Việt Nam tiếp tục nêu quan ngại về căng thẳng Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc (RFA Tiếng Việt)
Những dấu hiệu ly dị giữa đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc ngày càng rõ.
Nếu theo dõi báo chí trong nước thời gian gần đây, chúng ta cũng sẽ thấy giọng điệu của Việt Nam đối với Trung Quốc và Mĩ đã thay đổi theo hai chiều ngược nhau. Tiêu cực với Trung Quốc và tích cực đối với Mĩ.
Đối lập dân chủ Việt Nam cần thích nghi với bối cảnh mới.
Hình minh họa. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9/2019. AP
Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra hôm 10/12, Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục nêu quan ngại về tình hình căng thẳng Biển Đông với những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong thời gian qua.
Đây là lần thứ hai trong năm nay Việt Nam nói đến những hành động xâm phạm của tàu Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam nhưng tránh không nên tên Trung Quốc trực tiếp.
Hôm 28/9, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong bài phát biểu của mình nhưng không nêu tên Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đại diện Việt Nam Phạm Hải Anh bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Ông Phạm Hải Anh cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời khẳng định lập trường của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng tại phiên họp lần này, đại diện một số nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia cũng đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, đề cao vai trò của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến khoảng cuối tháng 10, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và cả tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này của Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu.
Hoa Kỳ và EU cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Bãi Tư Chính mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là hành động bắt nạn Việt Nam của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó khẳng định vùng nước gần Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động đơn phương tại khu vực này.
Mặc dù có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, Hà Nội và Bắc Kinh vẫn duy trì các đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, bao gồm việc tuần tra chung ở vùng Vịnh Bắc Bộ. Đợt tuần tra mới nhất giữa hải quân hai nước vừa diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 12.
Biển Đông là vùng nước đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ quyền trên biển với đường đứt khúc này qua các ấn phẩm sách báo, phim ảnh và ứng dụng bản đồ, gây ra các phản ứng gay gắt từ các nước láng giềng.
Hôm 10/12, truyền thông trong nước đưa tin công ty Điện lực Long Thành (Đồng Nai) mới đây đã từ chối mua điện mặt trời áp mái của một khách hàng trên địa bàn vì phần mềm được cài đặt có bản đồ đường lưỡi bò.
Các bộ ngành của Việt Nam thời gian gần đây đã đồng loạt chỉ đạo việc kiểm tra chặt chẽ, cấm nhập những mặt hàng vào Việt Nam có bản đồ lưỡi bò.
Nguồn: RFA Tiếng Việt