Vì sao Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời? (Ngọc Thu)

Những cái chết của quan chức cao cấp VN luôn được giữ bí mật, không ai hiểu vì sao chết? Chết như thế nào? Và tại sao không được nghỉ ngơi khi bệnh tật mà cứ phải làm việc đến lúc chết? Thêm một điều đáng buồn cho ông Quang là tại sao cái chết của ông ít nhận được sự xót thương như một con người bình thường? Những người còn sống trong ĐCSVN nên nhìn vào sự thật phũ phàng này để thay đổi khi sống để khi chết nhận được sự tiếc thương của dư luận như thái độ cần có đối với một con người. 


Thông Tấn xã Việt Nam dẫn nguồn tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, qua đời lúc 10h05 phút ngày 21/9/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 62 tuổi.

Mặc dù báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, ông Quang hưởng thọ 62 tuổi, ngày sinh của ông là 12/10/1956, nhưng nhiều người tin ông Quang sinh năm 1950, bởi người ta vẫn chưa quên vụ ông khai man tuổi tác trước Đại hội Đảng 12. Nhà báo Huy Đức khẳng định, ông Quang sinh năm 1950, tức ông thọ 68 tuổi, không phải thọ 62 tuổi như báo đảng và nhà nước loan tin.

Do “đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”, nên ngay cả sức khỏe của Chủ tịch nước như ông Quang cũng do đảng quản lý. Người dân không rõ ông bị bệnh gì hay bị bệnh từ khi nào, sáng nay tự nhiên nghe tin ông lăn đùng ra chết!

Hồi năm ngoái, nhà báo Huy Đức đưa tin, ông Quang đi Nhật chữa bệnh từ tối 25-7-2017. Báo chí nhà nước im lặng. Rồi sau đó có tin, ngày 7-9-2018, ông Quang đi Nhật chữa bệnh lần hai. Truyền thông trong nước vẫn không nói gì về tin này, nhưng lại mang ảnh cũ của ông Quang ra đánh lừa dân, như thể ông vẫn còn khỏe mạnh, đang ở trong nước làm việc bình thường.

Đầu tháng 4-2018, ông Quang lại đi Nhật chữa bệnh, nhưng ngay trước khi hội nghị Trung ương 7 bắt đầu, tối 5-5-2018 ông lại trở về kịp khai mạc và điều hành hội nghị này.

Mặc dù bị bệnh nhưng ông Quang vẫn không được nghỉ ngơi. Những ngày cuối đời, người ta thấy ông làm việc không nghỉ, liên tục xuất hiện trên truyền thông, báo chí. Hôm 15/9, người ta thấy ông với cái trán bị bầm đen, đứng ra chủ trì Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Chưa đầy hai ngày trước khi qua đời, ông Quang đã phải tiếp ông Chu Cường, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc và tiếp các trưởng đoàn dự Đại hội ASOSAI 14. Cả hai lần đón tiếp khách nước ngoài này đều diễn ra buổi chiều ngày 19-9. Chưa hết, chỉ một ngày trước khi chết, hôm qua, ông Quang vẫn còn phải viết thư chúc Tết trung thu thiếu niên, nhi đồng.

Để che giấu tình trạng bệnh tật của ông Quang, người ta bắt ông phải làm việc cật lực như thế, thay vì công bố bệnh tật, để được ông nghỉ ngơi, chữa bệnh, biết đâu ông không phải bất ngờ qua đời sáng nay?
Thế nhưng đến khi ông qua đời, báo chí đưa tin, rằng ông Quangmắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi“.

Chưa hết, sau khi ông qua đời khoảng 40 phút, vào lúc 10h45′, trang Trần Đại Quang vẫn còn muốn ông tiếp tục “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta“, khi đưa tin: Hãy chấm dứt xuyên tạc thật giả về Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Lúc ông sống thì bị bắt làm việc cho tới chết, báo chí im lặng, không hề lên tiếng khi thấy ông bị đối xử bất nhẫn như thế. Nhưng khi ông chết rồi, thì báo chí làm ra vẻ yêu thương ông lắm, kể về quá trình công tác của ông, cũng như sự cống hiến của ông, hay công đức của ông, như bài báo trên trang Infonet: Ngôi trường lần cuối Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng.

Ôi hai tiếng “đồng chí” mà những người cộng sản dành cho nhau, nghe thật rợn người!

Báo Tiếng Dân