Nạn nhân thảm sát Mậu Thân trở thành tướng Hải quân Hoa Kỳ (RFA)

Thưa quý vị, Đại tá Nguyễn Từ Huấn, thuộc binh chủng Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ vào ngày 5/6/19 được Tổng thống Donald Trump đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc và đã được Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ chuẩn thuận vào hôm 27 tháng 6. Ông Nguyễn Từ Huấn sẽ chính thức trở thành vị tướng gốc Việt đầu tiên trong Hải quân Hoa Kỳ sau lễ thăng cấp dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ gốc Việt Nguyễn Từ Huấn. Courtesy : Facebook VAUSA Family & Friend Network

RFA : Hòa Ái xin chào Đại tá Nguyễn Từ Huấn. Câu hỏi đầu tiên dành cho ông là cảm xúc của ông như thế nào trong giây phút đầu tiên ông nhận được thông báo có tên trong danh sách đề nghị thăng cấp Phó Đề đốc của hải quân Hoa Kỳ hồi đầu tháng 6 ?

Nguyễn Từ Huấn : Tôi đã nhận được cuộc điện thoại của một Phó Đô đốc, Tướng 3 sao của Hải quân gọi cho tôi vào khoảng đầu tháng 2 cho biết là tội được chọn thăng cấp lên Phó Đề đốc. Cảm tưởng của tôi lúc đó rất xúc động và cũng cảm thấy rất được vinh dự đã được chọn lên chức vụ như thế. Vinh dự này không chỉ cho chính tôi không thôi mà đó là vinh dự cho tất cả những người mà tôi đã từng phục vụ với và những người đang phục vụ với vì họ chính là những người đã cho tôi cơ hội được có ngày hôm nay.

RFA : Xin hỏi ông đã gia nhập vào Hải quân Hoa Kỳ được bao nhiêu năm ?

Nguyễn Từ Huấn : Tôi gia nhập từ năm 1993.

RFA : Và từ những ngày đầu nhập ngũ đó, có bao giờ ông đặt mục tiêu hay liên tưởng đến rồi sẽ có lúc ông đạt được vị trí chỉ huy, ở cấp bậc tướng lãnh như chức vụ Phó Đề đốc bây giờ không, thưa ông ?

Nguyễn Từ Huấn : Thật sự không bao giờ nghĩ như thế. Ngay cả lúc đó tôi không nghĩ sẽ lên đến đại tá chứ chứ đừng nói lên đến chức phó đề đốc. Động cơ thúc đấy tôi gia nhập Hải quân lúc đó, thứ nhất là mình muốn trả ơn lại cho nước Mỹ đã nhận mình vào như một người con của họ và đã cho mình những cơ hội để thăng tiến ; thứ hai nữa là tôi muốn nối dõi theo thân phụ tôi.

RFA : Khi có thông tin ông được thăng cấp lên Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ, Hòa Ái ghi nhận có rất nhiều người đặc biệt quan tâm và theo dõi bởi vì họ cho rằng ông là một nhân vật lịch sử và là một nhân chứng trong Chiến tranh Việt Nam. Câu chuyện về cuộc đời của ông, người ta gọi có phần nào đó rất "huyền thoại". Hòa Ái xin phép ông chia sẻ về một biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của ông và của gia đình hồi Tết Mậu Thân năm 1968 ?

Nguyễn Từ Huấn : Bố tôi là cố Đại tá Nguyễn Tuấn, lúc ông mất là Trung tá Nguyễn Tuấn, thuộc binh chủng Thiết giáp. Mẹ tôi là bà Từ Thị Như Tùng. Cả hai người và 5 anh em của tôi đã bị thảm sát vào năm 1968 trong biến cố Tết Mậu Thân. Lúc đó tôi 10 tuổi. Những ký ức đó ghi đậm vào trong đầu óc tôi hơn 50 năm nay và tôi đã phải sống lại với sự kiện đó gần như hàng năm. Nhưng đó cũng là một động lực giúp cho tôi, thúc đẩy tôi lúc nào cũng phải cố gắng vì tôi cho bố mẹ tôi như là những anh hùng vì họ đã sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Họ giữ lời hứa của họ với đất nước. Tôi không muốn làm phụ lòng họ và tôi cũng không muốn làm phụ lòng chú thím tôi là người đã nuôi dưỡng tôi sau khi bố mẹ tôi mất.

RFA : Rất cảm ơn Đại tá Nguyễn Từ Huấn chia sẻ về nỗi đau mất mát quá lớn như là một định mệnh xảy ra không chỉ cho ông mà còn cho cả gia đình của ông. Có lẽ trong giây phú ông đang quá xúc động, Hòa Ái chỉ xin thêm một câu hỏi nữa thôi rằng có thể nói ông là nạn nhân của chiến tranh, vậy thì ông có nỗi sợ hãi đối với chiến tranh hay không, và vì sao lại chọn cuộc đời binh nghiệp để trở thành những người tham gia trực tiếp ở tuyến đầu khi chiến tranh xảy ra ?

Nguyễn Từ Huấn : Thật sư tôi không sợ chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh tại vì tôi đã là nạn nhân của chiến tranh và tôi cũng là người đã từng tham gia trong chiến tranh. Chiến tranh đem đến những sự đau khổ, chia rẽ, tàn phá, không những chỉ con người mà cả môi trường, thành phố và những gì tốt đẹp của nhân loại. Nhưng mà chúng ta đang sống trong một xã hội có dân chủ, có hòa bình, có nhân quyền thì tôi muốn tham gia vào quân đội vì tôi muốn bảo tồn tự do, dân chủ và nhân quyền đó. Những giá trị đó, nếu chúng chúng ta không bảo tồn thì sẽ mất đi rất dễ dàng.

