Về Charles Fenn, người Anh đưa Hồ Chí Minh đến với Đồng Minh (Nguyễn Giang)

Một trong những "tài năng" của Hồ Chí Minh là đánh lừa người khác, ông đã đánh lừa hàng triệu người Việt trong thời gian dài, nên việc một người mới chỉ tiếp xúc sơ qua với ông Hồ như Charles Fenn bị đánh lừa không có gì ngạc nhiên. Những gì mà Fenn ca ngợi ông Hồ bằng những lời có cánh, nếu đối chiếu với di sản của ông Hồ ở Việt Nam thì thấy rõ là Fenn đã nhầm to.

Hoa Kỳ
PhotoQuest
Phi công Hoa Kỳ ở Nam Trung Hoa, tháng 1/1945. Trong Thế Chiến 2, Hoa Kỳ giúp đồng minh Tưởng Giới Thạch (chính phủ Trùng Khánh) ở Nam Trung Quốc và mở các chiến dịch oanh kích quân Nhật ở Đông Dương

Charles Fenn (1907-2004), sĩ quan Mỹ gốc Anh đã tuyển Hồ Chí Minh cho OSS, có cuộc đời nhiều thăng trầm ở Viễn Đông, Hoa Kỳ, Anh và Ireland.

Giai đoạn Hồ Chí Minh xây dựng lực lượng Việt Minh trong Thế Chiến 2 xảy ra khi ông được OSS (Office of Strategic Services -tiền thân của CIA), tuyển làm tình báo viên.

Nhờ liên hệ với Đồng Minh và được hỗ trợ trong nỗ lực chống Nhật, uy tín của ông Hồ lên cao trong môi trường cách mạng Việt Nam.

Nhiều tài liệu Phương Tây, như 'The OSS Role in Ho Chi Minh's Rise to Political Power' của Bob Bergin, tin rằng vai trò này của ông Hồ, và món quà 6 khẩu súng lục tướng Mỹ Lee Chennault tặng cho, đã khiến ông trở thành lãnh tụ của nhóm kháng chiến người Việt thân Đồng Minh.

Nhưng các nguồn sử liệu về cuộc chiến của Đồng Minh chống Nhật tại Nam Trung Hoa và Đông Dương trong Thế Chiến 2 ít nói đến vai trò trọng yếu của Charles Fenn - người Anh làm việc cho Hoa Kỳ.

Charles Fenn chính là người đã tự ý tuyển ông Hồ làm 'agent' cho Mỹ sau cuộc gặp - có Phạm Văn Đồng đi cùng - tại Côn Minh ngày 17/03/1945.

Fenn cũng cung cấp phương tiện để ông Hồ về Việt Bắc tổ chức các nhóm du kích, trinh sát thu thập tin tình báo cho Hoa Kỳ.


Các tài liệu ở Anh nay mô tả Fenn như một tay phiêu lưu quốc tế, hơn là một cây bút chỉ được ghi nhận khi về già.
Tuy nhiên, vì ông làm cho Hoa Kỳ và là công dân Mỹ, Charles Fenn không có vị thế gì trong lịch sử quân sự - tình báo Anh hiện đại.

Nghèo khó và phiêu lưu

Sinh ra tại London năm 1907 trong gia đình nghèo, năm 17 tuổi, Charles Fenn xin được chân tạp vụ (bell boy) trên tàu Cunard Line.

Giống Hồ Chí Minh từng làm trên tàu, Charles Fenn ghi lại rằng, sinh hoạt của dân làm thuê đi biển cực nhọc "không khác gì nô lệ".

Đến năm 23 tuổi, Charlea Fenn lên bờ và làm nghề bán vải, nhờ quen một doanh nhân Mỹ trên tàu khách xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi làm nghề bán hàng vải, và nghiện rượu vì "cuộc sống quá nhàm chán", Charles Fenn vẫn giữ liên lạc với nhà giáo dục nổi tiếng của Anh Henry Morris (1889 - 1961), cũng nhờ quen trên tàu Aquitania.

Ông Morris giới thiệu Charles Fenn đọc sách của George Bernard Shaw.

Cuốn 'The Intelligent Woman's Guide to Capitalism and Socialism' đã thay đổi đời ông.

Cũng giống Hồ Chí Minh sau khi thôi đi biển đã dừng chân làm thợ ảnh ở Pháp, Charles Fenn định cư tại Hoa Kỳ, làm nghề ảnh.

