Đã đến lúc Việt Nam nên xem lại chính sách 'Bốn không' của mình? (Quốc Phương-BBC)
Giáo sư Vũ Tường có nhắc lại một điều mà THDCĐN đã đưa ra từ lâu và đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra khủng hoảng cho VN trong mọi lĩnh vực mà quan hệ Việt-Trung chỉ là một ví dụ, đó là sự 'khủng hoảng lãnh đạo': 'Vấn đề là Đảng này hiện nay thiếu lãnh đạo có tinh
thần dân tộc, tầm nhìn xa, và khả năng tạo ra thay đổi bước ngoặt. Có
thể đoán được là tình hình căng thẳng sẽ tiếp tục trong nhiều năm đến
khi Trung Quốc dần dần thiết lập quyền kiểm soát trên phần lớn biển
Đông'. ĐCSVN chưa từng có viễn kiến và sẽ không bao giờ có viễn kiến gì cho đất nước. Ngay cả một ảo tưởng về tương lai của 'chủ nghĩa xã hội' họ cũng không còn. Họ hoàn toàn bế tắc và không biết phải làm gì.
Sự kiện ở Bãi Tư Chính trên Biển
Đông không có gì mới, chỉ là tiếp diễn xu thế chính sách của Trung Quốc
từ năm 2005 hay sớm hơn, có thể đoán được là tình hình căng thẳng sẽ
tiếp tục trong nhiều năm đến khi Trung Quốc dần dần thiết lập quyền kiểm
soát trên phần lớn biển Đông, theo một nhà nghiên cứu chính trị học và
Đông Nam Á học từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ.
Với áp lực từ cả ngoài
lẫn trong, đã đến lúc ban lãnh đạo Việt Nam cần xem xét thay đổi đối
sách mà không chỉ là 'ba không' mà phải gọi là 'bốn không' bao gồm không
kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, mà như đã thể hiện và thi triển có
hệ thống và ổn định lâu nay, vẫn theo ý kiến này.
Chủ trương quan
hệ thân thiết và liên Đảng, hơn nữa, đã tỏ ra "mâu thuẫn và làm giảm
hiệu lực" của các biện pháp khác nhằm cân bằng với Trung Quốc, nếu nhìn
từ góc độ lợi ích lâu dài của quốc gia, nó còn "cản trở" việc thực hiện
những cải cách kinh tế - chính trị sâu rộng để tạo sự phát triển bền
vững cho Việt nam, ý kiến này nhấn mạnh.
Trả
lời BBC News Tiếng Việt qua bút đàm, mà dưới đây là nội dung, về sách
lược và tính toán địa chính trị của Trung Quốc qua sự kiện ở khu vực Bãi
Tư Chính từ đầu tháng 7/2019, Giáo sư Vũ Tường, Giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Oregon, trước hết nêu nhận định:
Sự
kiện ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông không có gì mới, chỉ là tiếp diễn xu
thế chính sách của Trung Quốc từ năm 2005 hay sớm hơn. Với chính sách
này, Trung Quốc ngày càng tăng cường các tuyên bố và biện pháp cưỡng chế
thể hiện chủ quyền của mình ở vùng biển Nam Trung Hoa hay biển Đông của
Việt nam. Xu hướng này thể hiện một Trung Quốc (cả lãnh đạo và dân
chúng) tự tin vào sức mạnh quốc gia về cả quân sự và kinh tế, cũng như
nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc để trở thành một cường quốc hải
quân sau khi đã là một cường quốc mậu dịch và kinh tế.
Xu hướng
này có thể dẫn đến căng thẳng với Mỹ nếu Trung Quốc không khéo léo kiềm
chế, nhưng có vẻ họ bất cần - vì tự hào dân tộc quá lớn chăng? Họ cũng
thực sự tin rằng chủ quyền của phần lớn khu vực biển trên là thuộc về
Trung Quốc. Họ cho rằng lãnh đạo Việt Nam ngày nay tráo trở lật lọng vì
chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng và toàn thể ban lãnh đạo miền Bắc Việt nam
(Việt nam Dân chủ Cộng Hoà) vào năm 1958 đã công khai thừa nhận chủ
quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục
địa 12 hải lý của Trung Quốc quanh các đảo này.
Thực ra là 'Bốn không'?
BBC: Việt Nam có nên điều chỉnh chính sách quốc phòng 'ba không' lâu nay và liệu có khả năng xảy ra nguy cơ đối đầu xung đột ở mức cao trên Biển Đông hay không?
