Giá nhà đất đắt đỏ thúc đẩy biểu tình ở Hồng Kông ra sao? (Nghiên Cứu Quốc Tế)

Tình trạng bất bình đẳng cực độ đã trở thành một trong những động lực đưa giới trẻ Hông Kông xuống đường với hi vọng có thể nhìn thấy một tương lai tốt đẹp hơn, với một chính quyền dân chủ hơn phục vụ lợi ích của số đông thay vì bị chi phối bởi giới tài phiệt và chính quyền Bắc Kinh. "Một nhóm các ông trùm chi phối thị trường bất động sản tiếp tục làm giàu cho chính mình và đẩy chi phí cho người khác. Nhiều người biểu tình trẻ nói rằng họ đã mất hy vọng về một tương lai thịnh vượng. Việc có đủ tiền để mua một ngôi nhà tử tế dường như là điều không tưởng. Các căn hộ “nano” siêu nhỏ mới nhất giờ đây không lớn hơn một chiếc xe hơi là bao. Mức lương trung bình của Hồng Kông chưa tới 17.000 đô la Hồng Kông (2.170 đô la Mỹ) một tháng, hầu như chưa bằng tiền thuê nhà trung bình. Mức lương hàng năm trung bình chỉ mua được 1,1m vuông nhà, bằng một phần tám ở New York hoặc Tokyo."




Biên dịch: Phan Nguyên

Khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hứa hẹn hai điều với những người đang lo lắng về một lãnh thổ vốn có hệ thống chính trị và kinh tế rất khác so với đại lục. Đầu tiên là sự tự chủ chính trị: tới một lúc nào đó người Hồng Kông thậm chí có thể bầu chọn nhà lãnh đạo của riêng họ. Thứ hai là bảo tồn chủ nghĩa tư bản tự do và chính phủ ít can thiệp của Hồng Kông.

Trung Quốc đã không giữ đúng lời hứa chính trị. Đặc biệt kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã làm suy yếu nền tự trị của Hồng Kông và bóp nghẹt đời sống chính trị. Trong gần ba tháng qua, hậu quả đã xảy ra khi cả thế giới đang quan tâm dõi theo những cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố Hồng Kông, đôi khi bị biến thành bạo lực. Trong tuần qua, lãnh thổ này đã tương đối bình yên, với một khoảng thời gian tạm lắng hiếm hoi sau hàng loạt những vụ xịt hơi cay. Sân bay thành phố, sau một cuộc biểu tình ngồi và hai ngày ngừng hoạt động chưa từng có, đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, tình cảm ủng hộ dân chủ vẫn không ngừng dâng cao. Dưới những cơn mưa vì gió mùa vào ngày 18 tháng 8, các đám đông mặc áo phông đen đặc trưng lại kêu gọi quyền bầu cử phổ thông ở công viên lớn nhất trung tâm Hồng Kông. Các nhà tổ chức tuyên bố có 1,7 triệu người tham dự, tức hơn một phần năm dân số. Một cuộc tuần hành lớn khác cũng được lên kế hoạch vào ngày 31 tháng 8 cùng một cuộc tổng đình công vào ngày 2 tháng 9.

Tuy nhiên, trong khi phá vỡ các lời hứa chính trị, Trung Quốc lại tuân thủ chặt chẽ những lời hứa về kinh tế của mình. Điều đó lại cũng khiến sự phẫn nộ của người dân gia tăng. Bằng cách bảo tồn hệ thống kinh tế nguyên bản của Hồng Kông, Trung Quốc đã giúp tạo ra sự bất bình đẳng cực độ, phần lớn là do chi phí nhà ở quá đắt đỏ. Một nhóm các ông trùm chi phối thị trường bất động sản tiếp tục làm giàu cho chính mình và đẩy chi phí cho người khác. Nhiều người biểu tình trẻ nói rằng họ đã mất hy vọng về một tương lai thịnh vượng. Việc có đủ tiền để mua một ngôi nhà tử tế dường như là điều không tưởng. Các căn hộ “nano” siêu nhỏ mới nhất giờ đây không lớn hơn một chiếc xe hơi là bao.

Nhờ giảm thiểu các quy định, các tòa án độc lập cùng dòng tiền cuồn cuộn từ Trung Quốc, Hồng Kông từ lâu đã trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Nhưng nhiều công ăn việc làm được tạo ra lại bị nắm giữ bởi những người nước ngoài với mức lương cao, những người giúp đẩy giá bất động sản lên cao hơn nữa. Những người đại lục tìm kiếm nơi trú ẩn cũng góp phần vào quá trình đó. Và còn có nguyên nhân nữa là thị trường nhà đất bị bóp méo. Chính phủ hạn chế một cách nhân tạo nguồn cung đất để xây dựng nhà ở, bán đấu giá chỉ một vài lô đất mỗi năm. Hầu hết được mua bởi các nhà phát triển bất động sản giàu có, những người hiện cũng đang ngồi trên quỹ đất trống của chính mình. Họ có rất ít động lực để làm tràn ngập thị trường với những ngôi nhà mới, chứ đừng nói đến việc xây dựng nhiều nhà ở giá rẻ. Mức lương trung bình của Hồng Kông chưa tới 17.000 đô la Hồng Kông (2.170 đô la Mỹ) một tháng, hầu như chưa bằng tiền thuê nhà trung bình. Mức lương hàng năm trung bình chỉ mua được 1,1m vuông nhà, bằng một phần tám ở New York hoặc Tokyo.

