Thẩm vấn: Các kỹ thuật thẩm vấn (Phần 3) (Hatechange)

Người thẩm vấn sẽ chỉ ra những hậu quả của việc không hợp tác, và dĩ nhiên không quên thổi phồng chúng. Họ cố gắng khiến người bị thẩm vấn gia tăng cảm giác sợ hãi bằng cách khuếch đại những thứ đơn giản thành những điều rất tồi tệ. Họ có thể nói với đối phương rằng bất cứ hành động không hợp tác nào cũng có thể dân đến hậu quả thảm khốc và thậm chí là cho những người thân yêu của họ.







Có nhiều phương pháp thẩm vấn trong thực tế để phục vụ cho điều tra pháp lý trong dân sự, hình sự và trong quân đội. Người thẩm vấn chuyên nghiệp được đào tạo và làm chủ các kỹ thuật thẩm vấn phục vụ cho công việc của họ. Chúng có thể là các kỹ thuật tâm lý hoặc là các thủ thuật cực đoan. Biết được các kiến thức này sẽ giúp những người có nguy cơ bị thẩm vấn không bị động do hiểu rõ diễn biến và chủ động tìm ra các phương pháp phản thẩm vấn phù hợp.

1. Tỏ ra đã biết hết

Người thẩm vấn sẽ nói với người bị thẩm vấn rằng họ đã biết rõ những thông tin mà họ đang hỏi (đó có thể là một việc đã xảy ra hoặc một việc đã không xảy ra). Họ thậm chí sẽ nói ra một số thông tin cá nhân và các hoạt động trong quá khứ của người bị thẩm vấn. Và dĩ nhiên họ cũng không quên tuyên bố rằng họ còn biết nhiều hơn nữa và thông tin này được cung cấp bởi một ai đó đã từng làm việc với người đang bị thẩm vấn.

Người thẩm vấn sẽ theo dõi phản ứng của người đang bị thẩm vấn trước các thông tin mà họ cung cấp để tìm ra sự thật.

Kết quả là rằng người bị thẩm vấn tin rằng đối phương đã biết rõ những gì họ đang cố gắng che giấu thường là tiết lộ sự thật vì cảm giác bị phản bội (ai đó đã làm trái nguyên tắc và cung cấp tin tức trước đó); hoặc đơn giản là muốn thoát khỏi căng thẳng.

2. Thể hiện quyền hạn và quyền lực 

Người thẩm vấn sẽ thể hiện quyền lực thông qua chức vụ, quyền hạn và những gì họ có thể làm với người bị thẩm vấn. Đôi khi họ có thể tuyên bố họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn để đe dọa người bị thẩm vấn. Họ sẽ khiến đối phương phải tuân theo những yêu cầu của họ như những đứa trẻ phải nghe lời bố mẹ. Họ sẽ mặc đồng phục của công an/cảnh sát/quân đội để thể hiện vị trí của mình và dùng ngôn ngữ mệnh lệnh của người có quyền lực đang ở thế trên cơ. Ví dụ: “Đứng dậy. Bây giờ nhìn vào mắt tôi khi tôi đang nói chuyện với anh. Nói cho tôi nghe anh đã ở buổi hội thảo đó với những ai?” Ngôn ngữ quyền lực không hẳn là quát tháo, thông thường nó khá êm tai nhưng uy lực. Bởi vì người thẩm vấn tin rằng họ có đầy đủ quyền lực trong tình huống này.

3. Hậu quả thảm khốc 

Người thẩm vấn sẽ chỉ ra những hậu quả của việc không hợp tác, và dĩ nhiên không quên thổi phồng chúng. Họ cố gắng khiến người bị thẩm vấn gia tăng cảm giác sợ hãi bằng cách khuếch đại những thứ đơn giản thành những điều rất tồi tệ. Họ có thể nói với đối phương rằng bất cứ hành động không hợp tác nào cũng có thể dân đến hậu quả thảm khốc và thậm chí là cho những người thân yêu của họ.