Giáo sư Vũ Tường:
Chính sách của chính phủ Việt nam cho đến nay mà thể hiện rõ ràng là
phản ứng yếu ớt; "giữ gìn đại cục"; đàn áp dân chúng biểu tình; nhận
viện trợ và ưu đãi cho các công ty Trung Quốc đầu tư; "ba không" - thực
ra là bốn không, còn bao gồm không kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế,
làm cho lãnh đạo Trung Quốc càng tin là họ có thể dùng tiền để xoa dịu
các phản đối nếu có từ phía Việt nam trước chính sách của họ.
Câu
hỏi chính là liệu sẽ có chiến tranh Việt-Trung và Mỹ-Trung? Từ lâu tôi
vẫn tin là căng thẳng ở biển Đông sẽ không dẫn đến chiến tranh Việt -
Trung vì chính phủ Việt Nam có quá nhiều thứ để mất, đặc biệt là quyền
lực độc tôn của Đảng Cộng sản và quyền lợi kinh tế của các công ty nhà
nước, nếu để chiến tranh nổ ra.
Chiến tranh Mỹ-Trung cũng khó xảy
ra phần vì Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu (bá chủ phần lớn khu vực
biển) mà không chạm đến lợi ích cốt lõi của Mỹ (tự do hàng hải).
BBC:Câu hỏi chính nào đang
được đặt ra với giới nghiên cứu và những ai quan tâm tới an ninh, chính
trị và bang giao quốc tế ở khu vực, đặc biệt liên quan đối sách của các nước được cho là nhỏ và yếu trong vùng?
GS. Vũ Tường:
Giới nghiên cứu quan hệ quốc tế đã tranh luận nhiều về sự trỗi dậy của
Trung Quốc, khả năng trỗi dậy hoà bình cũng như nguy cơ chiến tranh. Dĩ
nhiên các nước lân bang của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trước nhất và
nhiều nhất khi Trung Quốc trỗi dậy.
Trong tình hình này, các thể
chế và tổ chức khu vực như ASEAN hay APEC có thể sẽ thay đổi, thậm chí
giải thể và bị thay thế bởi những thể chế mới để phản ánh tương quan lực
lượng mới. Ví dụ: khái niệm Ấn-Thái Bình Dương là một khái niệm khá
mới. Ý tưởng này có thành hiện thực dưới hình thức một liên minh hay
không còn phải chờ xem.
Trong trung và dài hạn, các nước tương đối yếu hơn ở
khu vực trong đó có Việt Nam sẽ phải tự điều chỉnh theo cách riêng của
mình, dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự, vị trí địa lý, khả năng điều
hành của lãnh đạo, v.v… Mỗi nước có những thách thức khác nhau và không
có câu trả lời chung.
Lý thuyết quan hệ quốc tế cung cấp hai
chọn lựa cơ bản cho các nước nhỏ trong khu vực: hoặc chấp nhận sự lãnh
đạo của Trung Quốc hoặc dùng Mỹ và các cường quốc khác cân bằng Trung
Quốc (luật pháp quốc tế cũng có thể là một loại đồng minh cân bằng với
Trung Quốc trong việc tranh chấp lãnh thổ).
Hai chọn lựa này
không loại trừ việc phát triển khả năng tự thân để tự vệ. Phát triển khả
năng tự thân trước mắt là mua vũ khí và tăng cường hải quân cũng như
phát huy tinh thần dân tộc, nhưng trong trung hạn phải có kế hoạch công
nghiệp hoá gấp rút như Hàn Quốc đã làm trong 30 năm. Cân bằng để tự vệ
có thể thông qua liên minh quân sự, quan hệ mậu dịch, hay cải tổ chính
trị. Trong điều kiện Việt nam, dân chủ hoá sẽ tăng tính chính danh của
chế độ đối với trong nước và thế giới, giúp Việt nam thêm sức mạnh, bạn
bè.
Viễn vọng và kịch bản?
BBC:
Quan hệ liên đảng cộng sản giữa chính quyền Việt Nam với Trung Quốc
hiện nay có giúp giải quyết vấn đề, hay trở thành 'cái bẫy' lợi bất cập
hại? Viễn vọng và kịch bản nào (kể cả nguy cơ nếu có) đang chờ Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối?
