Việt Nam nhận 15,9 tỷ USD kiều hối năm 2018’: Thực hay giả? (Phạm Chí Dũng)
Hàng loạt cú bắt và phạt tiền đối với người đổi USD và cơ sở kinh
doanh đổi USD trong những tháng cuối năm 2018 tại Cần Thơ và Nghệ An cho
thấy các cơ quan ‘có trách nhiệm’ đang cố làm nhiều cách để buộc người
dân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương
mại phải bán lại ngoại tệ theo ‘giá nội bộ’ cho ngân hàng nhà nước để
chính phủ có thêm ngoại tệ trả nợ cho nước ngoài. (Phạm Chí Dũng)
Một hiện tượng tiền tệ và có thể mang cả tính chính trị rất đáng mổ
xẻ và truy xét về nguồn cơn thật sự của nó đã hiện ra: trong hai năm
2017 và 2018, Ngân hàng thế giới đã làm thay phần việc của các cơ quan
Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước… ở Việt Nam
trong việc công bố kết quả kiều hối về Việt Nam mỗi năm.
Ngân hàng thế giới làm thay cho Việt Nam?
Trong lúc các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam vẫn như cấm khẩu
trong cả hai năm trên, thì Ngân hàng thế giới đều đặn công bố “Năm 2017,
kiều hối gửi về Việt Nam đạt 13,8 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2016 và
cũng đã là mức cao kỷ lục của đất nước” và “Việt Nam đã nhận tổng cộng
15,9 tỷ đô la kiều hối trong năm 2018”.
Ngay lập tức, các tờ báo đảng và ‘thân đảng’ ở Việt Nam dẫn tin từ
Ngân hàng thế giới để khoa trương thành tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ
Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách
nhân văn nhân bản của đảng và nhà nước ta mà Việt Nam đã thu hút được
ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều bào ta’.
Tuy nhiên, công bố của Ngân hàng thế giới về lượng kiều hối về Việt
Nam trong hai năm 2017 và 2018 lại chỉ thuần túy là con số tổng nhưng đã
không kèm theo bất kỳ một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực
và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và
ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân
hàng thế giới…
Trong thực tế, số liệu của Ngân hàng thế giới về kết quả kiều hối về
Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 là rất đáng nghi ngờ về tính chính
xác, nếu không muốn nói là đáng nghi ngờ về tính trung thực.
Phản biện với Ngân hàng thế giới
Từ nhiều năm qua, một thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh
TP.HCM đã thường xuyên xác định về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối:
Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.
Vào năm 2017 khi các cơ quan Việt Nam không chịu công bố con số tổng
kiều hối trên bình diện quốc gia, chỉ duy nhất Ngân hàng nhà nước chi
nhánh TP.HCM công bố kết quả kiều hối về Sài Gòn là khoảng 5,2 tỷ USD.
Khi năm 2018 đã gần trôi qua, trong khi các cơ quan Việt Nam vẫn im
bặt mà không chịu công bố bất cứ con số kiều hối tổng nào, thì cũng lại
Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM đưa ra con số kiều hối mà Sài Gòn dự
kiến thu hút trong năm 2018 là khoảng 5,2 tỷ USD.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD của Sài Gòn và tỷ lệ 60% mà
Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số
tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng 8,5
tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho
năm 2018 như Ngân hàng thế giới công bố.
Nhưng con số 8,5 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh
chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần
đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài
Gòn - nơi có hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài, chủ yếu từ
thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt
Nam), trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài
Gòn vượt trên 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5,2 tỷ USD
thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 8,5 tỷ
USD.
Nhưng vì sao các cơ quan Việt Nam cố giấu diếm công bố về kiều hối
của năm 2017 và 2018? Tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và
năm 2018 là bao nhiêu? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh
tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ
thu được từ “kiều bào ta?” Liệu đã xảy ra một “sự cố” đủ lớn mà đã khiến
chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối trong hai năm 2017 và
2018?
Cạn kiệt ngoại tệ!
Trong liên tiếp 23 năm trước năm 2016, dòng kiều hối về Việt Nam đã
tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 140 triệu USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm
2012; 11 tỷ USD năm 2013; 12 tỷ USD năm 2014, và hơn 13,2 tỷ USD năm
2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại Châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới
về thu hút kiều hối. Những con số thống kê đầy lạc quan của chính quyền
cho biết trong giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong
khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP. Mức tăng
trung bình liên tục của lượng kiều hối những năm gần đây là 10 đến
15%/năm.
Hẳn nhiên, kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp duy trì “máu” để
chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về “đà tăng trưởng kinh tế
không ngừng”, đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để
“gom” USD trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình được thân nhân
ở nước ngoài gửi ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có
thêm ngoại tệ để dễ bề trả số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ
USD hoặc hơn mỗi năm.
Nhưng sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng
rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng
lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này có thể đảo chiều
trong những năm tới.
Năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho chính thể cầm quyền tại Việt
Nam: lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ USD, sụt giảm rất mạnh -
đến 30% - so với lượng kiều hối của năm 2015.
Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những năm 2006-2007,
kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế này.
Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua 10 năm suy thoái liên tiếp tính
từ năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận
cũng khiến nền kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.
Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối vào năm 2016, GDP danh
nghĩa của Việt Nam đã bị giảm khoảng 1,5% trong năm đó và cũng giảm
theo tỷ lệ đó trong những năm sau.
Một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 - 6 năm, họ
thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến
9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên
do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi đô la ở Việt Nam quá thấp, mà còn
bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt
Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình
chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà
khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ Châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt
giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam
bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng 7 năm 2017, dẫn đến
cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và khiến môi trường chính trị lẫn
đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Khi kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân
sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến
hạn với quốc tế.
Sẽ không ngạc nhiên khi từ năm 2016 trở đi bắt đầu một chu kỳ suy
giảm đáng kể của dòng kiều hối của “kiều bào ta” về miền đất đã chìm
trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ 10 liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã
hội và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng
không lối thoát.
Một nguồn giấu tên cho biết ngân sách Việt Nam sẽ sớm rơi vào cạn
kiệt ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Thời điểm cạn kiệt gần nhất là vào cuối
năm 2019.
Vào cuối năm 2018, một lần nữa chính sách vừa ngấm ngầm vừa công khai
về ‘tìm cách huy động vàng và ngoại tệ’ trong dân lại được chính phủ
‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc thúc giục Ngân hàng nhà
nước. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy quỹ dự trữ ngoại hối quốc
gia được tuyên truyền đạt hơn 60 tỷ USD đang nhanh chóng rơi vào cảnh
cạn kiệt.
Hàng loạt cú bắt và phạt tiền đối với người đổi USD và cơ sở kinh
doanh đổi USD trong những tháng cuối năm 2018 tại Cần Thơ và Nghệ An cho
thấy các cơ quan ‘có trách nhiệm’ đang cố làm nhiều cách để buộc người
dân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương
mại phải bán lại ngoại tệ theo ‘giá nội bộ’ cho ngân hàng nhà nước để
chính phủ có thêm ngoại tệ trả nợ cho nước ngoài.
VOA