở các ca đã nhập viện), tuy nhiên các cơ sở tại Anh cho tới lúc này chỉ có khả năng thực hiện 5000 xét nghiệm một ngày.

Chưa tới mức thực hiện lock down (cấm mọi đi lại) như Ý, hay như Pháp (từ 12h ngày 17/3 cấm người dân đi lại không cần thiết trên toàn quốc và 100 ngàn cảnh sát được điều động để kiểm soát việc này), hoặc Phần Lan (từ 18/3 đóng cửa biên giới, các cuộc họp trên 10 người bị cấm, rạp chiếu phim, bể bơi đóng cửa, trường học đóng cửa trừ nhà trẻ và mẫu giáo), nhưng Anh cũng bắt đầu KHUYẾN CÁO người dân "hạn chế những đi lại không phải là tối cần thiết"; khuyến khích làm việc từ nhà nếu có thể; người trên 70 tuổi nên ở nhà, không ra đường trong 12 tuần; người có triệu chứng bệnh tự cách ly 7 ngày; các gia đình có người có các triệu chứng bệnh tự cách ly 14 ngày, thực hiện "giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội", trường học tại Anh hiện vẫn mở cửa (vì lo trẻ em nghỉ học, bố mẹ phải ở nhà trông con thì thiếu nhân viên y tế, cánh sát.v.v.); và khuyến cáo hạn chế đi nước ngoài trừ trường hợp tối cần thiết.

Cần chú ý là hiện nay chính phủ Anh mới dừng ở mức Khuyến Cáo (Recommend) chứ chưa Cấm (Ban). Nhưng trên thực tế nhiều tổ chức trước đó đã quyết định huỷ việc tổ chức các sự kiện đông người như các trận bóng đá giải Ngoại hạng Anh, giải bong Bầu dục Six Nations, giải chạy Marathon London, v.v. Một vài trường tư đã đóng cửa và một số cha mẹ đã chủ động cho con nghỉ học ở các trường của nhà nước. Không giống các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam, các biện pháp ở Anh mới đang ở mức tự nguyện và cần tất cả người dân cùng tham gia thực hiện.

Thủ tướng Anh trong vài ngày qua thực hiện họp báo hàng ngày để cập nhật người dân về những diễn biến và các quyết định mới nhất của dịch bệnh mà chính phủ vẫn nói rằng sẽ dựa trên các số liệu và cơ sở khoa học để đưa ra các biện pháp cần thiết.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở London.