Ông Trọng nói Đảng CS 'cần nhân tài, loại người cơ hội' (BBC Tiếng Việt)

Ông Trọng nói đảng cần nhân tài, loại người cơ hội. Nhưng cơ chế do đảng tạo ra lại loại bỏ những người tài đức, đưa những kẻ cơ hội, gian manh lên nắm quyền. 

Làm sao có thể chọn người tài khi không có bầu cử tự do, công bằng ? Làm sao loại được thành phần cơ hội khi mọi nhân sự được dàn xếp trong bóng tối ?

VN
NHAC NGUYEN
Hoa và lời chúc Năm Mới - hình minh họa

Trong thông điệp đón Xuân Canh Tý, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói trong năm 2020, hệ thống chính trị Việt Nam cần nhân tài, quyết liệt thanh lọc thành phần cơ hội và không để 'lươn chạch' chui vào bộ máy.

Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra nhiều thành quả của quốc gia trên 95 triệu dân:


"Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay."

Theo các báo Việt Nam, ông nhấn mạnh điều này khi trả lời TTXVN dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, cũng là kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930).
Nhưng nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nói:

"Tuy vậy, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Trong công cuộc phát triển đất nước, nhiều vấn đề mới phát sinh phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết; tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, không được say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế."

Dù có nhiều tiếng nói quốc tế và ở Việt Nam chỉ một mô hình chính trị kiểu mới mới diệt trừ được gốc rễ tham nhũng, lạm quyền, ông Trọng có vẻ như vẫn chỉ nhấn mạnh đến phương thuốc là đề cao kỷ luật, đạo đức nội bộ theo mô hình cộng sản kiểu cũ.

Ông nói:

"Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hội nhập, hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với hàng và tiền, đối mặt với bao cám dỗ, với mặt trái của cơ chế thị trường, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng.

Mặt khắc, ông thừa nhận, "không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra và kiên quyết sửa chữa".

Công tác cán bộ, theo TBT Trọng, là yếu tố quyết định trong quá trình lãnh đạo của đảng CSVN.

Ông nhắc lại một số giải pháp đã nêu nhiều năm qua như "tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ".

Nhà lãnh đạo 76 tuổi cũng đề nghị nhân dân tham gia giúp làm trong sạch Đảng bằng ngôn từ thân thuộc với nông thôn Việt Nam:

"Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải nêu cao trách nhiệm cùng chung tay phát hiện, giới thiệu nhân tài cho Đảng; đồng thời quyết liệt ngăn chặn, thanh lọc, đưa ra khỏi quy hoạch những thành phần cơ hội, suy thoái, không để những "con lươn, con chạch" chui vào bộ máy của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị."

Trong một bài khác, ngày 22/1, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp chúc Tết các lãnh đạo lão thành.

"Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đan xen với những cơ hội, thuận lợi mới. Có đánh thức được tiềm năng và biến thành nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước hay không, điều đó phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của toàn Đảng, toàn dân ta, của mỗi người Việt Nam chúng ta.

"Với truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết nhất trí, cần cù sáng tạo, chúng ta tin tưởng rằng, năm Canh Tý - 2020 nước ta sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa."

TBT Trọng
Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng

Chiến dịch 'Đốt lò' của TBT Nguyễn Phú Trọng đã đưa một con số đông đảo quan chức cao cấp của chính quyền, gồm cả bộ máy công an, quân đội, ra tòa, hoặc bị kỷ luật.

Theo một thăm dò dư luận ở Việt Nam, có vẻ người dân cho rằng tham nhũng đã giảm trong những năm gần đây, cùng thời gian diễn ra công cuộc 'đốt lò' của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Phong vũ biểu tham nhũng của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Hướng tới Minh bạch ở Việt Nam hôm 7/1 công bố kết quả khảo sát 2019 ghi nhận cảm giác 'tham nhũng giảm'.

Tuy nhiên, khảo sát cho hay cảm nhận về nạn hối lộ ở miền Bắc là 'cao hơn ở miền Nam' với tỷ lệ đưa hối lộ ở Hà Nội (39%) cao gấp ba thành phố Hồ Chí Minh (12%).

Cần vươn lên một đẳng cấp chính trị mới

Việt Nam
Linh Pham
Đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam - hình minh họa

Dù hoan nghênh công cuộc chống tham nhũng, hiện có luồng dư luận cả ở Việt Nam và trên quốc tế rằng đã đến lúc Việt Nam cần cải cách thể chế, chuyển sang nhà nước pháp quyền, dân chủ, đa đảng để phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

Mô hình Liên Xô, một đảng nắm tất cả đã lộ ra nhiều bất cập trong điều hành đất nước và nhất là chỉ chống được tham nhũng về hiện tượng, chưa giải quyết được bản chất của vấn đề.

