Tổng thư ký Stoltenberg: NATO phải đối phó với sức mạnh Trung Quốc (Thu Hằng)

Trước sự suy thoái và rút lui khỏi vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ thì Châu Âu (EU) ngày càng ý thức được vai trò tiên phong của mình trong liên minh dân chủ gồm EU-Nhật-Úc-Ấn...Chúng ta sẽ sớm thấy được sự tham gia một cách chủ động và tích cực của EU vào các vấn đề quan trọng và các điểm nóng trên thế giới. Sự thay thế của EU là hoàn toàn thích hợp và tích cực đối với tương lai và hòa bình của  thế giới. Nước Mỹ đã phạm quá nhiều sai lầm trong chính sách đối ngoại khiến thế giới bất ổn suốt trong thời gian qua.  

 Thủ tướng Úc Scott Morrison (P) tiếp tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Sydney ngày 07/08/2019.AAP Image/Dean Lewins/via REUTERS


Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải ý thức được những hậu quả của sức mạnh Trung Quốc trên thế giới, kể cả tại những khu vực có thể gây thách thức đối với thành viên của khối NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc khi trả lời Reuteurs hôm 07/08/2019 tại Sydney.
Ông Jens Stoltenberg đã đến Úc để họp với thủ tướng Scott Morrisson cùng với hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao về các vấn đề Trung Quốc, cuộc chiến ở Afghanistan, khủng bố và an ninh mạng.

Về sức bành trướng ngày càng lớn của Trung Quốc, kể cả ở vùng Biển Đông, ông Jens Stoltenberg cho rằng « vấn đề không ở chỗ chuyển NATO đến vùng Thái Bình Dương, mà NATO phải đối phó với việc Trung Quốc đang tiến gần tới khối này hơn ». Thực tế được tổng thư ký NATO nêu lên là « Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu, tăng cường hiện diện ở Bắc Cực, ở châu Phi và trên không gian mạng ».

Vì vậy, theo ông Stoltenberg, khối NATO phải đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực, như Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Về kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tầm trung của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, tổng thư ký NATO cho biết ông đã « đề cập với bộ trưởng Quốc Phòng Esper » hôm 06/08, nhưng theo ông, cần phải có thời gian để phát triển hệ thống tên lửa tầm trung, cũng như mọi hệ thống khác trong khu vực này. Ông khẳng định hiện chưa có bất kỳ quyết định nào liên quan đến vấn đề trên.

RFI