Số phận Trịnh Xuân Thanh phụ thuộc…cải thiện nhân quyền? (Phạm Chí Dũng)
Nhưng vẫn có thể xảy ra một khả năng hết sức trớ trêu: Trịnh Xuân
Thanh có thể được phóng thích khòi nhà tù cộng sản trong trường hợp
Nguyễn Phú Trọng thực sự cần đến EVFTA và do đó sẽ nhượng bộ người Đức
nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung một số điểm về cải thiện
nhân quyền.
Vụ án song hợp đối nội - đối ngoại mang tên ‘Trịnh Xuân Thăng’ vừa
phát sinh một tình tiết thú vị và đánh đố: ngay trước phiên tòa xét xử
phúc thẩm vụ Đinh La Thăng - Trịnh Xuân Thăng vào ngày 7/5/2018 tại Tòa
án cấp cao Hà Nội, tòa thông báo nhận đơn rút kháng cáo kêu oan của
Trịnh Xuân Thanh (với cả hai vụ án mà ông Thanh bị tuyên án sơ thẩm
chung thân). Cùng lúc, con trai của ông Thanh cũng rút đơn kháng cáo đòi
trả lại tài sản kê biên (là biệt thự và xe sang do ông bà cho, được coi
không liên quan đến cha).
Vì sao Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo? Phải chăng ông
Thanh, sau khi đã mùi mẫn ‘xin lỗi bác tổng bí thư’ nhưng không được
toại nguyện, đã chìm lòng chấp nhận bản án chung thân đến cuối đời? Hay
việc rút đơn kháng cáo này đã được tác động bởi một chủ ý chính trị của
đảng cầm quyền?
Hai phiên tòa - một vụ án
Khó có thể cho rằng Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo là một thái độ
chấp nhận số phận đã an bài. Bởi trước đó và cùng với việc con trai của
ông Thanh tung đơn kháng cáo đòi trả lại tài sản kê biên, người ta nhận
ra rất rõ là trong thế cùng đường với hai bản án đều đến mức chung
thân, Trịnh Xuân Thanh đã quyết định tung hê mọi việc mà chẳng còn lời
xin lỗi nào đến ‘bác tổng bí thư’.
Ở một khía cạnh khác, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng -
Trịnh Xuân Thanh vào ngày 7/5/2018 được tổ chức ở Hà Nội trong bối cảnh
cách đó hơn 8.000 km đang diễn ra ở Berlin một phiên tòa khác còn thu
hút mối quan tâm của dư luận và báo chí quốc tế hơn nhiều: Tòa án Đức xử
Nguyễn Hải Long - nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
tại Berlin, mà trong phiên tòa này đã bất thần bùng phát một thông tin
liên đới một cấp cao hơn rất nhiều: Slovakia đang làm việc với phía Đức
để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng
chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình
phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.
Mặc dù chỉ là một nghi can và có thể không đóng vai trò chủ chốt
trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng Nguyễn Hải Long đã khai báo
một tình tiết cực kỳ quan trọng: 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt
cóc tại Berlin, Bộ Nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn Công an cao cấp Việt
Nam mượn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia để bay từ Bratislava, thủ
đô nước này, tới Moscow, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó là
Robert Kalinak và Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Bộ Nội vụ Slovakia tuyên bố: “Nếu thông tin mà giới chức Đức đưa ra
được xác nhận là đúng thì chúng tôi sẽ xem đó là biểu hiện của sự bất
công trắng trợn của đối tác Việt Nam, sự lợi dụng lòng hiếu khách của
chúng tôi cho mục đích không phải là hữu nghị và gây bất ổn cho mối quan
hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước”.
Bóng dáng của cuộc khủng hoảng Solovakia - Việt Nam đang lừng lững ập đến.
Mất trắng 3 phiếu cho EVFTA
Sau cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini và
thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin với cam kết của hai bên về ‘sẽ
hợp tác làm rõ’ vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nếu trong thời gian tới
phía Slovakia tổ chức điều tra làm rõ và xác định được nghi vấn của cơ
quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong?’ là đúng, phản ứng tối
thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ
ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có
thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động EVFTA (Hiệp
định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam).
Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ
hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên
cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.
Cuộc khủng hoảng Slovakia - Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh
hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa
Séc với Việt Nam.
Tức trên con đường chông gai dẫn đến EVFTA chưa biết chừng nào mới
kết thúc, ngay trước mắt Việt Nam rất có thể đã mất đến 3 phiếu từ Đức,
Slovakia và Séc.
Với quy định ngặt nghèo rằng phải có đủ 28 nước thành viên của Liên
minh châu Âu chấp thuận thì EVFTA mới được Nghị viện châu Âu phê chuẩn,
việc Việt Nam thiếu ít nhất 3 phiếu sẽ khiến một EVFTA mang ý nghĩa ‘cứu
cánh’ đối với nền kinh tế và ngân sách đang trên bờ suy sụp của nước
này trở nên vô vọng.