RFA : Chân thành cảm ơn Phó Đề đốc được chuẩn thuận dành cho RFA cuộc phỏng vấn này.

Thưa quý khán thính giả, Đài RFA không thể thực hiện trọn vẹn cuộc phỏng vấn với Phó Đề đốc được chuẩn thuận Nguyễn Từ Huấn do ông quá xúc động trong lúc chia sẻ về biến cố gia đình của ông bị thảm sát hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai, Đài RFA một lần nữa sẽ được dịp cùng quý vị nghe Phó Đề đốc Hải quân Nguyễn Từ Huấn chia sẻ nhiều hơn về cuộc đời binh nghiệp của ông, đã góp phần vinh danh cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Tham khảo toàn bộ cuộc phỏng vấn video:


*******************

Bình luận của nhà báo Mạnh Kim trên Facebook cá nhân:

Cuộc trả lời phỏng vấn với RFA (ngày 4-7-2019) gần như đã không thể có vì ông Nguyễn Từ Huấn, người Mỹ gốc Việt đầu tiên được đề bạt chức Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ, không bao giờ muốn trở thành tâm điểm truyền thông; và khi cuộc phỏng vấn được thực hiện, nó cũng suýt không hoàn thành vì ông không nén được cảm xúc khi nhắc lại sự kiện kinh khủng trong đó bố mẹ và năm anh em mình bị thảm sát năm 1968. Ông có thể vượt qua tất cả thử thách để trở thành một người như hôm nay nhưng ký ức kinh hoàng của cái ngày mà ông chứng kiến tất cả khi mới 10 tuổi thì thật không dễ đối mặt. Trong mọi nỗ lực lớn nhất trong cuộc đời, cuộc đối diện trước ống kính truyền thông lần đầu tiên để nhắc lại sự kiện có lẽ là cố gắng kinh khủng nhất của ông.




Có một sự tương phản dữ dội đến mức kỳ lạ và khác thường là ông Huấn đã không hề bày tỏ hận thù trong khi yếu tố hung ác của bản thân sự kiện là đủ kinh khủng để có thể khiến gần như bất kỳ ai khác phải nhắc đến với một thái độ khác. Ông nói đến sự kiện như một câu chuyện mà bản thân nó đã thành một phần của bi kịch cuộc chiến, không chút hằn học, gay gắt hay oán giận. Con người ông, gặp bên ngoài, cũng rất nhẹ nhàng và lịch sự, đến độ có thể khiến người ta nghĩ rằng môi trường làm việc của ông phải là giảng đường đại học chứ không phải “quân trường” nơi ông là một vị tướng chỉ huy. Điều gì đã giúp ông Huấn trở thành con người tài năng và khiêm nhượng như vậy? Chắc chắn là sự giáo dục. Ông đã được gia đình người chú ruột cưu mang, dạy dỗ và thương yêu như con ruột. Ông được nuôi dưỡng trong một môi trường mà tình thương không chỉ là bàn tay thương yêu mà còn với ánh mắt nghiêm khắc.

Có lẽ cũng từ sự giáo dục tuyệt vời (trong một gia đình gốc Bắc di cư 1954) mà ông Huấn không bao giờ quên mình là người Việt. Trò chuyện với ông, ông luôn nhắc về quê hương. Khi được hỏi tại sao trưởng thành và sống trong môi trường văn hóa Mỹ nhưng ông vẫn nói và viết tiếng Việt như chưa từng rời khỏi Việt Nam, ông nói rằng Việt Nam mãi mãi là cội nguồn của ông. Ông đến giờ vẫn luôn xúc động đến mức có thể khóc khi nghe một ca khúc quê hương của Phạm Duy. Ông đến giờ vẫn đọc sách tiếng Việt và vẫn nhắc con cái mình không được phép quên hai chữ Việt Nam. Cách đây vài tháng, ông đã đưa cô con gái 24 tuổi của mình về Việt Nam, “để nó học tiếng Việt”. Như cha mình, người có ba bằng thạc sĩ và có thể kiếm được hàng trăm ngàn đôla mỗi năm nhưng từ bỏ tất cả để chọn binh nghiệp, cô con gái sinh trưởng ở Mỹ của ông cũng từ bỏ tất cả công việc với lương bổng hậu hĩ chỉ để về Việt Nam và chỉ để học tiếng Việt!

Trong một tin nhắn trước khi gặp, ông viết cho tôi: “Có đến được hôm nay là cũng nhờ được sự hỗ trợ của tất cả mọi người. Từ cấp lãnh đạo, các đồng đội cấp trên cũng như cấp dưới, các bạn bè, gia đình gần xa và nhất là có được ơn trên phù hộ. Tôi chỉ là người may mắn được chọn lựa để làm đại diện cho tất cả mọi người - có vậy thôi. Vì vậy tôi luôn luôn tự nhủ là sẽ không bao giờ quên nguồn gốc xuất xứ của mình, cũng không bao giờ quên lòng tin của tất cả những người đã cho mình có cơ hội để được vào địa vị này”.

Ông Huấn đã cho tôi “cơ hội” và “niềm tin” để tin rằng ông không chỉ là một vị tướng Mỹ nói tiếng Việt. Ông là một người Việt Nam với tất cả phẩm giá đẹp nhất của hai chữ Việt Nam. Ông là một phần của quê hương Việt Nam.