Sự sùng bái lãnh tụ và chức vụ sau một cái chết (Việt Nghĩa)

Mỗi ngày chúng ta có hàng trăm cái chết vì ung thư, tai nạn giao thông, trong trại tạm giam hay trong nhà tù cộng sản...nhưng chưa bao giờ cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ như cái chết của vị quan chức Lê Hải An. Điều khác biệt duy nhất có lẽ vì ông ta là một quan chức cộng sản? Nếu chỉ thế thì quả thật chúng ta mang nặng não trạng xem thường mạng sống của quần chúng, dân đen...(Việt Nghĩa)
Sự kiện đáng chú ý trong thời gian gần đây là cái chết đầy tranh cãi, mờ ám của vị thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An, người được cộng đồng ca ngợi là "tử tế nhất bộ", "hiền tài, tinh hoa cuả dân tộc",...Lời khen không chỉ đến từ những người bình thường, mà còn đến từ vị giáo sư từng đoạt giải “Nobel toán học”, giáo sư Ngô Bảo Châu. Tang lễ của vị thứ trưởng thu hút hàng ngàn người tham dự, trong đó có cả người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Các bài viết về sự kiện này trên BBC: "Hàng ngàn người tham dự tang lễ Lê Hải An", "Cộng đồng mạng yêu cầu điều tra cái chết của thứ trưởng bộ giáo dục" luôn đứng có số người đọc đứng đầu danh sách. Vậy chúng ta lý giải hiện tượng này như thế nào?
Chúng ta dù đang quằn quại trong kiếp nô lệ, hàng ngày đối diện với hàng trăm thứ bất bình, oan ức, thiệt thòi, nhưng vẫn không nhận ra được nguyên nhân cốt lõi của thảm kịch. Đó một phần là do não trạng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tà giáo Khổng Mạnh, và phiên bản cải tiến của nó mang tên chủ nghĩa cộng sản. Nó khiến chúng ta rơi vào ma trận sùng bái lãnh tụ, tung hô chúc vụ.
Tôi dám quả quyết rằng trước đây rất ít người biết đến vị thứ trưởng Lê Hải An, nhưng khi cái chết của ông ta diễn ra đột ngột, kèm theo đó là sự mờ ám trong kết quả điều tra của cơ quan chức năng và một rừng thuyết âm mưu được dựng lên để ly kỳ hóa câu chuyện, khiến cho dư luận được cơ hội tranh luận sôi nổi, hào hứng. Hàng loạt “công đức” của vị thứ trưởng này được khai quật và tung hô như một vị thánh tử đạo, làm chúng ta quên mất một điều bất di bất dịch trong nội bộ đảng cộng sản: mọi quyết định kỷ luật, chống tiêu cực đều chỉ là lớp vải nhung bọc kín con dao mang tên đấu đá, hạ bệ, thanh trừng phe nhóm.
Chúng ta cũng nên cảnh giác một điều: chức vụ trong bộ máy cộng sản càng cao, thì thành tích "tội lỗi" càng chót vót, hiếm có vị quan chức nào còn giữ được sự lương thiện khi lên đến hàng ngũ thứ trưởng. Nếu chúng ta gắn mác "tinh hoa của dân tộc" cho vị này thì e rằng Lê Hải An bị oan ức, vì ông ta đã nguyện phục vụ cho chế độ cộng sản một cách tâm huyết, dù chế độ cộng sản đã bị khinh bỉ và lên án như một tội ác chống nhân loại. Nếu cho rằng Lê Hải An đúng thì ông ta phải là "tinh hoa của nhân loại" chứ không chỉ là của Việt Nam, còn nếu không phải như vậy, thì ông ta đơn giản chỉ như những đảng viên cộng sản "cúi đầu tiến thân" khác.
Mỗi ngày chúng ta có hàng trăm cái chết vì ung thư, tai nạn giao thông, trong trại tạm giam hay trong nhà tù cộng sản...nhưng chưa bao giờ cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ như cái chết của vị quan chức Lê Hải An. Điều khác biệt duy nhất có lẽ vì ông ta là một quan chức cộng sản? Nếu chỉ thế thì quả thật chúng ta mang nặng não trạng xem thường mạng sống của quần chúng, dân đen...
Một dẫn chứng sống động trong thời gian gần đây là hàng trăm cái chết, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa trong cuộc chiến biên giới Syria do Thổ Nhì Kỳ gây ra, nhưng người Việt vẫn bàng quan, không mảy may thương xót, ngược lại còn ca tụng một trong những thủ phạm gián tiếp gây ra cuộc chiến, Donald Trump, một cách hứng chí, phấn khích. Chúng ta không trân trọng mạng sống của con người, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam, thì chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Đó không phải là luật nhân quả, mà là chúng ta đang tự tay “sát hại” chính bản thân mình. Chừng nào chúng ta còn xem cái chết của bất kỳ người nào, không phân biệt người Việt hay người nước ngoài, dân đen hay quan chức...như là "chuyện thường ở huyện" thì chúng ta vẫn chưa xứng đáng có được sự trân quí, đảm bảo về tính mạng.
Chúng ta cũng chưa làm tốt công tác thuyết phục, trấn an, cảm hóa người cộng sản. Có lẽ những sai lầm, tội ác của nhà cầm quyền Việt Nam gây ra quá lớn, quá đau đớn, nên chúng ta đã loại trừ họ ra khỏi tương lai mơ ước của dân tộc. Nhưng đó chắc chắn là một việc làm không chỉ bất khả thi, mà còn là một sai lầm phải trả giá đắt. Người cộng sản chỉ là hiện thân nổi trội của một thứ văn hoá bệnh hoạn đã gây tai ương cho dân tộc suốt chiều dài lịch sử, chúng ta cũng đóng góp tích cực trong việc duy trì cái vòng kim cô này. Người cộng sản, suy cho cùng cũng chỉ là một người “anh em” ngỗ nghịch, lầm lỗi, lạc đường, nên chúng ta cần hòa giải để thật sự có một mái nhà yên. Để thực hiện được ước mơ này, chúng ta cần kiên trì và chứng minh cho quan chức cộng sản tin vào chân lý:
"Mọi đảng viên cộng sản và viên chức nhà nước hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị, trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở và gian trá. Họ sẽ có niềm tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi người, kể cả chính họ". (Trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).
Khi người cộng sản xác tín vào con đường trở về với dân tộc không thù hận, bạo lực, chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng thành công với cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước đầu tiên trong lịch sử. Và mọi người sẽ không phải bận tâm, ngộ nhận vì những "cái chết sùng bái lãnh tụ, tung hô chức vụ".
Việt Nghĩa (25/10/2019)