GS. Vũ Tường: Trong
thời gian dài trước năm 2007, ban lãnh đạo Việt nam không quan tâm lắm
đến chủ quyền biển đảo. Từ năm đó, họ đã quan tâm hơn, tìm cách tăng
cường khả năng tự thân tự vệ bằng quân sự và phát triển quan hệ với các
đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc như Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Mặt khác,
họ từ chối dùng luật pháp quốc tế để kiện Trung Quốc, nâng cấp quan hệ
với Mỹ trong một chừng mực hạn chế, đàn áp những biểu hiện của tinh thần
dân tộc, và ngăn cản xã hội dân sự phát triển. Tại sao chính phủ Việt
nam không làm tất cả những việc có thể làm?
Đó là vì đường lối chính, nhưng không công khai, của
Đảng Cộng sản Việt nam là giải quyết vấn đề trên quan hệ song phương
giữa hai Đảng cầm quyền mà cùng gắn nhãn "cộng sản", hai nhà nước mà
cùng mô hình độc tài toàn trị, hai quân đội mà cùng gắn nhãn "nhân dân".
Chủ trương này có cơ sở lịch sử, cái thời mà "Bác Hồ ta đó cũng
là bác Mao" như trong thơ Chế Lan Viên ghi lại và phản ánh, cơ sở viễn
kiến chính trị vẫn được biết tới là "đại cục" hay tương lai toàn thắng
của chủ nghĩa xã hội, và cơ sở vật chất với lợi ích kinh tế cho các
công ty nhà nước hay "sân sau" của quan chức.
Chủ trương này tốt
nhất cho Đảng Cộng sản Việt nam vì nó tương thích với mục tiêu và lợi
ích của đảng này, nó còn dễ thực hiện vì nó đi theo đường lối sẵn có,
không phải cố gắng nhiều mà đem lại lợi ích lớn trước mắt cho cán bộ
đương chức đương quyền.
Chủ trương này, mặt khác, mâu thuẫn và làm
giảm hiệu lực của các biện pháp khác nhằm cân bằng với Trung Quốc. Nếu
nhìn từ góc độ lợi ích lâu dài của quốc gia, chủ trương này còn cản trở
việc thực hiện những cải cách kinh tế chính trị sâu rộng để tạo sự phát
triển bền vững cho Việt nam.
Quan hệ kinh tế gần gũi với Trung
Quốc không mang lại công nghiệp tiên tiến mà có rủi ro lớn là nợ công, ô
nhiễm môi trường, và tham nhũng. Cơ sở lịch sử và chính trị của chủ
trương này hoàn toàn sai lệch, "viển vông" như từ ngữ của ông Nguyễn Tấn
Dũng đã dùng.
Tương lai toàn thắng của chủ nghĩa xã hội chỉ là cái
bánh vẽ lãnh đạo Đảng Cộng sản còn níu kéo nhưng cả thế giới và có lẽ
đại đa số Đảng viên đã từ bỏ.
Lịch sử quan hệ hai Đảng Cộng sản
Việt-Trung không có gì đáng tự hào nếu không nói là thảm kịch kinh tởm
của niềm tin và sự phản bội lẫn nhau, dẫn đến chiến tranh và sự hy sinh
vô ích của hàng vạn người dân và chiến sĩ.
Rất có thể áp lực ngày
càng tăng của Trung Quốc và của dân chúng, kể cả những Đảng viên có
tinh thần dân tộc, sẽ buộc Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng phải thay đổi
chính sách.
Vấn đề là Đảng này hiện nay thiếu lãnh đạo có tinh
thần dân tộc, tầm nhìn xa, và khả năng tạo ra thay đổi bước ngoặt. Có
thể đoán được là tình hình căng thẳng sẽ tiếp tục trong nhiều năm đến
khi Trung Quốc dần dần thiết lập quyền kiểm soát trên phần lớn biển
Đông.
Giáo sư Vũ Tường giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Khoa
học Chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ từ năm 2008. Ông từng thỉnh giảng
tại Đại học Princeton, Đại học Quốc gia Singapore, cũng như tại Naval
Postgraduate School ở Monterey, California.
Nghiên cứu của ông về chính trị so sánh, liên quan các chủ để về hình
thành quốc gia, phát triển, chủ nghĩa dân tộc và các cuộc cách mạng, đặc
biệt tập trung vào Đông Á. Chính sách quốc phòng "ba không" được Việt Nam thi triển bao
gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự
của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt
Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.