4. Hỏi trực tiếp

Người thẩm vấn sẽ đặt câu hỏi trực tiếp một cách đơn giản và rõ ràng. Họ đặt câu hỏi với giọng trung tính và dễ chịu, không thể hiện sự đe dọa hay lo lắng. Tuy nhiên họ sẽ quan sát cách phản hồi của người bị thẩm vấn: nhanh hay chậm. Nếu xuất hiện sự trì hoãn ngắn khi trả lời, người thẩm vấn có thể cân nhắc rằng đối phương đang nói dối.

Một người bình thường, khi được hỏi một câu hỏi thẳng thắn, sẽ đưa ra một câu trả lời thẳng thắn mà không suy nghĩ quá nhiều về việc họ có nên trả lời hay không. Ngoài ra thông thường, mọi người sẽ trả lời câu hỏi, ngay cả từ người lạ.

Thông thường, người thẩm vấn sử dụng phương pháp này trước bất cứ phương pháp nào được liệt kê trong bài này, trừ khi họ cố gắng giấu cách họ tiếp cận đối phương.

Người thẩm vấn có thể đặt câu hỏi trực tiếp này ở những thời điểm bất ngờ khi ý thức tự vệ của người bị thẩm vấn giảm. Ví dụ khi họ đưa cho người bị thẩm vấn một cốc nước hay gói thức ăn, hoặc ngay khi người này đang chuẩn bị rời đi.

5. Vẽ ra con đường dễ dàng nhất

Người thẩm vấn sẽ nói với đối phương rằng cách dễ dàng nhất là cung cấp thông tin cho họ. Bằng cách hỏi liên lục và dai dẳng, không để cho đối phương nghỉ ngơi, người thẩm vấn sẽ khiến cho người bị thẩm vấn thấy rằng mọi sự nỗ lực che giấu thông tin dẽ dẫn đến khó khăn, ngoại trừ việc hợp tác. Ví dụ: “Hãy nhìn xem, chúng ta đã nói chuyện cả thập kỉ rồi, giờ tôi chuẩn bị về nhà đây. Nếu anh cũng muốn về nhà, tại sao anh không nói cho tôi sự thật và tôi đảm bảo anh sẽ được ra về ngay lập tức”.

Sau một thời gian dài thẩm vấn, một lời khuyên hợp tác để được về nhà có thể rất hấp dẫn. Sức mạnh của ý chí cũng giống như năng lượng, nó có thể giảm dần theo thời gian và vì thế việc trả lời câu hỏi để đi tới một kết thúc tốt đẹp có thể trở nên ngày càng hấp dẫn.

6. Lặp lại sai các thông tin

Người thẩm vấn sẽ nhắc lại các thông tin trong lời khai của người bị thẩm vấn nhưng thay đổi nội dung (có thể là chỉ thay một số chi tiết nhỏ, ít được chú ý, hoặc thay đổi các chi tiết quan trọng) và đợi xem người bị thẩm vấn có chỉnh lại phần nội dung bị cố tình làm sai không.

Ví dụ như: “Anh đã đi xe đến quán cà phê đó…À xin lỗi, bạn của anh đã chở anh đến đó. Tên của người đó là gì nhỉ?”

Thông thường, những người đang nói thật sẽ trông hơi thất vọng khi đối phương không hiểu rõ những gì họ đã nói. Khi nghe người khác nhắc lại các thông tin mà họ đã nói, họ có khả năng phát hiện ra hầu hết các lỗi sai.

Trong khi người đang nói dối sẽ trông lo lắng vì họ phải nghĩ trước những gì họ sẽ nói. Và khi các nội dung được kể lại, họ sẽ tập trung nghe để kiểm tra liệu các thông tin có giống với những gì họ đã nói hay không.

Nếu phương pháp này được lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, việc sửa các lỗi sai từ một câu chuyện dối trá sẽ không hề dễ dàng.

