Đức: 'Cuộc chiến chính thức chống virus corona đã bắt đầu' (BBC Tiếng Việt)

Lê Thị Hà An 
Gửi cho BBC từ Berlin

Một vài ghi chép và cảm nghĩ về tình hình dịch bệnh và hoạt động chống dịch tại Đức của tác giả Lê Thị Hà An, một nhân viên cứu trợ xã hội người Việt đang sống ở Đức.

Biên giới Đức - Pháp chỉ cho phép hàng hóa và hành khách đi qua
AFP
Biên giới Đức - Pháp chỉ cho phép hàng hóa và hành khách đi qua

Vậy là mọi việc đã rõ ràng! Đã hơn 5 ngày rồi, ở Berlin của tôi "mệnh lệnh" được chuyển đến liên tục, kể cả cuối tuần (bình thuờng chúng tôi không làm việc những ngày ấy).


Không phải là hàng ngày nữa mà là hàng giờ có chỉ thị mới. Chúng tôi thuộc diện KHÔNG ĐƯỢC PHÉP NGHỈ trong công cuộc chống dịch này.

Từ ngày 18/3, NẾU KHÔNG CÓ GÌ NGHIÊM TRỌNG XẢY RA bọn tôi được/phải làm việc ở nhà. Tư vấn, huớng dẫn, trấn an, chỉ bảo, trao đổi, báo cáo, họp hội... tất cả phải làm qua điện thoại và video hết.

Nhưng nếu cần, vẫn phải đến nơi có "chiến sự" để giải quyết công việc. Đồng nghiệp của tôi có nhiều người già hơn tôi, có cả những người sắp về hưu sau cả đời cống hiến, có những bà mẹ trẻ có con nhỏ(từ 2 - 12 tuổi).

Nếu ở nhà không có người trông họ vẫn phải gửi con vào những nhà trẻ dã chiến, nhà trẻ tạm thời để đi làm nhiệm vụ.

'Không ai được nghỉ'

Tất cả nhân sự đều không được nghỉ phép vào thời điểm này, từ sếp đến nhân viên, từ chuyên viên đến thư ký, kể cả lao công!

Các đồng nghiệp làm ở các trại thì luôn chuẩn bị tinh thần nếu có lệnh phong tỏa là phải ở luôn trong đó, còn hiện nay thì vẫn làm theo ca.

Làm nghề xã hội như chúng tôi không có chỗ cho lòng ích kỷ cá nhân, không có tâm, không có trách nhiệm không thể làm trong ngành này được.

Vì sự nguy hiểm của dịch bệnh này trong công việc chúng tôi cũng có sự chọn lọc, phân công rõ ràng. Những người thuộc nhóm dễ có nguy cơ lây nhiễm như tôi được ưu tiên (theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe) không bắt buộc phải ra tuyến đầu, nhưng trong chúng tôi vẫn có người tự nguyện xin làm việc ấy.

Nói dại chứ nhỡ đến lúc không còn người làm ở tuyến trước nữa thì những người ở tuyến sau cũng phải làm chứ ai cũng chỉ nghĩ đến mình thì toàn bộ hệ thống xã hội sập hết và rồi virus tự nó hết hay sao?

Cảm giác ra sao?

Mọi người hỏi cảm giác của tôi sao ư? Tất nhiên là có lo lắng, nhưng sợ thì không! Chúng tôi phải bình tĩnh để còn giải quyết công việc. Đây là lúc con người sống không phải chỉ vì mình nữa mà vì cả cộng đồng, vì cả loài người.

Chúng tôi chỉ là những người làm ở tuyến sau, trước mặt chúng tôi, đối diện trực tiếp với COVID-19 là những y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, cứu thuơng trực tiếp cứu chữa, chăm sóc người đang nhiễm bênh.

Sau đó là những nhân sự làm trong các ngành công an, lái xe công cộng, các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, cả những người lái xe tải đang cần mẫn làm việc không nghỉ để chuyên chở đồ dùng, đồ ăn đang được tiêu thụ 1 cách chóng mặt cho các siêu thị.

Để làm được việc đó cho một thành phố hàng triệu dân như Berlin, một đất nước gần 100 triệu người như nước Đức là một nỗ lực phi thuờng!