Ông lấy vợ Mỹ và nhập tịch Hoa Kỳ.

Nhờ quan hệ của vợ - họa sĩ Marian Greenwood, ông giao du với nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn, và đi vào nghề báo.

Năm 1941, Charles Fenn được cử sang Trung Quốc làm phóng viên ảnh, theo dõi chiến tranh Nhật - Trung.

Không chỉ đưa tin cho tạp chí Friday, sau ông còn gửi ảnh cho AP từ Trung Quốc, Miến Điện và châu Phi.

Kinh nghiệm châu Á khiến ông được OSS để ý và tuyển mộ năm 1943 tại Hoa Kỳ.

Để cử ông quay lại châu Á, tình báo Mỹ cho Charles Fenn đăng lính vào Thủy quân Lục chiến (US Marine Corps - ông rời binh chủng này với hàm đại uý).

Khi trở lại Trung Quốc, Charles Fenn lập ra mạng lưới điệp viên cho Mỹ và công tác này đã đưa ông tiếp xúc với nhóm hoạt động người Việt ở Nam Trung Hoa.

Tuyển dụng Hồ Chí Minh cho Đồng Minh

Mùa xuân năm 1945, mạng lưới tình báo Gordon Group của phe kháng chiến Pháp ở Đông Dương mà Nhật đã chiếm, bị tê liệt.

OSS tìm cách lập ra mạng lưới khác. Và Charles Fenn đã nghe tiếng rằng nhóm du kích người Việt của Hồ Chí Minh từng cứu một phi công Mỹ, Rudolf Shaw, bị bắn rơi xuống Đông Dương tháng 11/1944.

Lính Nhật
Bettmann
Lính Nhật hành quân tiến vào Hải Phòng tháng 9/1940

Được những người Việt Nam giúp vượt tuyết trở về với quân Mỹ tại Nam Trung Hoa, Shaw đã hết lời khen ngợi Hồ Chí Minh.

Điều này có tác động đến Charles Fenn. Và ông ta hẹn gặp Hồ tại Côn Minh, rồi ngay lập tức đồng ý tuyển "người Việt gầy gò đó" làm tình báo viên cho người Mỹ.

Về mặt kỹ thuật, công tác mà Charles Fenn giao cho Hồ Chí Minh là hỗ trợ AGAS (Air Ground Aid Service), nhóm chuyên tìm và cứu phi công Đồng Minh bị bắn rơi, nhảy dù xuống Bắc Việt Nam.

Bản thân Charles Fenn là sĩ quan biệt phái của OSS sang AGAS và có vai trò điều phối cả những đường dây liên lạc từ Đông Dương, Miến Điện của người Anh, với Đồng Minh do Mỹ chỉ huy.

Đó là thời điểm mà mạng lưới tình báo do Laurence Gordon lập ra tại Đông Dương gặp nhiều khó khăn.

  • Mạng lưới Gordon - Bernard - Tan đóng tại Việt Nam, mang tên ba người chủ chốt: Laurence Gordon (người Canada), Harry Bernard (người Mỹ), và Frank Tan (công dân Mỹ gốc Hoa).
  • Cả ba đều từng làm cho hãng dầu Texaco Oil ở Đông Dương và nắm được tình hình Việt Nam.
  • Công việc của nhóm là thu thập tin tình báo và trợ giúp cứu phi công, nhưng cấp trên của họ là quân Anh.

Cạnh tranh giữa OSS và AGAS đã xảy ra gay gắt. Thêm vào đó, quyết định của Charles Feen tuyển Hồ Chí Minh - một nhân vật cộng sản - cũng gây tranh cãi lớn giữa người Mỹ và người Anh.

Mỹ muốn tình báo phục vụ quân Đồng Minh ở cả Nam Trung Hoa, Đông Dương và Miến Điện phải thuộc quyền chỉ huy của Mỹ; còn Tư lệnh quân Anh, đô đốc Louis Mountbatten (chú của công chúa Elizabeth, Nữ hoàng Anh hiện nay) muốn họ làm việc cho Anh.

Mountbatten đã va chạm với tướng Mỹ Albert Coady Wedemeyer và vụ ai điều phối, chỉ huy các vấn đề tình báo ở Đông Dương bị đẩy lên tới cấp Tổng tư lệnh liên quân: Thống chế Anh Henry Wilson và Đại tướng Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ George Marshall.

Rút cuộc thì như trong nhiều chuyện khác, người Anh đành chịu để người Mỹ quyết định.

