Nga: Đối lập tiếp tục biểu tình đòi bầu cử tự do bất chấp áp lực (RFI)

Quyền ứng cử và bầu cử của mọi công dân trên hành tinh này là một trong những quyền tối thiểu của con người cùng với nó là quyền tự do báo chí và tự do kết hợp. 3 điều kiện tiên quyết này xác nhận một quốc gia có dân chủ hay không. Ai cũng biết rằng nước Nga thời Putin là một nước độc tài, vì độc tài nên chính quyền rất lo sợ sự xuất hiện của các tổ chức đối lập dù nhỏ hay lớn. Thay vì đối thoại họ luôn tìm cách đàn áp nhưng càng đàn áp thì càng làm người dân phẫn nộ. Khi sự phẫn nộ đủ lớn sẽ tạo ra các cuộc cách mạng, có thể là bạo lực. 


Cảnh sát bắt người biểu tình ủng hộ các ứng viên đối lập của cuộc bầu cử địa phương, tại Mátxcơva ngày 03/08/2019.REUTERS/Tatyana Makeyeva


Hôm nay, 03/08/2019, đối lập Nga kêu gọi dân chúng xuống đường tại Mátxcơva đòi bầu cử tự do, bất chấp chính quyền liên tục đe dọa và gây áp lực. Chính quyền tìm mọi cách cản trở đối lập ra tranh cử bằng cách bắt giam lãnh đạo phong trào phản kháng, ứng viên độc lập hay bác bỏ hồ sơ ứng cử của họ với lý do giả mạo chữ ký người ủng hộ.
Thông tín viên Daniel Vallot tại Mátxcơva ghi nhận:

Artiem Torchinksy là một trong số những người dân Mátxcơva bị Ủy Ban Bầu cử hủy xác nhận chữ ký. Ngày 1/07 vừa qua, doanh nhân 40 tuổi này đã ủng hộ Dmitri Goudkov, một trong những gương mặt đối lập, hiện đang bị bắt giam. Hai tuần sau, chữ ký ủng hộ của ông bị bác bỏ vì lý do giống chữ ký của một người khác. Artiem cho biết :

« Hãy xem, đây là danh sách mà tôi đã ký tên, còn đây là chữ ký của người khác. Người đó đã ký sau 4 ngày. Họ nói là vẫn cùng một người ký và thế là họ bác bỏ cả hai chữ ký. Bất kỳ một chuyên gia về chữ viết nào cũng có thể nói rằng đây là chữ ký của 2 người. »

Artiem Torchinsky  nằm trong số hàng nghìn người bị Ủy Ban Bầu Cử bác bỏ chữ ký. Quyết định đó đã dẫn đến việc hủy tất cả các đơn ứng cử của đối lập. Artiem nói tiếp : 

« Nếu đây là trường hợp cá biệt thì có thể nói là sai sót, nhưng chúng tôi có cả nghìn người như vậy. Như thế tức là họ nói chúng tôi không tồn tại, chữ ký của chúng tôi không tồn tại. Khi Nhà nước muốn tôi đóng thuế thì họ bảo chúng tôi tồn tại. Nhưng khi bầu cử thì không. Tôi rất phẫn nộ. » 

Thứ Bảy này, Artiem sẽ đi biểu tình để lên án điều mà ông gọi là sự phủ nhận dân chủ. Ông sẽ đi biểu tình cho dù có thể bị bắt. 

Ông giải thích thêm rằng : « Ở đất nước của chúng tôi, không thể trông cậy vào pháp chế được. Sức ép của đường phố là điều duy nhất làm chính quyền sợ ».