Nhà thầu Trung Quốc sẽ thắng thầu dự án đường cao tốc Bắc – Nam? (Nguyễn Hồng Phúc)

"Một lần bất tín, vạn lần bất tin", cứ nhìn vào công trình tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông là người Việt chúng ta có thể nói KHÔNG với bất cứ một sự hợp tác, đầu tư hay làm ăn nào với các công ty nhà nước TQ. (Các công ty tư nhân TQ lại là chuyện khác). Điều này ai cũng biết nhưng nhà nước cộng sản VN vẫn nhất quyết chọn các nhà thầu TQ vì được hưởng hoa hồng cao, tiền được vay mượn các ngân hàng TQ, còn ai trả và trả như thế nào thì họ không quan tâm. Đương nhiên là mọi thứ sẽ đổ lên đầu người dân VN. THDCĐN đã nói rất nhiều lần là không thể trông mong điều gì tốt đẹp dưới chế độ này. Cần ủng hộ cho một chế độ khác.
 
Vì sao lại rộ lên tin nhà thầu Trung Quốc sẽ thắng thầu dự án đường cao tốc Bắc – Nam ?
Thứ nhất, đó sẽ là nhà đầu tư mang tính đồng bộ. Thứ hai, họ có thói quen chia phần trăm gọi là ‘hoa hồng’ cho phía đối tác. Thứ ba, họ trực tiếp hưởng lợi khi dự án hoàn thành. Thứ tư, họ hiểu rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang vay tiền trong hệ thống ngân hàng có vốn của Trung Quốc. Thứ năm,…
Sẽ là con đường xuyên suốt từ Trung Quốc tới mũi Cà Mau
Chiều tối 19/09/2018, tại thành phố Cao Bằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có cuộc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn , giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng Lã Hoài Nam.
Biên bản ở tối làm việc này là thuận chủ trương kết nối giao thông tuyến đường bộ từ Cao Bằng - Quảng Tây - Quý Châu - Trùng Khánh (Trung Quốc). Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn được giao nhiệm vụ làm việc với chính quyền địa phương của Trung Quốc để sớm có kết quả.
Căn cứ pháp lý của chủ trương nói trên là bản Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam, có định hướng xây dựng cao tốc kết nối với tuyến đường Thái Nguyên - Khu Công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) và Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Như vậy, nếu như Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn ‘bắt tay’ thành công với các chính quyền của Quảng Tây, Quý Châu và Trùng Khánh, thì coi như nhà thầu Trung Quốc có lợi thế khi tham gia hồ sơ thầu dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam của Việt Nam, là họ sẽ xuyên suốt đầu tư, giúp cạnh tranh giá. Đồng thời phía Trung Quốc cũng trực tiếp hưởng lợi qua sử dụng tuyến giao thông này cho các hoạt động sản xuất của họ tại Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, trong tháng ba vừa qua, Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc đã trình Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam báo cáo giữa ký tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng. Theo đó, tuyến đường sắt tương lai có thể đi qua 8 tỉnh thành, gồm : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng (điểm cuối tại cảng Lạch Huyện). Đường sắt xuất phát Hà Khẩu (Trung Quốc), qua ga Đồng Đăng tới ga Lạng Sơn. Từ đây, tuyến đường vượt sông Hồng chạy dọc theo cao tốc Lào Cai - Nội Bài để về ga Đông Anh. Rời ga Đông Anh, tuyến đường vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, về Yên Viên, vượt sông Đuống đến huyện Gia Lâm (Hà Nội), qua Hưng Yên, chạy dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường không vào ga Hải Phòng mà qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện tới cảng Lạch Huyện.
Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt này gần 393 km. Toàn tuyến có 37 ga, xây mới 96 cầu, 26 hầm, xây mới 1.084 hầm chui dân sinh. Tốc độ thiết kế 160 km/h.
Thầu tư vấn đã xong, giờ chọn thầu đầu tư
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đôngđã ký hợp đồng với các nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, gồm 3 dự án đầu tư công : Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và 8 dự án theo hình thức đối tác công tư -PPP, gồm : Mai Sơn – Quốc lộ (QL) 45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật trong tháng 5/2019, dự án Cam Lộ - La Sơn tháng 6/2019 và các dự án còn lại hoàn thành trong tháng 8-9/2019 ; riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2, dự kiến tháng 11/2019 sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật.
Lý lịch của các nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật ở 11 dự án là danh tính cụ thể, các công trình họ từng thực hiện… đều không thấy công khai trên các phương tiện truyền thông, kể cả trang web của Bộ Giao thông vận tải.
Dự kiến, vào tuần sau, ngày 10/04/2019, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP [*], thời gian kết thúc (phê duyệt kết quả sơ tuyển) khoảng 20/08/2019.
Đề cập chi tiết hơn về chuyện gọi thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nói với báo chí rằng, cái khó hiện nay là không ít tập đoàn nước ngoài quan tâm tới các dự án giao thông này, đều đặt điều kiện Chính phủ Việt Nam phải bảo lãnh doanh thu, tỷ giá. Phía nhà đầu tư Trung Quốc thì không, thậm chí Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) Nghiêm Giới Hòa đã đưa ra gợi ý với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công trong một gặp gỡ hồi thượng tuần tháng 3/2019, rằng "dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Việt Nam có thể đầu tư theo hình thức EPC [**] hoặc BTO". 
Ông Nghiêm Giới Hòa còn cho biết nếu phía Việt Nam khó khăn về vốn, thì Tập đoàn Thái Bình Dương sẽ bỏ tiền làm toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Theo kế hoạch, sau khi có kết quả phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán của 8 dự án PPP (dự kiến cuối tháng 9/2019), trong vòng 10 ngày sau đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu, trình lãnh đạo Bộ này phê duyệt khoảng ngày 10/10/2019. Từ ngày 20/10/2019, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ có tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thời gian đóng thầu khoảng 20/01/2020. Dự kiến, ngày 20/03/2020, các Ban Quản lý dự án sẽ công khai kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP.
Nguyễn Hồng Phúc
Nguồn : VNTB, 04/04/2019
Chú thích :
[*] Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Đây là hình thức đầu tư mà có thể huy động được nguồn vốn của cả khu vực tư nhân trong và ngoài nước. 
Nghị định 63/2018/ND-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, bao gồm : Hợp đồng dự án ; Hợp đồng xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao công nghệ (BOT) ; Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh (BTO) ; Hợp đồng xây dựng – Chuyển giao (BT) ; Hợp đồng xây dựng-Sở hữu-Kinh doanh (BOO) ; Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL) ; Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao ; Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M) và Hợp đồng hỗn hợp.
[**] Hợp đồng tổng thầu EPC, tên đầy đủ là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh : Engineering Procurement and Construction) là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
Các loại hợp đồng tổng thầu EPC khác loại còn có : Hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay (LSTK, Lump Sum Turn Key). Hợp đồng loại "chìa khóa trao tay" (Turnkey), ngoài các phần thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị, thi công xây dựng công trình, nhà thầu được chọn còn cần thực hiện việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, lắp đặt và chạy thử nghiệm (EPIC, Engineering, Procurement, Installation & Commissioning) và đôi khi là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình và chạy thử nghiệm (EPCC, Engineering, Procurement, Construction and Commissioning).