Chưa kể việc điều hành một nền kinh tế 'thông minh', sáng tạo, trị giá hàng trăm tỷ USD, quốc gia gần 100 triệu người, dân số trẻ, yêu cầu một mô hình mới, ở đẳng cấp cao hơn thời tích lũy đi lên từ túng thiếu.

Nhà văn Nguyễn Viện trong một bài đón Xuân Canh Tý trên Diễn đàn của BBC News Tiếng Việt hôm 07/01 có viết:

"Có lẽ không một ai có thể phủ nhận tình trạng tham nhũng xảy ra trong mọi lãnh vực, từ trên xuống dưới dẫn đến một xã hội khủng hoảng niềm tin và đạo đức do thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu quyền lực chính quyền của nhân dân."

"Nhằm tránh những nguy cơ xung đột, bất ổn xã hội và tạo điều kiện tốt nhất để giữ nước cũng như phát triển đất nước, một lộ trình dân chủ lành mạnh cần phải được tiến hành ngay...

"Phải bỏ ngay cơ chế "đảng cử dân bầu" khống chế quốc hội theo ý chí của đảng, như lâu nay. Trả quyền đại biểu nhân dân về cho nhân dân bằng cách thực hiện quyền tự do ứng cử và bầu cử, tạo điều kiện cho người tài có cơ hội phục vụ đất nước," ông Viện viết từ TPHCM.

Trong năm 2019, Việt Nam cũng được khen là có nhiều cải thiện trong quản trị nhà nước hiện đại hơn, nhưng một số chủ đề mang tính định hướng của bộ máy về nhân quyền, dân chủ, bảo vệ xã hội dân sự vẫn được quốc tế nêu ra.

Một năm trước, Việt Nam nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ (22/01/2019).

Anh Quốc đặt câu hỏi rằng chính phủ Việt Nam "sẽ có những bước đi nào để đáp ứng các nghĩa vụ theo Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị trong việc thiết lập một hệ thống truyền thông độc lập?"

Nước Anh cũng hỏi về lộ trình giải quyết tình trạng ngăn chặn một số trang web truyền thông đưa tin thời sự và bằng việc không hình sự hóa việc xúc phạm ở Việt Nam.

Đức, nước chủ chốt ở EU hỏi :Việt Nam có kế hoạch khi nào thông qua một luật về hội họp/biểu tình để thực thi quyền tự do hội họp biểu tình đã được hiến định?"

Hà Lan muốn biết "Việt Nam sẽ tăng sự minh bạch trong việc trưng thu và đền bù đất đai trong khi sửa đổi Luật đất đai năm 2019?"

Có vẻ như câu hỏi này lại càng có tính thời sự cho 2020 sau vụ việc đẫm máu ở Đồng Tâm, Hà Nội vừa qua.

Chính phủ Đức cũng muốn biết khi nào Việt Nam cho tư nhân hay tổ chức tư nhân quyền ra báo.

Ngay cả các nước như Trung Quốc, Cuba và Venezuela cũng hỏi chính phủ Việt Nam khác nhiều.

Trung Quốc nêu câu hỏi "Quyền được xét xử công bằng được đảm bảo như thế nào trong hệ thống tư pháp của Việt Nam?"

Còn Venezuela thì đề nghị cho biết "Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự mới đáp ứng các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam ra sao?"

Cũng trong năm 2019, Việt Nam vẫn nhận điểm 0 trong hạng mục đánh giá về tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên - một trong năm hạng mục được tính trong chỉ số dân chủ.

Cơ quan có uy tín tại Anh, The Economist Intelligence Unit xếp Việt Nam 136/167 quốc gia về chỉ số dân chủ năm 2019.

VN
Tranh biếm họa chống tham nhũng

Khác với cách hiểu của một số người ở Việt Nam, vấn đề thiếu vắng dân chủ ở nước này hay bị nêu ra không thuộc phạm trù đạo đức, hay cảm tính (kẻ tốt, người xấu) mà vì thể chế bị ràng buộc trong một mô hình chính trị cũ như một di sản lịch sử chưa tháo gỡ được.

Các câu hỏi này, cùng vấn đề nhân sự cao cấp, đường lối và chính sách sẽ tiếp tục được một phần dư luận VN và cộng đồng quốc tế đặt ra cho các nhà lãnh đạo ở Hà Nội trong năm 2020 và sau đó.

Xem thêm: