"Người (Tàu) ơi, người ở đừng về…"! (Võ Thanh Liêm)

Ông Nguyễn Phú Trọng là một nhà bán nước có tên tuổi. Ông bán các đặc khu kinh tế 99 năm cho Trung Quốc như là các tỉnh biên giới phía Bắc (từ Hà Giang đến Quảng Ninh), các địa danh nổi tiếng trong vịnh Bắc Bộ (từ các đảo trong vịnh Bái Tử Long đến vịnh Hạ Long), rồi từ bắc miền Trung xuống miền Nam (Hà Tĩnh, Vân Đồn, Tây Nguyên, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc) và nhiều nơi khác...


Xin mượn câu hát Quan Họ Bắc Ninh, được dân Hà Nội chấm điểm là Những Làn Điệu Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh Hay nhất Việt Nam năm 2017, để đặt tên cho bài viết này
Mạc Đăng Dung dâng bốn hang động để quân Tàu rút đi
Họ Mạc là dòng dõi họ Cơ thiên tử nhà Châu bên Tàu. Một chi của họ Mạc di cư qua nước An Nam sống ở tỉnh Hải Dương tạo nên nghiệp lớn vào đời Hậu Lê. Triều Hậu Lê của vua Lê Lợi tồn tại được 100 năm, trải qua 10 triều vua, thì rớt vô tay Mặc Đăng Dung.

Tôi không có mục đích bình luận cái lẽ chánh thống hay không chánh thống của hai nhà Lê-Mạc. Bài viết này chỉ chú tâm vào hoàn cảnh của miền Bắc lúc đó và hành động dâng 4 hang động cho nhà Minh, để so sánh với Nguyễn Phú Trọng dâng ba đặc khu kinh tế cho Trung Quốc thời bây giờ.
Nhà Lê là triều đại của dân Thanh Nghệ Tĩnh (Thanh Hóa Nghệ An Hà Tĩnh), xưa là quận Cửu Chân. Nên nhắc lại là vào cuối thế kỷ 10 và đầu thế kỷ 11, vua nhà Lý mang quân từ Thăng Long tiến xuống phía nam tấn công vào Cửu Chân, giết chết 30.000 người và bắt 10.000 tù binh cùng phương vật, 1 con lân, mấy ngàn con ngựa mọi, gà vịt chim trĩ hoặc phụng hoàng mang qua Tàu dâng cống báo tin thắng trận. Nhà Tống lúc đó đang đánh với Mông Cổ không có ở không để nuôi lân nuôi trĩ, còn nô lệ thì nói tiếng Cửu Chân (Malayo-Polynesian) khó hiểu, người Giao Chỉ chưa chắc đã hiểu nổi làm sao nhà Tống hiểu ? Nên vua Tống đã trả lại hết cho vua nhà Lý bên nước An Nam. Từ đó Cửu Chân được sáp nhập vào lãnh thổ nước An Nam, sau này là Đại Việt.
Nếu nói thế kỷ 10 và 11 là thế kỷ của người Giao Chỉ thì thế kỷ thứ 15 và 16 là thế kỷ của người Cửu Chân, sau 400 năm hội nhập đã nói tiếng Việt mặc dù phát âm giọng còn cứng (cơ bản của âm ngữ miền Trung). Nếu nhà Lý đoán được 400 năm sau người Cửu Chân quật khởi như thế nào có lẽ ông vua Lý phải hối hận khi sáp nhập Cửu Chân vào Đại Việt bằng võ lực…
Vua Lê Lợi vốn là một lãnh chúa Mường ở Thanh Hóa và là một nhà giàu. Nguyễn Trãi có tài nhưng không có tiền nên tìm tới Lê Lợi hợp tác lấy lại giang san từ nhà Minh. Sau khi đuổi được quân Minh thì Lê triều hoạt động như là triều đình của người Thanh Hóa. Người Bắc đóng vai trò khiêm nhường thôi.
Các vua sau Lê Thánh Tông đều yếu kém như nhau. Loạn lạc nổi lên khắp nơi, những nhóm giặc nổi lên chống nhà Lê thời đó gồm có Trần Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng nổi dậy ở Kinh Bắc ; nhiều giặc lớn nhỏ khác nổi lên ở Đông Ngạn Gia Lâm ; Trần Tuân khởi nghĩa ở Sơn Tây ; Phùng Chương khởi nghĩa ở Tam Đảo ; Trần Công Ninh chiếm được Phúc Yên ; Lê Hy, Trịnh Hưng cũng làm giặc. Lại có thêm nhóm thầy chùa Trần Cao nổi loạn đánh chiếm được kinh thành khiến vua xuất bôn chạy về Thanh Hóa.
