Báo chí hùng hậu không thể để mất ‘trận địa’ thông tin (Tuần Việt Nam)
Hệ thống báo chí và truyền thông của đảng có hơn 1000 đơn vị với hơn 20.000 cán bộ phóng viên mà vẫn thua mạng xã hội là thế nào? Tương quan lực lượng là quá rõ. Phần thắng nghiêng về "lề trái" cũng là quá rõ. Vì sao lại như vậy? Cũng giản dị thôi, một bên là "công cụ của đảng" chỉ được nói những gì đảng muốn nghe, đăng những gì đảng thích...Còn một bên thực sự là "của dân, do dân và vì dân". Trong thời đại của thông tin và internet như hiện nay thì ngành báo chí truyền thông của đảng không chỉ mất mỗi "trận địa thông tin" mà sẽ còn "mất nghiệp" nữa đấy. Đến lúc không ai buồn nghe, buồn xem, buồn đọc những gì báo đảng nói thì đó cũng là lúc "mất nghiệp". Mất nghiệp là thất nghiệp, không tiền, không tiếng nói...
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018 diễn ra cuối tháng 12 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng, trên cương vị người đứng đầu ngành tuyên giáo, đã gợi mở, bày tỏ mang tính định hướng nhiều điều rất đáng suy ngẫm với báo chí nước nhà.
Trong đó, có một vấn đề khiến tôi trăn trở hơn cả từ góc độ của một người có đến 4 thập kỷ gắn bó với nghề báo.
Ông Võ Văn Thưởng chỉ ra: “Chúng ta có những bài học đắt giá. Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin. Một số mạng xã hội thù địch trộn vào đó cả những tin giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động rất tiêu cực đến xã hội. Đúng là thách thức từ mạng xã hội là rất lớn”.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 857 cơ quan báo, tạp chí in; báo điện tử và tạp chí điện tử có 159 đơn vị; có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.
Một đội ngũ làm báo hùng hậu như vậy mà phải nhường trận địa, trao tặng lợi thế cho mạng xã hội thì quả rất đáng lo! Đây rõ ràng là vấn đề mà nền báo chí nói chung và từng cơ quan báo chí nói riêng phải đặt ra một cách nghiêm túc và cấp thiết.
Không ai phủ nhận khía cạnh tích cực của mạng xã hội trong đời sống hôm nay. Người làm báo cũng rất cần đến nó, để có thêm nguồn thông tin phong phú, cập nhật rất nhanh từng giờ, từng phút từ khắp mọi nơi nhưng để khai thác đăng báo thì lại phải thông qua quá trình thẩm định sao cho vừa phải nhanh vừa phải chính xác.
Như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhắc nhở: “Báo chí của chúng ta không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất. Hãy đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tín vì tin giả, đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí”.
Nhưng đó cũng mới là một mặt của thách thức. Có những khi chưa hẳn do các báo kém nhanh nhạy, mà còn do các yếu tố khách quan chi phối, nhà báo và chính tờ báo có lúc cũng thụ động không quyết được việc đăng tải thông tin.
Chẳng hạn, cách đây khoảng chục năm, chắc nhiều người còn nhớ, có vị lãnh đạo cấp cao đã mất đến cả vài ngày mà báo chí vẫn “im lặng như tờ”. Trong khi đó, dư luận lại có những tin đồn râm ran, thậm chí sai đến tai hại.
Đành rằng ngày ấy, do quan điểm tuyên truyền, báo chí chỉ được đưa tin khi nhận thông báo chính thức của Ban chấp hành Trung ương thông qua cơ quan Thông tấn xã. Quy định này có căn cứ của nó và cũng là hướng đến sự cẩn trọng cần thiết đối với những thông tin mang tính mật, hoặc quan trọng, nhạy cảm. Tuy nhiên với một nguyên lãnh đạo mất vì tuổi cao sức yếu thì phải chăng nên để báo chí chủ động thông tin sớm để cho dân được biết, để thể hiện lòng tiếc thương và tránh những đồn thổi thiếu cơ sở.
Thời gian khoảng một hai chục năm gần đây, ngòi bút của người làm báo đã được thông thoáng hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, vẫn có những nội dung có lẽ chúng ta cũng nên tính toán lại để giữ thế chủ động trong thông tin hơn nữa, để củng cố vững chắc lợi thế của báo chí trong việc đấu tranh lại những thông tin đồn thổi vô căn cứ, nhiều khi bất lợi cho Đảng và Nhà nước.
Chẳng hạn, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII vừa qua đã tiến hành bỏ phiếu kín xử lý kỷ luật một uỷ viên Trung ương Đảng. Kết quả như chúng ta đã thấy, là quyết định hình thức kỷ luật nghiêm khắc, cách chức ủy viên Trung ương và một số chức vụ trong thành ủy của vị quan chức này.
Thế nhưng, thật đáng tiếc, trên mạng xã hội lại có những thông tin đồn thổi thất thiệt về tỷ lệ phiếu đồng ý cách chức không phải đại đa số áp đảo.
Thực tế thì đâu phải tỷ lệ phiếu chỉ là hoặc cách chức, hoặc không kỷ luật gì hết, mà có nhiều hình thức khác nhau. Ngoài việc đề nghị cách chức thì số phiếu còn lại cũng rất có thể là hình thức cảnh cáo, như khiển trách, như bỏ phiếu trắng,... Nhưng dư luận thì lại hiểu sai hẳn đi, cho rằng những phiếu còn lại là đề nghị không kỷ luật gì (!).
Ở khía cạnh nào đó, chuyện này cho thấy, giá như chúng ta công khai kỹ hơn mức đề nghị từng dạng kỷ luật và cả không đề nghị gì (nếu có) của những lá phiếu thì biết đâu sẽ giúp dân biết rõ chất lượng phiếu. Từ đó, trước dư luận xã hội, những người giữ trọng trách bỏ phiếu cũng sẽ nghiêm túc hơn so với hình thức công bố kín, nội bộ. Cách làm này sẽ làm cho các trang mạng hết đường xuyên tạc.
Sự công khai, minh bạch trong đời sống chính trị sẽ khiến đảng viên và quần chúng càng tin Đảng hơn. Vì họ sẽ được biết tầng lớp lãnh đạo cấp cao của đất nước đã và đang xử lý sai phạm theo cách nào, có nghiêm túc không, có thật khách quan không?
Nếu chúng ta đổi mới cách tuyên truyền, bắt đầu từ những việc cụ thể như mấy ví dụ ở trên, tôi tin rằng uy tín của Đảng và Nhà nước càng được lan toả và nâng cao. Một khi thông tin chính thống được đăng tải minh bạch, chính xác, kịp thời thì những thông tin chống phá đất nước, gây chia rẽ Đảng với dân của các thế lực trên mạng xã hội sẽ không còn tác dụng.
Quốc Phong