Putin chuẩn bị hậu vận tinh vi hơn đối lập lầm tưởng ? (Tú Anh)
Vẫn còn quá sớm để hiểu ý định của Putin, nhưng lịch sử nước Nga đã chứng tỏ, đây là đất nước đã sinh ra những lãnh đạo dám thay đổi.
22/01/2020 - 14:03
Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Mikhaïl Michoustine cùng với thành viên tân nội các, Matxcơva, ngày 21/01/2020. Sputnik/Aleksey Nikolskyi/Kremlin via REUTERS
Theo đúng luật, tổng thống Nga sẽ hết nhiệm kỳ cuối cùng vào năm 2024 vì Hiến Pháp không cho phép ứng cử 2 lần liên tiếp. Quyết định tu chính Hiến Pháp, tăng cường định chế Hội Đồng Nhà Nước với thẩm quyền bao trùm chính sách trong và ngoài nước, tạo ra nhiều suy đoán.
Tuy nhiên, giới quan sát Nga, không ai rõ dụng ý của chủ nhân điện Kremlin, bởi vì nếu chỉ để bám quyền thì hãy làm như Tập Cận Bình, cần gì phải vội vã chạy đua với thời gian ?
Theo AFP, tổng thống Nga đã làm cho chính giới Nga từ phe thân chính cho đến đối lập chưng hửng. Thay chính phủ cũ, đổi thủ tướng, lập nội các mới, đưa tu chính án Hiến Pháp ra Quốc Hội… chỉ trong vòng một tuần.
Mục tiêu duy nhất mà ai cũng có thể thấy là tổng thống Nga muốn mọi việc đâu vào đó trước khi hết nhiệm kỳ cuối cùng vào năm 2024. Nhưng 2024, tức là còn đến 4 năm, bằng với một nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ. Vậy thì hối hả để làm gì ?
Alexei Navalny, khắc tinh của Putin, giám sát mọi hành động của chủ nhân điện Kremlin cũng không lý giải được : « Không ai biết chuyện gì xảy ra. Điều chắc chắn là Putin muốn lãnh đạo nước Nga trọn đời ».
Còn theo thông tín viên RFI Daniel Vallot, giới phân tích chính trị đưa ra bốn kịch bản, nhưng không một giải thích nào vẹn toàn.
Kịch bản thứ nhất : Trước hết, tu chính Hiến Pháp không mang tính bất hồi tố, có nghĩa là bỏ qua các nhiệm kỳ trước, có thể cho phép Putin ra tranh cử tiếp. Kịch bản này khả thi nhưng không có xác suất cao, theo các luật gia.
Kích bản thứ hai cũng là kịch bản được nói nhiều nhất : Putin nắm định chế Hội Đồng Nhà Nước để tiếp tục « giám sát » trên thượng tầng lãnh đạo. Chuyên gia Tatiana Stanovaya của viện R. Politik tin rằng nước Nga sẽ có một ban lãnh đạo « lưỡng đầu ». Putin không cầm đầu nhưng vẫn có quyền uy. Phương án đáng ngại nhất là mô hình Kazakhstan. Noursoultan Nazerbaiev, sửa đổi triệt để Hiến Pháp để làm « cha già dân tộc » mãn đời. Nhưng Hội Đồng Nhà Nước của Nga không có thẩm quyền tối cao như thế.
Kịch bản thứ ba, Vladimir Putin thật sự muốn từ bỏ quyền lực và phải chuẩn bị sao cho tiến trình thừa kế không bị xáo trộn. Arnaud Dubien, giám đốc Viện Quan sát Pháp-Nga ở Matxcơva nghĩ rằng Putin không muốn tái diễn những biến cố trong lịch sử chế độ Xô Viết với những lãnh tụ già nua bám quyền cho đến chết hay hình ảnh của một Boris Yeltsin say xỉn nhượng ghế tổng thống. Đó là những hình ảnh rất phản cảm đối với chính chủ nhân điện Kremlin lẫn người dân Nga. Do vậy, theo Arnaud Dubien, giấc mơ của tổng thống Putin không phải là để chết trên ngai vàng.
Nếu thế, Putin phải làm gì ? Phải chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ trước 2024. Đó là kịch bản thứ tư. Trong chiều hướng này, tổng thống Nga có ý tổ chức bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn, lẽ ra là vào năm 2021 và biết đâu ông cũng muốn bầu lại tổng thống sớm hơn nữa, không chờ đến 2024.
Trong thông điệp ngày 15/01, tổng thống Nga đề cập đến những ngân sách khổng lồ đầu tư cải thiện đời sống dân nghèo. Lòng dân thuận lợi cũng chỉ kéo dài độ hai năm. Phải chăng đó là lý do cần phải gấp rút chuẩn bị trưng cầu dân ý bản Hiến Pháp tu chính vào tháng 04/2020, để có thể tận dụng tối đa yếu tố nhân hòa cho đảng Nước Nga Thống Nhất, đang mất uy tín trầm trọng trong công luận.
Nguồn: RFI Tiếng Việt