Các ông trùm của các gia đình kinh doanh chính, ví dụ như Peter Woo của Wheelock, Lee Shau-kee của Henderson Land và anh em Kwok của Sun Hung Kai, đã là những người giàu hàng đầu khi Anh còn cai trị Hồng Kông. Ngoài tài sản, những gia tộc này còn thống trị các ngành công nghiệp ít bị cạnh tranh như cảng biển, tiện ích công (điện, nước, xử lý rác thải… – ND) và siêu thị. Trước khi nhận bàn giao Hồng Kông, Trung Quốc đã miệt mài đầu tư quan hệ với các đầu sỏ nhằm bảo đảm lòng trung thành của họ, nhất là bằng cách cung cấp cho họ các giao dịch đất đai béo bở ở đại lục. Họ đương nhiên tuân thủ quan điểm của Bắc Kinh.

Kể từ khi bàn giao, các ông trùm đã thống trị không chỉ nền kinh tế mà cả chính quyền, phản đối những lời kêu gọi cho quyền đại diện mang tính dân chủ hơn, một nhà nước phúc lợi hào phóng hơn, cũng như một chương trình xây dựng nhà ở giá rẻ như Singapore đã làm từ lâu (và được sử dụng để giữ cho cử tri không nổi loạn). Một phần quyền lực của các ông trùm xuất phát từ đóng góp của họ cho ngân sách Hồng Kông: 27% thu ngân sách của chính phủ đến từ bán đất. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, đã không gặp bất kỳ nhà hoạt động dân chủ nào, nhưng bà đã tham khảo ý kiến ​​của một số nhà tài phiệt.

Tuy nhiên, trước công chúng, các ông trùm lắm lời thường giữ im lặng. Họ có lẽ hy vọng có thể tránh làm mất lòng cả các ông chủ ở Bắc Kinh lẫn các khách hàng của họ ở Hồng Kông. Đối với một chính phủ Trung Quốc vốn thường yêu cầu doanh nghiệp phải cúi đầu, điều đó là chưa đủ.

Truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu tấn công các đầu sỏ chính trị của Hồng Kông vì không đủ lòng trung thành. Cuối tuần qua, một số người đã xuất hiện tại một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ. Li Ka-shing, người giàu nhất Hồng Kông, đã đặt một quảng cáo toàn trang trên báo địa phương, kêu gọi kiềm chế. Nhưng thông điệp của ông ta – có trích một số câu khó hiểu từ văn học cổ điển – là không rõ ràng. Liệu nó nhắm tới người biểu tình, chính quyền địa phương hay chính quyền Bắc Kinh?

Trong một cuộc họp gần đây với các chức sắc phương Tây, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã phàn nàn về các ông trùm Hồng Kông. Cuộc khủng hoảng đã phơi bày những thiếu sót của hệ thống tư bản Hồng Kông, một quan chức cho biết: nó không nhân rộng sự giàu có ra xung quanh nhiều như chính phủ trung ương kỳ vọng.

Nhận thức đó, nếu được chia sẻ rộng rãi ở Bắc Kinh, là điều đáng hoan nghênh. Giống như một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng phải bao gồm một hệ thống chính trị đại diện ít bị lũng đoạn hơn, một giải pháp kinh tế cũng phải bao gồm một thị trường bất động sản ít méo mó hơn. Có lẽ các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh nghĩ rằng một cải cách như vậy sẽ dập tắt các đòi hỏi dân chủ. Dù bằng cách nào đi nữa, họ dường như cũng bắt đầu nhận ra rằng các ông trùm bất động sản Hồng Kông cần phải bị thách thức bởi những chính sách giúp giải phóng nhiều đất đai hơn cho các dự án nhà ở giá rẻ.

Johnny Kember tại KplusK Associates – một công ty kiến trúc – cho rằng tiềm năng này là rất lớn. Hơn 1.000 ha đất trống có thể nhanh chóng được phát triển thành dự án nhà ở. Ngoài ra còn có sân golf rộng 170 ha ở Fanling, có hợp đồng thuê hết hạn vào năm tới. Nhiều con mèo béo ở Hồng Kông chắc chắn sẽ bực tức vì phải từ bỏ những thú vui cuối tuần ở đó để giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn về nhà ở. Nhưng với tâm trạng bất bình ở Bắc Kinh, đó là điều họ có thể bắt buộc phải làm.