Thẩm vấn: Người bị thẩm vấn nên làm gì? (Phần 2) (Hatechange)

Hãy nhớ rằng đây không phải là một cuộc nói chuyện vô thưởng vô phạt. Một thông tin thừa của bạn có thể chỉ hướng đến một người nào đó hay một địa điểm nào và gây hại cho chính bạn hoặc bạn bè và đồng nghiệp. Hãy quyết định chiến lược trả lời thẩm vấn và bám sát vào đó.







Dưới đây là một số quy tắc cơ bản cho người bị thẩm vấn.Tất nhiên người thẩm vấn chuyên nghiệp sẽ biết và tìm cách chống lại những điều này, nhưng phần tiếp của loạt bài về thẩm vấn sẽ cung cấp cho bạn các quy tắc cũng như các thủ thuật của người thẩm vấn, để  giúp bạn hiểu và chuẩn bị cho mình tốt hơn nếu bạn bị buộc phải trở thành người bị thẩm vấn.

1. Giảm thiểu tác hại

Quy tắc cơ bản cho người bị  thẩm vấn là giảm đến mức tối thiểu tổn hại mà bạn có khả năng gặp phải, đặc biệt là về lâu dài. Chẳng hạn nếu bạn không thể làm người thẩm vấn có cảm tình với mình thì cũng đừng tạo ra không khí căng thẳng, thù ghét. Bởi vì chắc chắn bạn không muốn bị đánh đập hay gây thù chuốc oán, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật sau đó. Hãy thân thiện, nhưng cũng đừng khúm núm, tỏ ra sợ hãi, yếu thế. Hãy hít thở sâu, lấy lại bình tĩnh. Nếu có kinh nghiệm về thiền, hãy vận dụng lúc này.

 2. Đưa ra thông tin tối thiểu

Đừng bao giờ tình nguyện đưa ra các thông tin mà không có bất cứ mục đích gì. Khi người thẩm vấn hỏi một câu, hãy trở lời vừa đủ trong phạm vi câu hỏi với thông tin bạn sẵn sàng chia sẻ. Hãy nhớ rằng đây không phải là một cuộc nói chuyện vô thưởng vô phạt. Một thông tin thừa của bạn có thể chỉ hướng đến một người nào đó hay một địa điểm nào và gây hại cho chính bạn hoặc bạn bè và đồng nghiệp. Hãy quyết định chiến lược trả lời thẩm vấn và bám sát vào đó.

 3. Che giấu

Biết được những điều mà bạn không muốn người khác tìm ra được và cố gắng dùng mọi cách để đảm bảo những bí mật này bị chôn sâu. Đừng tạo ra bất cứ gợi ý, hoặc sự thừa nhận nào có khả năng dẫn người thẩm vấn theo hướng đó. Nếu các cuộc thảo luận đi gần tới những khu vực bị che giấu, hãy bình tĩnh và ẩn giấu chúng cẩn thận hơn.

Những nỗ lực gây nhiễu của người thẩm vấn có thể khiến bạn tiết lộ những gì bạn đang che giấu. Ngoài ra, nếu bạn đang cố gắng dẫn chuyện theo một hướng, người thẩm vấn có thể coi đó là một dấu hiệu và đi theo hướng ngược lại.

Hãy phân loại thông tin và lên kế hoạch đâu là thông tin bạn quyết định bằng mọi cách phải giữ kín, đâu là thông tin có thể chia sẻ để tạo thiện cảm, tránh các nguy hiểm không cần thiết.

4. Đánh lạc hướng

Tham gia trò chơi với người thẩm vấn và cố gắng đánh lạc hướng và giữ sự chú ý của họ ở những khu vực an toàn. Khi bạn lấy được sự chú ý của người thẩm vấn, bạn có thể dẫn dẵt họ tới các khu vực khác và tránh xa khu vực mà bạn muốn che dấu. Sự đánh lạc hướng thường được dùng là giả vờ rằng bạn đang cộng tác, trả lời các câu hỏi của họ.

5. Trì hoãn

Tìm cách làm chậm quá trình thẩm vấn, đặc biệt là khi bạn có thể hưởng lợi từ việc này. Giả ốm, hoặc không thể cộng tác có thể là lựa chọn tốt nếu bạn có khả năng “diễn xuất”. Hoặc bạn có thể yêu cầu thêm thời gian để suy nghĩ và không quên thể hiện rằng bạn đang sắp hợp tác đến nơi rồi, chỉ cần thêm thời gian quyết định nữa thôi.

6. Bóp méo

Khi bạn buộc phải đưa ra thông tin, bóp méo nó, bỏ đi phần quan trọng hoặc thêm vào các thông tin nhiễu khác. Thay đổi tên, địa điểm, thời gian, …Nhưng lưu ý rằng bạn phải nhớ các chi tiết bạn đã thay đổi vì người thẩm vấn có thể sẽ hỏi đi hỏi lại nhiều lần nhằm kiểm tra tính trung thực của các thông tin.

Nói dối là điều rất khó, nhất là đối với các thẩm vấn viên giàu kinh nghiệm. Vì vậy nếu bạn không tự tin rằng bạn có thể nhớ các chi tiết bạn đã thay đổi khác với sự thật, tốt nhất là không đề cập đến nó, hoặc khẳng định rằng bạn không biết.

7. Thương lượng

Cuối cùng, khi bạn buộc phải cung cấp thông tin thật, hãy thương lượng với người thẩm vấn bằng cách đưa ra các yêu cầu mà bạn chắc chắn sẽ được đáp ứng. Thông thường người thẩm vấn sẽ hứa hão để tìm cách lấy được thông tin của bạn. Kiểm tra khả năng đáp ứng lời hứa của đối phương bằng các trao đổi nhỏ trước khi cung cấp bất cứ thông tin gì. Lưu ý rằng bạn chỉ đưa ra các thông tin mà bạn đã chuẩn bị để cho thể cho đi.

Người thẩm vấn cũng có thể kiểm tra bất cứ điều gì bạn cung cấp cho họ, vì vậy hãy cẩn thận. Bạn có thể cung cấp cho họ những thứ khó xác minh hoặc những thứ có vẻ hữu ích nhưng thật ra là không.

Theo Hatechange.org
 
Bài tiếp theo: Thẩm vấn: (Phần 3) – Người  thẩm vấn sẽ làm gì?
Nguồn tài liệu tham khảo dịch:
Interogation