 7. Kẻ tốt, người xấu

Trong quá trình thẩm vấn, sẽ có: một người thẩm vấn rất khó chịu, quát tháo, đe dọa, dễ tức giận và có xu hướng bạo lực và một người khác điềm đạm, biết điều, cố gắng kiềm chế người thẩm vấn nóng tính, đồng thời tìm cách hạn chế khả năng tổn thương của người bị thẩm vấn. Hai người này có khi sẽ tranh luận với nhau. Ví dụ:

Người thẩm vấn đóng vai xấu (hét lên và đập bàn): Thôi đủ rồi. Mày đừng có vòng vo nữa. Mày muốn nói cho tao sự thật hay muốn ăn đòn. Ở đây tao là luật, đừng hòng giở trò với tao.

Người thẩm vấn đóng vai tốt (giữ lấy người kia): An, bình tĩnh. Làm thế không giúp được gì đâu. Ra ngoài và để tôi lo vụ này.

Người thẩm vấn đóng vai xấu (gầm hét và đập cửa từ phía ngoài): Tao sẽ đánh chết mày với cái thái độ đó…

Người thẩm vấn đóng vai tốt: Xin lỗi anh. Anh có ổn không? Anh biết rằng tôi không thể bảo vệ anh khỏi anh ta mãi được. Nếu anh có thể đưa cho tôi một cái tên, tôi có thể dùng thông tin đó để bảo vệ anh. Chỉ một cái tên thôi, ai đã ở đó với anh?

Đây là một phương pháp cổ điển, nhưng luôn hiệu quả. Nó dựa trên nguyên tắc “tổn thương và giải cứu”. Người thẩm vấn xấu là hiện thân của những nguy hiểm tiềm tàng dẫn đến tổn thương. Trong khi người còn lại tích cực chăm sóc và bảo vệ để xây dựng lòng tin của người bị thẩm vấn. Vì những cử chỉ tốt đẹp trao đi, người thẩm vấn đóng vai tốt đã thiết lập được động cơ đáp trả của người bị thẩm vấn. Việc này được củng cố thêm bằng việc đề nghị một sự trao đổi thông tin để có được nhiều sự bảo trợ hơn nữa trong tương lai.

8. Không chính thức

Người thẩm vấn tìm cách làm chủ tình huống tại các thời điểm không chính thức (ngoài thời gian thẩm vấn). Khi tinh thần cảnh giác của người bị thẩm vấn xuống thấp, họ lập tức đặt các câu hỏi quan trọng. Họ vờ như họ đang không hề thẩm vấn. Và người bị thẩm vấn có thể thoải làm bất cứ điều gì. Thông thường, người thẩm vấn sẽ làm cho đối phương nghĩ rằng quá trình thẩm vấn đã xong, mọi thông tin cần thiết đã được lấy và họ đang được thả ra.

Ví dụ:

– Người thẩm vấn đưa người đang được tuyển dụng đi ăn trưa sau khi thẩm vấn và đặt vài câu hỏi quan trọng trọng khi đang ăn trưa.

– Một người bảo vệ của một đồn công an, trông khù khờ và đáng mến, tỏ ra thông cảm với một nghi phạm vừa được thả ra khỏi cuộc thẩm vấn, và hỏi thăm một vài thông tin.

– Hoặc một viên cảnh sát hỏi như sau: “Chúng ta xong việc rồi. Để tôi mở cửa cho anh. (trong lúc người bị thẩm vấn đang bước ra khỏi cửa), anh ta với theo có phải anh B đã làm việc cùng với bạn tuần trước không?

Cách thức này khiến cho người bị thẩm vấn thậm chí không biết là mình đã cung cấp thông tin cho đối thủ.

Theo Hatechange.org
 
Bài tiếp theo: Thẩm vấn: (Phần 4) – Các kỹ thuật thẩm vấn -phần tiếp theo
Nguồn tài liệu tham khảo:
Interogation