Thập niên nóng nhất trong lịch sử, trong lúc khí thải CO2 tiếp tục tăng (Trọng Thành)

Trái đất đang dần ấm lên, điều này đã được các nhà khoa học cảnh báo từ hàng chục năm trước. Nhưng vì lợi ích kinh tế, hầu hết các chính phủ trên thế giới không có thái độ dứt khoát trong vấn đề lựa chọn giữa môi trường và phát triển kinh tế. Tình hình hiện nay rất cấp bách, ngôi nhà chung của cả nhân loại đứng trước nguy cơ bị hủy diệt nếu các chính phủ trên thế giới không có hành động quyết liệt hơn trong vấn đề giảm khí thải.
Điều khiến chúng ta lo lắng là một loạt lãnh đạo dân túy đã lên nắm quyền nhiều nơi trên thế giới với thái độ rất vô trách nhiệm với môi trường, trong đó có Mĩ.

media
Cảnh Hội nghị Khí hậu COP25 tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 04/12/2019.
REUTERS/Susana Vera


Hai kết quả điều tra về Khí hậu được công bố trong các ngày 03 - 04/12/2019. Các kết quả tái khẳng định nhân loại đang tiếp tục trượt sâu vào cuộc khủng hoảng Khí hậu, viễn cảnh tìm ra được lối thoát dường như xa vời.

Thượng đỉnh Khí hậu COP 25, nhằm huy động nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến hạn chế khí thải gây hiệu ứng lồng kính, vừa khai mạc tại Madrid, Tây Ban Nha. Báo cáo thường niên của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới, công bố hôm qua, đúng vào ngày khai mạc thượng đỉnh, cho thấy thập niên đang qua chắc chắn là '' thập niên nóng chưa từng có trong lịch sử '' được ghi lại cho đến nay.

Năm 2019 chắc chắn là năm nóng thứ hai hoặc thứ ba trong vòng hơn một trăm năm qua. Tổng thư ký Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới Petteri Taalas cho biết, cùng với khí hậu bị hâm nóng nhanh chóng, ''các đợt nóng cao độ và lũ lụt, vốn xảy ra hàng thế kỷ một lần, nay diễn ra thường xuyên hơn'’. Đi liền với việc khí hậu nóng lên, mức độ axit hóa của đại dương tăng lên khoảng 26% so với thời tiền công nghiệp, với hệ quả là những thảm họa kinh hoàng đối với các hệ sinh thải biển. Tốc độ tan băng ở Nam Cực rất nhanh, phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.

Do biến đổi khí hậu, nạn đói gia tăng trở lại. Hơn 820 triệu người lâm vào cảnh đói trong năm 2018. Cũng theo báo cáo này khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã mức kỷ lục vào năm 2018. Và đây là một xu hướng kéo dài từ nhiều năm nay.

Báo cáo của Global carbon project (GCP), công bố hôm nay, cũng đưa ra cùng một kết quả. Tổng lượng khí thải CO2, do sử dụng năng lượng hóa thạch, tiếp tục tăng trong năm 2019 (0,6%).Lượng khí thải có phần chững lại trong những năm đầu tiên sau khủng hoảng kinh tế 2008, để rồi tăng mạnh trở lại trong hai năm 2017 (+1,5°C) và 2018 (+2,1%).

Các nhà khoa học dự kiến với đà tăng này, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên từ 4°C đến 5°C so với thời tiền công nghiệp.

Theo tính toán của Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc, để đạt được mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5°C, mỗi năm cần phải giảm được 7,6% lượng khí thải trung bình một năm. Và điều này cần được thực hiện ngay từ năm tới, và liên tục tới 2030, trước khi quá trễ.

Nhân loại đang đứng trước sự lựa chọn quyết định, như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cảnh báo. Hoặc ''bó tay đầu hàng'', hoặc kiên quyết hành động, nhanh chóng giã từ năng lượng hóa thạch, hướng về các năng lượng tái tạo. Thời gian lựa chọn không còn nhiều.