Irak: Thủ tướng từ chức, dân chúng đòi giải tán cả chính phủ và Quốc Hội (Thuỳ Dương)

Trước sức ép của người dân, cuối cùng thủ tướng Irak đã phải ra đi, nhưng người dân muốn tất cả chính trị gia phải được thay thế. 
Irak là một nền dân chủ đang trong giai đoạn phôi thai, những yếu kém của nó là không thể tránh khỏi. Người ta tin vào dân chủ không phải chỉ vì nó là tổ chức nhà nước hiệu quả nhất, mà còn vì nó là nhà nước phải lắng nghe ý kiến người dân để tự cải tiến liên tục.

media
Các cuộc biểu tình ở Bagdad vẫn tiếp diễn trong ngày 30/11/2019, bất chấp ý định từ chức của thủ tướng.
REUTERS/Khalid al-Mousily

Hôm nay 01/12/2019, Quốc Hội Irak chấp thuận đề nghị từ chức của thủ tướng Adel Abdel Mahdi. Chủ tịch Nghị Viện thông báo sẽ đề nghị tổng thống chỉ định thủ tướng mới. Ông Adel Abdel Mahdi đã chính thức đệ đơn từ chức lên Nghị Viện hôm thứ Sáu 29/11, chỉ vài giờ đồng hồ sau lời kêu gọi của giáo chủ Ali Sistani. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, người dân Irak vẫn tiếp tục biểu tình tại Bagdad và ở miền nam, đòi hỏi giải tán cả chính phủ và Quốc Hội.

Từ Bagdad, thông tín viên RFI Lucile Wassermann gửi về bài phóng sự :

Đây là một thắng lợi. Hay nói đúng hơn đây là một bước tiến về phía chiến thắng. Thông báo của thủ tướng về việc sẽ từ chức được nhìn nhận như trên. Tại quảng trường Tahrir, ở thủ đô Bagdad, cô Amma, 22 tuổi, cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Amma phát biểu: “Giờ đây, tôi hy vọng là chính phủ sẽ từ chức và Quốc Hội sẽ được thành lập lại, với những người đáng tin cậy, chứ không phải với những kẻ chuyên trộm cắp, những người chỉ lo nhét tiền cho đầy túi”. Phát biểu của Amma được đa phần người biểu tình xung quanh cô ủng hộ.

Một người biểu tình tên là Ali, 33 tuổi, ngồi trong một cái lều trên quảng trường Tahrir, nói thêm là mọi người sẽ không ngừng đấu tranh cho đến khi nào tất cả các chính khách từ nhiệm. Anh nói: “Chúng tôi đòi hỏi tất cả quan chức chính phủ phải ra đi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào tất cả nghị viên Quốc Hội từ chức, tất cả mọi dân biểu từ nhiệm, và phải có một ủy ban mới được thành lập để chuẩn bị cho các kỳ bầu cử mới.  

Nhiều người khác vẫn tỏ ra rất thận trọng. Ông Moqtar, 64 tuổi, chỉ tin vào việc thủ tướng từ chức một khi quyết định đó được Quốc Hội chấp thuận. Ông Moqtar nhấn mạnh: “Thủ tướng vẫn chưa từ chức. Ông ta cần phải làm điều đó. Nhưng ông ta vẫn tại nhiệm, trong khi lẽ ra ông ta phải ra đi, lẽ ra tất cả họ đều phải ra đi, và là ngay bây giờ!”.

Quốc Hội họp vào hôm nay nhằm đưa ra ý kiến về đề nghị từ chức của thủ tướng.