Pháp cố lập một mặt trận thống nhất chống thánh chiến ở Sahel (Thanh Phương)
Nếu Pháp cũng như các nước phương Tây nói chung không giúp các nước châu Phi xây dựng thành công dân chủ thì việc sử dụng quân sự không giải quyết được vấn đề khủng bố. Chủ nghĩa cực đoan không đơn giản là vấn đề quân sự, nguồn gốc sâu xa của nó là chính trị. Chỉ có dân chủ, chính quyền hiệu quả mới có thể giải quyết vấn đề đói nghèo, thất học, thiếu hiểu biết... căn nguyên của khủng bố.
Giải quyết vấn đề khủng bố ở châu Phi, Trung Đông là cách giải quyết từ xa, triệt để vấn đề khủng bố ở châu Âu.
14/01/2020 - 14:54
Tổng thống Emmanuel Macron họp báo sau thượng đỉnh ở Pau ngày 13/01/2020. Guillaume Horcajuelo/Pool via REUTERS
Hôm qua, 13/01/2020, tại cuộc họp thượng đỉnh ở thành phố Pau ( vùng đông nam nước Pháp ), tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với nguyên thủ của 5 quốc gia vùng Sahel châu Phi ( Mali, Burkina Faso, Niger, Mauritania và Tchad ) đã ra một tuyên bố chung khẳng định sẽ tăng cường hợp tác quân sự để chống các lực lượng thánh chiến Hồi Giáo hiện đang gia tăng các cuộc tấn công.
Để chứng tỏ quyết tâm của nước Pháp trong cuộc chiến này, tổng thống Macron loan báo gởi thêm 220 quân để tăng viện cho lực lượng 4.500 tham gia chiến dịch Barkhane.
Vào lúc Hoa Kỳ muốn giảm bớt sự hiện diện quân sự ở châu Phi, cuộc họp thượng đỉnh hôm qua cũng đã là dịp để 5 nước Sahel và đồng minh Pháp kêu gọi các nước châu Âu khác gia tăng yểm trợ cho họ.
Vừa không được các đối tác châu Âu tiếp sức, Paris vừa bị chỉ trích ngày càng nhiều tại vùng Sahel, vì sự can thiệp quân sự của Pháp đã không mang lại kết quả mong muốn, thậm chí tình hình còn tồi tệ hơn trước đây. Các lực lượng thánh chiến đã gia tăng tấn công, gây tổn thất ngày càng nặng nề cho lực lượng các nước Sahel và lực lượng Pháp. Mới nhất là vụ tấn công hôm thứ 5 tuần trước khiến 89 binh lính Niger thiệt mạng. Trước đó, 13 binh sĩ Pháp cũng đã hy sinh trong một tai nạn trực thăng khi đang tham gia chiến đấu chống quân thánh chiến ở Mali vào tháng 11 năm ngoái. Đây là thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất của quân đội Pháp kể từ khi họ bắt đầu triển khai lực lượng ở Sahel vào năm 2013.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hơn 4.000 người đã bị giết chết, đa số là thường dân, trong các vụ tấn công khủng bố trong năm 2019 tại Burkina Faso, Mali và Niger.
Pháp đã bắt đầu can thiệp vào vùng này từ năm 2013 theo lệnh của tổng thống François Hollande. Vào đầu năm đó, quân đội Pháp cấp tốc khởi động chiến dịch Serval, huy động 1.700 lính để ngăn chận đà tiến của lực lượng thánh chiến ở Mali, yểm trợ cho quân đội các nước trong khu vực. Chiến dịch đã thành công, lực lượng thánh chiến bị đánh tan tành chỉ trong vòng 3 tháng. Đến tháng 08/2013, chiến dịch Serval đổi thành chiến dịch Barkhane, với quy mô được mở rộng ra toàn bộ vùng Sahel.
Đối với Paris, chống quân thánh chiến tại vùng này chính là ngăn ngừa từ xa nguy cơ khủng bố của Hồi Giáo cực đoan trên đất Pháp, mà chống khủng bố là một cuộc chiến dài hơi, như lời bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly. Vấn đề là, mặc dù được Liên Hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc giúp huấn luyện, mặc dù được Pháp tích cực yểm trợ, quân đội của 5 nước Sahel vẫn không đủ sức ngăn chận khủng bố. Tình hình kinh tế và xã hội của những nước này cũng còn rất tồi tệ, tạo ra những mảnh đất màu mỡ cho các nhóm Hồi Giáo vũ trang bành trướng hoạt động. Sahel lại là một vùng rất rộng lớn, có diện tích lớn bằng cả châu Âu, nên lại càng khó kiểm soát hoạt động của các nhóm này.
Trong tuyên bố chung hôm qua, các nước Sahel cũng bày tỏ mong muốn Pháp tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở Sahel. Thế nhưng, tại thượng đỉnh Pau, tổng thống Macron đã cực lực lên án những luận điệu chống nước Pháp, mà theo ông, một phần là do sự kích động của các thế lực ngoại bang muốn châu Âu xa rời châu Phi. Chắc là ông Macron ám chỉ nước Nga, cụ thể là lực lượng bán quân sự Wagner của Nga, lực lượng mà Matxcơva vẫn khẳng định không hề có quan hệ.
Bị dư luận trong vùng phản đối ngày càng mạnh, đặc biệt là ở Mali và Burkina Faso, cách đây một tháng, tổng thống Macron đã dọa rút quân Pháp khỏi vùng Sahel. Cuối cùng Pháp vẫn phải tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng này, nhưng Paris muốn phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn và phải điều chỉnh lại chiến lược chống thánh chiến. Các nước tham gia cuộc họp thượng đỉnh tại thành phố Pau hôm qua đã đồng ý với nhau là sẽ lập một bộ chỉ huy chung giữa lực lượng Sahel và lực lượng Pháp, tập trung đánh vào một số trọng điểm, gia tăng nỗ lực huấn luyện cho quân đội các nước Sahel, đồng thời ra lời kêu gọi đến toàn bộ các quốc gia và các đối tác nào muốn tham gia « Liên minh vì Sahel ».
Nguồn: RFI Tiếng Việt