Điều đáng buồn nhất

Đáng buồn là trong lúc chúng tôi đang dốc sức chống dịch cho tất cả chúng ta thì nhiều người vì không hiểu biết, vì sợ chết, vì tham lam đang mua vơ vét hét cả những gì có thể góp phần gây khó khăn cho những người đang làm nhiệm vụ.

Chúng ta chỉ nên mua hàng hóa đủ dùng trong 2 tuần, vì công việc chúng tôi không có thời gian mua bán khi tranh thủ đi cửa hàng được một tí thì nhiều thứ không còn nữa. Chúng tôi cũng chỉ bực mình vì không có để mua ngay thôi chứ không hề sợ hãi, bởi chúng tôi biết chỉ vài giờ sau hàng lại về rồi.

Riêng thành phố Berlin của tôi đã bãi bỏ lệnh cấm xe tải chạy chạy vào cả trung tâm thành phố bất kể giờ nào đảm bảo luôn bổ sung các mặt hàng vừa hết để các siêu thị kịp thời phục vụ người tiêu dùng.

Chính quyền không đảm bảo được chuyện không để dân chết vì dịch bệnh nhưng họ hứa không để dân chết đói.

Tôi và nhiều người Đức tin rằng những người lãnh đạo đất nước sẽ làm được việc đó. Các bạn thử quan sát xem bao nhiêu phần trăm người Đức hoảng loạn, mua vơ vét dự trữ hàng hóa tích cóp cho cả mấy đời như một số người mà các bạn biết?

Nghịch lý đáng tiếc

Tiếc là nhiều người giờ được ở nhà, không phải đi làm như chúng tôi thì trong nhà đầy đủ, có khi thừa thãi khẩu trang, găng tay, nước diệt khuẩn... còn chúng tôi đi làm thì không đủ những thứ đó.

Không khẩu trang vì thực ra không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh hoặc làm việc ở khu vực cách ly thì chưa cần đến. Phải để nhường cho bệnh nhân và những người khỏe đang làm ở tuyến 1 mà chúng tôi thấy như thế là rất đúng.

Kế cả bản thân tôi nếu phải làm việc ở đó khi chỉ còn một chiếc khẩu trang thì tôi cũng sẵn sàng nhường cho bác sĩ, bởi ông ấy cần hơn tôi.

Bác sĩ sống sẽ cứu được nhiều người còn tôi có sống cũng chỉ giúp được chứ sẽ không cứu được ai cả. Thế nhưng nhiều người còn tranh thủ kiếm chác trên tính mạng của bao nhiêu con người khác.

Họ mua những thứ đó để gửi về Trung Quốc, Việt Nam hoặc sau đó tung lên mạng bán với giá cắt cổ. Giờ dịch bùng mạnh quá thì họ bỏ của chạy lấy người, tháo thân mang virus về gieo rắc ở quê huơng.

Điều tệ hại nhất

Tệ nhất là tình trạng nước diệt khuẩn, cơ quan tôi đặt mua tiếp mà hiện nay chưa có vì phải ưu tiên cho các bệnh viện trong khi ở nhiều gia đình chứa sẵn hàng lít, giờ chẳng ra khỏi nhà nên cũng chẳng dùng đến.

Hy vọng trước khi nước diệt khuẩn trong kho của chúng tôi cạn thì các nơi sản xuất đã đáp ứng đươc. Chúng tôi biết rằng họ cũng đang tăng ca, tăng nhân công làm ngày, làm đêm để phục vụ nhân loại.

Thôi, vài dòng thế thôi. Hy vọng không xảy ra cái gì nhiều để tôi phải ghi nhật ký cá nhân thuờng xuyên. Còn nhật ký công việc thì dù không có cái đại dịch này chúng tôi cũng phải làm việc đó hàng ngày rồi. Chúc tất cả chúng ta bình an!

Tác giả, bà Lê Thị Hà An, cán bộ công tác xã hội, gửi cho BBC từ Berlin hôm 17/03/2020 trong một ghi chép nhanh giữa những giờ làm việc khẩn trương chống dịch tại Berlin, CHLB Đức. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.