HCM
Collection Jean-Claude LABBE
Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh tháng 5/1954. Chừng 10 năm trước đó, họ đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động cứu 17 phi công Đồng Minh rơi xuống Việt Bắc

Laurence Gordon bị gọi về Trung Quốc để phục vụ cho không quân Hoa Kỳ đóng ở đó.

Nhưng từ Côn Minh, ông Gordon chỉ đạo cho Charles Fenn và cử Frank Tan hỗ trợ nhóm của Hồ Chí Minh nhằm thay thế mạng lưới cũ gồm nhiều kiều dân Pháp, người Hoa và người Việt bị tan rã.

Ngoài ra, phải kể đến vai trò của Archimedes Patti, cựu Trưởng văn phòng OSS chuyên về Đông Dương tại Washington (Hoa Kỳ) được cử đến Nam Trung Hoa.

Tháng 4/1945, Patti đã tới biên giới Việt-Trung và tìm gặp Hồ Chí Minh.

Dù nói thạo tiếng Pháp, ông Patti đã ra một quyết định khác thường là dùng nhóm của Hồ Chí Minh để thay thế toàn bộ nhóm OSS Pháp, sau khi nhóm này từ chối tấn công đường xe lửa của Nhật ở Việt Nam.

Chỉ trong vòng ba tháng, mạng lưới của Hồ Chí Minh hoạt động rất tốt - họ cứu cả thảy 17 phi công Mỹ trong cuộc chiến.

Nhưng thành tích của họ khiến đại tá tình báo Mỹ Richard Heppner chính thức bắt Gordon và Fenn "trao nộp toàn bộ quyền điều hành" nhóm của Hồ Chí Minh.

Một điều bất thường đã xảy ra.

Maochun Yu, trong cuốn "OSS in China: Prelude to Cold War" viết rằng, nhóm của Gordon đã tự ý bỏ OSS để chỉ phục vụ cho AGAS.

Cùng bỏ đi với họ là Charles Fenn, người Anh mang hàm trung uý của Mỹ, và chính thức là người của OSS.

Charles Fenn luôn tin tưởng vào Hồ Chí Minh hơn là vào các tay tình báo "thực dân Pháp", những người mà theo ông ta muốn duy trì đặc quyền của họ ở Đông Dương nhiều hơn là chống Nhật.

Trong cuốn sách về Hồ Chí Minh xuất bản nhiều năm sau đó, Charles Fenn kể lại với sự ngưỡng mộ, thích thú rằng, ba tháng kể từ cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp (tháng 3/1945) ở Đông Dương, Hồ Chí Minh đã vươn lên thành "một lãnh tụ".

"Ban đầu, ông ấy chỉ là lãnh đạo một trong nhiều đảng phái, không được người Mỹ công nhận, bị người Pháp chống, bị người Trung Quốc từ mặt, trong tay không súng, không phương tiện...Nhưng chỉ đến cuối tháng 6, chủ yếu nhờ nhóm GBT giúp, ông ấy đã trở thành lãnh tụ của một đảng cách mạng rất mạnh mẽ (nguyên văn: overwhelmingly strong revolutionary party".

Có vẻ như Charles Fenn không chỉ thừa biết Hồ Chí Minh là nhà cách mạng cộng sản, mà còn hoàn toàn ủng hộ cho việc một đảng phái như thế có vai trò trong cuộc chiến chống Nhật và ngăn người Pháp giành lại Đông Dương, theo tài liệu CIA ghi lại.

HCM
Fenn
Charles Fenn và Hồ Chí Minh năm 1945

Tuy thế, cảm nhận cá nhân của Charles Fenn về Hồ Chí Minh có lẽ là lý do duy nhất ông ủng hộ ông Hồ và cả sự nghiệp vì tự do cho người Việt Nam.

Trong cuốn sách xuất bản về sau này, Charles Fenn viết:

"Ban đầu ông ta không tạo ấn tượng gì đặc biệt với tôi cả. Nhưng khi đã nhận thấy ánh mắt rất sáng của ông ta, tôi hiểu tôi đang tiếp xúc với một người phi thường.

Sau đó, khi hướng dẫn cho ông ta nghệ thuật quân báo, tôi thấy đôi mắt sáng đó toát ra sự sẵn sàng học công việc rất phức tạp này...Tính ấm áp rất con người của Hồ Chí Minh thể hiện qua quyết tâm vừa khôn khéo, vừa thực tếcủa một người bỏ cả cuộc đời chiến đấu vì mục tiêu đem lại tự do cho Việt Nam."

