Dân biểu Cộng hòa hàng đầu đòi thông tin về việc trục xuất người tị nạn VN (VOA)
Trong cuốn "Tổ quốc ăn năn" ông Nguyễn Gia Kiểng có đưa ra một ý kiến gây tranh cãi là "Người Việt không ưa nhau". Thật ra không chỉ không ưa nhau mà người Việt còn ghét nhau dù cùng là "máu đỏ da vàng" và "tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Quanh sự kiện chính quyền Trump đòi trục xuất gần 8000 người Việt Nam (từng có tiền án và đã hoàn lương) cư trú ở Mỹ về lại Việt Nam, một lần nữa chứng minh cho nhận định đó. Trong khi nhiều chính trị gia, báo chí, cộng đồng các sắc dân và nhiều người Mỹ phản đối việc này thì nhiều người Việt đang sống tại Mỹ lại ủng hộ việc trục xuất này một cách khá cực đoan. Người Việt đã bị chấn thương tâm lý quá nặng do quá khứ và cuộc chiến huynh đệ tương tàn 1954-1975 gây ra. Nếu không có một chính sách "Hòa giải và Hòa hợp dân tộc" một cách khẩn trương và thành thật thì sự liên đới giữa người Việt với người Việt sẽ chấm dứt trong một thời gian ngắn.
Hai trong số những tiếng nói hàng đầu của Đảng Cộng hòa về chính sách
đối ngoại đang đặt nghi vấn về việc chính quyền Trump tái tục chính
sách trục xuất một số người tị nạn Việt Nam, vốn đã gây ra nên phản ứng
mạnh mẽ từ khắp các cộng đồng người Việt ở Mỹ và các nhà lập pháp đại
diện những nơi này.
Dân biểu bang California Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện,
và người kế nhiệm ông, Dân biểu Mike McCaul của bang Texas, đã gửi thư
cho Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen
Nielsen hôm thứ Năm nói rằng họ “rất lo ngại về bản tin cho hay chính
sách mới của Chính quyền trục xuất một số người Mỹ gốc Việt cụ thể đã
sống ở Mỹ lâu hơn 23 năm,” theo báo The Sacramento Bee ở California.
Bức thư mà báo Bee nói họ có được lưu ý rằng chính sách này sẽ là
“một sự chệch hướng khỏi chính sách trước đó,” và yêu cầu hai bộ trưởng
nội các cung cấp thêm thông tin về chính sách mới liên quan đến đối
tượng mà nó sẽ áp dụng và ảnh hưởng của nó sẽ như thế nào đến quan hệ
ngoại giao với Việt Nam.
Tin tức về sự thay đổi chính sách được loan đi vào tuần trước, khi một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với tạp chí The Atlantic
rằng chính quyền Trump đang diễn giải lại một thỏa thuận năm 2008 giữa
Mỹ và Việt Nam xác định những người nào thuộc diện có thể bị trục xuất.
Các chính quyền trước tin rằng thỏa thuận này không cho phép trục xuất
người tị nạn Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995, nhiều người trong số này
đến từ thời Chiến tranh Việt Nam.
Chính quyền Trump đang lập luận rằng thỏa thuận này vẫn cho phép
chính phủ Mỹ trục xuất những người gốc Việt đến Mỹ bất hợp pháp trước
năm 1995, hoặc những người đã phạm tội. Hơn 7.000 người có thể bị ảnh
hưởng vì chính sách mới.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực trấn áp di trú rộng lớn hơn của
Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng của ông mà hiện cũng đang nhắm vào
người tị nạn Lào và Campuchia từ thời Chiến tranh Việt Nam.
Chính sách mới “dường như không xét đến bất kì sự hoàn lương hay đóng
góp nào cho cộng đồng của họ trong những thập niên qua,” hai dân biểu
Cộng hòa viết trong lá thư đề ngày 20 tháng 12. “Đất nước chúng ta có
trách nhiệm đặc biệt đối với những người đã chiến đấu vì và với Hoa Kỳ
trong Chiến tranh Việt Nam, và người nhà của họ, những người đã phải đối
diện sự bức hại, cái chết và sự tàn bạo của các trại tù cải tạo Cộng
sản vì liên hệ của họ với chúng ta.”
Ông Royce là dân biểu đại diện một địa hạt Quốc hội có đông người
Việt sinh sống ở miền nam bang California. Ông sẽ về hưu vào cuối năm
nhưng người kế nhiệm được ông lựa chọn, ứng cử viên Cộng hòa Young Kim,
một người nhập cư gốc Hàn, đã thua ứng cử viên Dân chủ Gil Cisneros
trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.
Hai nghị sĩ Cộng hòa địa phương - Nghị viên Viện lập pháp California
đại diện khu vực thành phố Westminster Tyler Diệp và Giám sát viên Quận
Cam Andrew Đỗ - cũng đã gửi thư cho tổng thống
vào tuần trước cảnh báo rằng trục xuất những người từng là người tị nạn
“sẽ có tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược” đối với những
người bị ảnh hưởng.
Lá thư của ông Royce và McCaul càng làm tăng thêm sức nặng cho những
chỉ trích nhắm vào chính sách mới, tờ Bee nhận định. Ông Royce làm dân
biểu Quốc hội Hoa Kỳ trong 25 năm, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ
viện kể từ năm 2013. Ông McCaul hiện là chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa
Hạ viện, nhưng sẽ đảm nhận vai trò thành viên cao cấp của phe Cộng hòa
trong Ủy ban Đối ngoại vào năm sau.
VOA