Từ Lê Uy Mục, Tương Dực tới Chiêu Tông và Cung Hoàng, vương quyền bại hoại thấy rõ, xã tắc chẳng còn gì mà nói. Toàn miền Bắc giặc giã nổi lên như ong vỡ tổ, ai có cái gì cầm được trong tay là đi làm phản chống lại triều đình.
Mạc Đăng Dung vốn là một tướng tài có công dẹp loạn nên được vua Lê phong Thái sư, rồi ban luôn cả vương tước. Năm 1527, Mạc Đăng Dung mang quân từ Cổ Trai về Kinh sư ép vua Lê nhường ngôi rồi sau đó giết hết hoàng tộc kể cả thái hậu. Các quan của nhà Lê đa số gốc Thanh Hóa, Nghệ An không chịu theo họ Mạc đã tự tử tập thể, tổng cộng hơn 30 người. Tuẫn tiết theo vua Lê có các ông : Vũ Công Duệ, Ngô Hoán, Ngự sử Nguyễn Thái Bạt, Lễ Bộ Đàm Thận Huy, Tham Chính sứ Nguyễn Duy Tường, Nguyễn Tự Cường, Bình Hồ Bá Nghiêm Bá Kỳ, v.v. Ngoài ra còn có rất nhiều quan lớn nhỏ khác tự tử chết hàng loạt. Sử sách ghi tên các ông đó nửa trang giấy, đại đa số là người gốc Thanh Hóa Nghệ An. Một số di thần nhà Lê khác chạy về quê Thanh Hóa Nghệ An lo chuyện khôi phục và cầu cứu nhà Minh.
Bên Thiên quốc có quan Đại học sĩ Từ Phổ bước ra tâu với Minh đế: "Đất An Nam ở phía Tây Nam, gốc không phải Hoa Hạ, phong tục riêng biệt. Trong tất cả các giống mọi rợ bốn phương, rợ An Nam khôn nhất…". Sau khi nghị luận, Minh Thế Tông quyết định Nam chinh để khôi phục họ Lê. Quân lính từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam xung trận. Các tỉnh khác như Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Phúc Kiến, Giang Tây có trách nhiệm cung cấp lương thảo tiếp vận cho đoàn quân Nam phạt do Cừu Loan và Mao Bá Ôn cầm binh. Mao Bá Ôn là ông cố tổ của Mao Trạch Đông sau này.
Năm 1540, trước đoàn quân Minh hùng mạnh và sau lưng là đoàn quân "phục Lê" từ Thanh Hóa Nghệ An Hà Tĩnh kéo lên, Mạc Thái tổ Mạc Đăng Dung phải cởi trần quì lạy quân Minh dâng 4 cái hang núi ở Cao Bằng Lạng Sơn. Quân Minh lui binh phong cho họ Mạc chức An Nam Đô Thống Sứ. Cái chức này không phải quốc vương nhưng vua Lê cũng từng nhận chức này rồi. Quỳ lạy quân Minh nhục thật nhưng không riêng gì Mạc Đăng Dung, tất cả các vua chúa của Đại Việt đều quỳ lạy sứ giả của Thiên Triều gởi sang tấn phong.
Thực tế thì nhà Minh đã không tới tiếp thu và cai trị bốn cái hang động vách núi đó. Từ đây miền Bắc nước ta chia hai phe đánh nhau trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Phía nhà Mạc có vẻ được lòng dân Bắc Hà hơn vì sử ghi lại sau khi thất trận phải chiêu binh chỉ trong chớp mắt đã có 80.000 người tình nguyện làm lính đánh lại quân nhà Lê ở Thanh Hóa.