Thế nhưng, độc lập cho Việt Nam là mục tiêu không dễ.

Trong Thế Chiến 2, Anh và Pháp dần thất thế, nhường chỗ ở châu Á cho Hoa Kỳ - nước có các suy tính không rõ ràng về Đông Dương.

Ngày 02/9/1945, khi Hồ Chí Minh và Việt Minh của ông tuyên bố độc lập, họ có người Mỹ bên cạnh ở Hà Nội.

Dù vậy, các tính toán chính trị của những đại cường châu Âu và Hoa Kỳ thời hậu chiến đem lại một kết quả khác.

Tại hội nghị Tehran (năm 1943), Moscow và Washington (thời Roosevelt) không muốn Pháp quay lại chiếm Đông Dương.

Nhưng thái độ của Mỹ về Đông Dương, gồm Việt Nam, thay đổi sau khi Harry Truman lên làm tổng thống.

Quân Đồng Minh để Anh vào Nam Việt Nam giải giáp Nhật ở dưới vĩ tuyến 16; và Trung Hoa Dân quốc vào ở phía Bắc, trên vĩ tuyến 16.

Claire L Chennault
Hulton Deutsch
Thiếu tướng Không quân Mỹ, Claire Lee Chennault (giữa) đã tặng Hồ Chí Minh súng ngắn và ảnh có chữ ký kỷ niệm.
Mỹ cuối cùng đã đồng ý để Anh giúp Pháp quay lại Đông Dương.

Liên Xô không tin là Việt Minh đủ khả năng điều hành một quốc gia độc lập nên không công nhận chính phủ Hồ Chí Minh.

Cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất nổ ra khi Pháp quay lại chiếm Nam Kỳ năm 1946 (xem thêm: Cuộc chiến của quân Anh ở Nam Bộ).

Phá sản, bị tước quốc tịch Mỹ

Tới lúc đó, một người Mỹ gốc Anh như Charles Fenn không còn vai trò gì ở Việt Nam.

Ông sang Hong Kong kinh doanh và kiếm nhiều tiền, nhưng ly hôn người vợ Mỹ và trở về Anh.

Chiến tranh Lạnh bắt đầu thì tình bạn của ông với Hồ Chí Minh khiến Charles Fenn gặp nạn khi làn sóng chống Cộng (Second Red Scare) do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy tung ra vào thập niên 1950.

Từng nhận huy chương Bronze Star nhờ hoạt động với Việt Minh, Charles Fenn bị tước quốc tịch Mỹ (phục hồi sau đó) vì nghi vấn là "thân hữu với lãnh tụ cộng sản Bắc Việt".

Ở London, trong lúc nghèo túng, ông gặp Mair Lewis, em gái của nhà thơ xứ Wales, Alun Lewis, người tử trận tại Miến Điện năm 1944.

Bà Mair Lewis cũng là nhân vật văn hóa có tiếng, và sau này được đài báo Wales ghi nhận.

Charles Fenn cưới Mair Lewis và dọn sang Cork, Ireland sinh sống, mở khách sạn.

Với sự trợ giúp của người vợ mới, Charles Fenn cầm bút trở lại.

Năm 1973, ông xuất bản cuốn Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh: a biographical introduction) và gây tiếng vang.

Năm 1995, cùng sáu cựu sĩ quan OSS, ông thăm Việt Nam, tới các địa điểm xưa ở Tân Trào, Tuyên Quang.

Về già, ông tiếp tục du ngoạn sang New Zealand, châu Phi, Nam Mỹ và trở lại Hoa Kỳ thăm con cháu.

Ông cũng bắt đầu viết cuốn hồi ký 'Life Begins at 87; nhưng chưa hoàn tất.

Charles Fenn để lại cuốn sách dài hơi hơn về giai đoạn hoạt động ở châu Á, 'At the Dragon's Gate: With the OSS in the Far East'.

Cuốn sách ra mắt độc giả năm 2004, vài tháng sau khi Charles Fenn tạ thế ở vùng Tây Nam Ireland, thọ 97 tuổi.
Ngày nay, một số báo Anh và Ireland bắt đầu nhìn lại Charles Fenn như người nổi tiếng gắn bó nhiều với hai xứ sở này hơn là nước Mỹ.

Xem thêm chủ đề lịch sử: