Jeffrey Hawkins: “Các nhà ngoại giao Mỹ là nạn nhân của chính quyền Trump” (Minh Anh)
Quá trình luận tội tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn cực kỳ căng thẳng với sự xuất hiện ngày càng nhiều yếu tố bất lợi cho Trump. Rõ ràng Trump đã tạo nên những áp lực thiếu khách quan cho nhân viên Bộ ngoại giao, và việc họ đứng lên chống Trump không chỉ vì vấn đề đảng phái, mà nó còn thể hiện sự quyết liệt để giữ được tính độc lập của người thực thi những chính sách ngoại giao.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump, tại Washington ngày 25/10/2019.
NICHOLAS KAMM / AFP
Thủ tục luận tội và phế truất tổng thống Donald Trump chuyển sang một bước ngoặt quan trọng mới. Lần đầu tiên, Hạ Viện Mỹ mở một cuộc điều trần công khai cho phép người dân Mỹ theo dõi trực tiếp việc lấy lời chứng.
Hai viên chức cao cấp ngành ngoại giao Mỹ, William Taylor – đại biện Mỹ tại Ukraina – và ông George Kent, một chuyên gia về Ukraina tại bộ Ngoại Giao là những người khai màn đầu tiên.
Kênh ngoại giao “song song”
Ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện do phe Dân Chủ chiếm đa số nhắc rõ khuôn khổ của cuộc điều tra là làm sáng tỏ các câu hỏi: Liệu ông Trump có “xúi giục” Ukraina can dự vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay không? Liệu tổng thống Donald Trump có lạm quyền hay không? Theo AFP, từ đây đến ngày 20/11 có khoảng hơn một chục cuộc điều trần công khai như vậy.
Tuy nhiên, ngay trong buổi điều trần hôm 13/11/2019, kéo dài gần năm tiếng rưỡi đồng hồ, những tiết lộ của ông Taylor cho thấy sự hiện hữu của một kênh ngoại giao riêng do tổng thống Trump thiết lập với chính quyền Ukraina. Mục đích là để phục vụ cho các lợi ích chính trị của cá nhân ông Trump.
Theo báo Le Monde, luật sư riêng của tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu – ông Gordon Sondland, là những mắt xích chủ chốt trong mạng lưới ngoại giao “bất thường” này theo như cách gọi của đại biện William Taylor trong buổi điều trần.
Ngay từ đầu ông Giuliani đã chủ trương gây sức ép với Kiev, yêu cầu mở các cuộc điều tra nhằm làm suy yếu đảng Dân Chủ. Để thực hiện được ý đồ này, nhóm cố vấn của ông Trump cần phải đánh bật nữ đại sứ Mỹ tại Kiev, bà Marie Yovanovitch, được xem như là một rào cản cho kênh ngoại giao “song song”.
Một khi bà Marie Yovanovitch ra đi, ông William Taylor lên thay, hình thức của một cuộc mặc cả với tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky cũng được định rõ: Một chương trình trợ giúp của Mỹ bất thình lình bị Nhà Trắng ngăn chận, và điều kiện để được dỡ bỏ lệnh cấm này là mở các cuộc điều tra nhắm vào Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống Mỹ, Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ – được cho là có khả năng trở thành đối thủ của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Theo nhiều nhân chứng, chương trình “mặc cả” này do chính ông Gordon Sondland, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu trình bày với các cố vấn của tổng thống Ukraina tại Washington trước sự hãi hùng của một bộ phận cố vấn chính quyền Trump, trong đó có John Bolton. Vị cựu cố vấn an ninh quốc gia lên án các cuộc mặc cả này chẳng khác gì một “giao dịch mua bán thuốc phiện” và xem ông Rudy Giuliani là “ngòi thuốc nổ có thể làm nổ tung mọi thứ”. Vẫn theo báo Le Monde, trong kênh ngoại giao bất thường này còn phải kể đến đặc sứ Mỹ phụ trách Ukraina, Kurt Volker, nay đã từ chức và đang chờ được lấy lời chứng công khai.
Ngành ngoại giao hứng mũi chịu sào
Sự việc cũng cho thấy “các nhà ngoại giao Mỹ còn là những nạn nhân hàng đầu của chính quyền Donald Trump”, như lời nhận xét của Jeffrey Hawskin, cựu đại sứ Mỹ ở Bangui, hiện là nhà nghiên cứu cho Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) tại Pháp trên báo Le Monde.
Mối lo này không chỉ của mỗi riêng ông Hawskin. Tháng 10/2019, trong một thư ngỏ gởi đến các nhà ngoại giao, ông Eric Rubin – lãnh đạo nghiệp đoàn các nhà ngoại giao Mỹ (American Foreign Service Association) đã kêu gọi các đồng nghiệp không nên từ nhiệm. Ông viết: “Đây không phải là một thời điểm dễ dàng, nhưng nếu có thể xin các ngài hãy ở lại”.
Trong lá thư đăng trên trang mạng của bộ, Eric Rubin nhìn nhận bộ Ngoại Giao Mỹ là một trong những nạn nhân chính của chính quyền Donald Trump và điều kiện làm việc ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng ông Rubin cho rằng cần phải kháng cự lại mọi cám dỗ “đóng sập cửa”. Ông viết: “Nước Mỹ cần những kiểm soát không lưu, các thanh tra an toàn thực phẩm, những người gác rừng, các nhân viên tình báo FBI nhưng cũng cần đến các nhà ngoại giao thực thụ”.
Khi trích lại những lời lẽ tha thiết trên của ông Rubin, cựu đại sứ Mỹ ở Bangui, Jeffrey Hawskin nhận thấy rằng chưa có lúc nào nền ngoại giao Mỹ lại bị chao đảo mạnh mẽ như dưới thời tổng thống Trump và sẽ phải khó khăn vực dậy sau khi ông Trump rời chức vụ.
Nhà ngoại giao thực thụ, những kẻ bên lề
Jeffrey Hawskin ghi nhận các viên chức ngoại giao Mỹ đang hứng chịu một sức ép lớn chưa từng có từ ông Donald Trump và nhóm cố vấn của ông: Từ việc có ý định muốn “dẹp bỏ” các viên chức ngoại giao; Cố tình “đi tắt” không tuân thủ quy trình quyết định truyền thống trên phương diện quan hệ quốc tế mà vụ “Ukrainagate” là một ví dụ điển hình; Nghi kỵ các nhà ngoại giao được đào tạo đúng bài bản; Gây áp lực buộc các viên chức ngoại giao phải thể hiện lòng trung thành với tổng thống… Và nhất là chưa có lúc nào, một “bầu không khí thù nghịch” lại ngự trị mạnh mẽ tại bộ Ngoại Giao Mỹ như lúc này, giữa những thuộc cấp không tỏ ra ủng hộ Donald Trump và các cấp điều hành.
Jeffrey Hawskin đặc biệt chỉ trích hai lãnh đạo bộ Ngoại Giao Mỹ trong nhiệm kỳ Trump đã không làm gì để dàn xếp mọi việc. Người thứ nhất, Rex Tillerson, theo ông, thật sự là một thảm họa cho ngành ngoại giao Mỹ. Vị cựu chủ tịch tập đoàn Exxon, dường như nghĩ rằng ông có thể làm hài lòng một số “cổ đông” khi loại bỏ một vài vị trí và giảm bớt ngân sách của bộ.
Thế nhưng, ông Tillerson đã không hiểu rằng ở Washington, đô la và số nhân sự là thước đo quyền lực. Tổng thống đã thật sự không lắng nghe ông và ngay cả Quốc Hội, vốn do đảng Cộng Hòa kiểm soát cũng không chấp nhận giảm bớt 30% ngân sách như ông đề nghị.
Người thứ hai là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiện nay. Khi ông mới nhậm chức vào năm 2018, giới ngoại giao Mỹ cảm thấy có chút hy vọng. Bởi vì, ông Pompeo ít nhiều cũng hiểu rõ “tầng lớp Washington” và từng tuyên bố trao lại “niềm tin” cho bộ. Chỉ có điều “lời nói gió bay”. Mọi việc cũng chẳng khá hơn. Pompeo tuân thủ một cách trung thành đường lối của tổng thống Trump. Ông không tác động đến những định hướng đôi khi “kỳ ngoặc” mà tổng thống Mỹ đưa ra trên phương diện đối ngoại. Và ông còn yêu cầu các cộng sự phải thể hiện sự trung thành tuyệt đối với nguyên thủ Mỹ.
Cuối cùng là bản thân các chính sách của ông Donald Trump. Jeffrey Hawskin thừa nhận mỗi một đời tổng thống có một đường lối đối ngoại riêng. Nhưng các nhà ngoại giao Mỹ thường xuyên buộc phải phản đối những quan điểm đưa ra được cho khó thể lý giải hay xa rời với những giá trị truyền thống của Mỹ. Mà việc bỏ rơi đồng minh Kurdistan tại Syria là một ví dụ mới nhất.
Cựu đại sứ Mỹ tại Bangui mỉa mai kết luận : Trong thời buổi khó khăn này, một nhà ngoại giao Mỹ rất có thể sẽ phải tự hỏi làm thế nào đổi nghề chuyển sang làm kiểm soát không lưu!
Nguồn: RFI Tiếng Việt