So với những vua cuối triều Lê, nhà Mạc không làm điều gì xấu xa bại lý thường luân cả. Nhà Mạc tồn tại 145 năm chia ra 2 thời kỳ : 1/ cai trị toàn cõi Bắc Hà 65 năm và 2/ cai trị Cao Bằng-Lạng Sơn 80 năm. Cuộc nội chiến này kéo dài 65 năm giữa người Kinh Bắc nhà Mạc và người Thanh Hóa Nghệ An nhà Lê. Đánh trên 40 trận, mỗi trận huy động từ 20.000 tới 100.000 lính. Lúc đó dân số nhà Mạc là 5 triệu người và dân số nhà Lê là 3 triệu người. Coi như người Cửu Chân, tức Thanh Hóa Nghệ An, đánh với người Giao Chỉ, Bắc phần của nước Việt chết nhiều không biết bao nhiêu mà nói. Thù thời Lý mang ra tính sổ 500 năm sau.
Trở lại với hành vi dâng bốn cái hang núi của Mặc Đăng Dung cho nhà Minh là nhằm mục đích ngăn chặn không để quân Minh đánh chiếm nước Việt.
Nguyễn Phú Trọng dâng ba đặc khu để người Tàu vào càng đông càng vui
Thời hiện tại thế kỷ 21 chúng ta có ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thơ đảng cộng sản ở Hà Nội. Chức này tương đương với An Nam Đô thống sứ của vua nhà Mạc.

Luận nguồn gốc thì họ Mạc là dòng dõi thiên tử nhà Châu, ông Nguyễn Phú Trọng có dòng dõi khác thường là hậu duệ của Tề Thiên Đại Thánh trong Tây Du Ký. Ông theo ông Hồ Chí Minh từ bên Tàu về miền Bắc định cư trong hang động Pắc Bó là một trong bốn cái hang mà Mạc Đăng Dung dâng cho nhà Minh (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Phú Trọng là một nhà bán nước có tên tuổi. Ông bán các đặc khu kinh tế 99 năm cho Trung Quốc như là các tỉnh biên giới phía Bắc (từ Hà Giang đến Quảng Ninh), các địa danh nổi tiếng trong vịnh Bắc Bộ (từ các đảo trong vịnh Bái Tử Long đến vịnh Hạ Long), rồi từ bắc miền Trung xuống miền Nam (Hà Tĩnh, Vân Đồn, Tây Nguyên, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc) và nhiều nơi khác, với mục đích lôi kéo người Tàu vào nước Việt Nam càng đông càng vui và khi những người này thu càng nhiều quyền lợi thì họ lại càng không muốn về nước, không những thế họ còn kêu gọi bà con thân thuộc từ bên Tàu vào càng nhiều thêm để gây bè cánh. Có gì sung sướng bằng được sinh sống trên một lãnh thổ nước mà chính quyền địa phương không có quyền gì đối với họ, và nhất là được tự do thu lợi mà không phải đóng một đồng thuế nào, ngoài tiền hối lộ cho người cho thuê đất. Người Tàu sẽ ở lại vĩnh viễn trên đất Việt Nam.
Mấy cái hang mai hang mễnh mà Mạc Đăng Dung dâng cho Tàu không có giá trị kinh tế chiến lược gì hết. Mạc Đăng Dung dâng hang động trên vùng núi non hiểm trở để cho Tàu rút đi. Nguyễn Phú Trọng dâng những đặc khu kinh tế chiến lược để cho người Tàu vào khai thác và ở lại.
Những đặc khu mà Nguyễn Phú Trọng dâng cho Tàu đều có giá trị kinh tế, chiến lược, văn hóa cao và có khả năng phát triển vững mạnh và vĩnh viễn thành khu người Tàu. Dân Việt trong dịch vụ bán nước này không hưởng được một quyền lợi nào, ngoài quyền được tuyển dụng vào làm công dọn dẹp phòng ốc và phục dịch người Tàu.
Ông Trọng dâng đất cho Tàu không để cầu phong như Mạc Đăng Dung mà là để được người Tàu khen, khen như Đại học sĩ Từ Phổ từng khen : "Trong tất cả các giống mọi rợ bốn phương, rợ An Nam khôn nhất". Được người Tàu khen có sức thu hút vô biên đối với người trong hang chui ra như ông Trọng vậy.
Võ Thanh Liêm
(06/06/2018)
Tài liệu tham khảo :
1. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, nhà Nguyễn
2/ Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, nước Việt Nam Cộng Hòa
Võ Thành Liêm, tốt nghiệp Tiến sĩ vật lý phân tích môi trường Đại học UNSW Sydney. Ông là nhà nghiên cứu và giáo sư giảng dạy nhiều đại học ở Úc và Đông Nam Á về kỹ thuật vật lý địa chính.