Liệu Nguyễn Phú Trọng có chịu nhượng bộ trong tình thế quá nan giải ấy?
Trọng có nhượng bộ Đức vào cuối năm ngoái?
Vào ngày 25/11/2017, đã phát lộ dấu hiệu đầu tiên - có thể là một sự
nhượng bộ, dù mớ trong ý định. Trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng
chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ thông báo công
khai đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa vào tháng Giêng năm 2018. Dường như
vào lúc đó, ông Trọng đã nắm được một ý tứ nào đó từ phía Đức, rằng
người Đức sẽ không phản ứng đối với quyết định của ông, trên cơ sở người
Đức đã có thể tạm hài lòng với những lời hứa hẹn (nếu có) của ông.
Khi đó, một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức trả
lời VOA tiếng Việt rằng chính quyền Berlin “hiện vẫn trao đổi với chính
phủ Việt Nam” về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như
thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu
cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của
Đức, nguồn tin ngoại giao này nói: “Việt Nam biết cần phải làm gì để
sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song
phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược”…
Kể từ tháng Mười năm 2017 khi tạo nên cơn động đất khi đột ngột tuyên
bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đó là lần
đầu tiên người Đức - dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính
thức nào - hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại
một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam bị cáo buộc đã dùng lực lượng
mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng 7/2017.
Cũng khi đó đã phát ra một tín hiệu mơ hồ về một khả năng: nhằm vớt
vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với
nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội ở các nước
châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA, Tổng bí thư Trọng đã tìm cách “cam
kết” trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi hoàn thành mục tiêu xử có án
nặng đối với Thanh như một ý nghĩa ‘rửa mặt’.
Tuy nhiên, sau đó đã chẳng có thêm tín hiệu nào mới. Trong khi những
cuộc đàm phán Đức - Việt vẫn giậm chân tại chỗ, Trịnh Xuân Thanh đã phải
nhận hai án chung thân mà chẳng có hy vọng gì được ‘đoàn tụ với gia
đình’ theo nguyện vọng của đại gia tham nhũng này.
Số phận Trịnh Xuân Thanh phụ thuộc… cải thiện nhân quyền?
Còn giờ đây, thách thức đối ngoại mà đảng cầm quyền của Nguyễn Phú
Trọng phải đối mặt còn khó khăn hơn so với năm 2017. Nếu không chịu
nhượng bộ trong việc ‘trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, ông Trọng có thể sẽ
phải nhận thêm hậu quả về một cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng giữa
các nước châu Âu với Việt Nam, không những tuyệt vọng về EVFTA mà còn
có thể tuyệt giao về quan hệ ngoại giao, để khi đó số phận của chính thể
độc đảng ở Việt Nam sẽ biến thành… Bắc Triều Tiên.
Cũng bởi thế, đang xuất hiện một số suy đoán cho rằng để xử lý khủng
hoảng đối ngoại trên, ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp ‘vận động
Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo’, mà theo đó sau khi ông Thanh đã
‘yên tâm ở tù chung thân’, phía Việt Nam sẽ đàm phán với Đức để âm thầm
trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức theo hình thức ‘áp dụng luật đặc xá trong
trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà
nước’.
Luồng suy đoán trên cũng nêu ra cơ sở là với các nhà lãnh đạo Việt
Nam, sau khi đã xử Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt ‘ông anh’ của Trịnh Xuân
Thanh là Đinh La Thăng, đã phần nào đáp ứng nguyện vọng “trừng trị những
kẻ tham nhũng” trong một bộ phận dân chúng, cũng thể hiện được uy quyền
“đốt lò” của mình. Con bài Trịnh Xuân Thanh đã hết hạn sử dụng, không
nên là vật cản cho quan hệ hai nước Việt – Đức, đặc biệt quan hệ Việt
Nam- EU. Hiệp định thương mai tự do Việt nam- EU phải được ký kết sớm,
và cần giải toả con bài Trịnh Xuân Thanh càng sớm càng tốt.
Như vậy, chỉ cần Chính Phủ đề nghị, với lý do cần đáp ứng yêu cầu của
nước Đức để sớm ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Chủ
tịch nước sẽ ra lệnh đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với Trịnh Xuân
Thanh. Bù lại, Trịnh Xuân Thanh cũng phải “xuống nước” rút kháng cáo
kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi
hành án…
Tuy nhiên, đó chỉ là một suy đoán và mang tính giả thiết nhiều hơn.
Trong thực tế, Hà Nội khá thường nuốt lời với quốc tế về vấn đề cải
thiện nhân quyền, và càng chẳng có gì chắc chắn trong lời hứa của chính
quyền này với đối tượng quan chức tham nhũng phải đi tù. Toàn bộ vụ
Trịnh Xuân Thanh với kết quả đàm phán Đức - Việt gần như bế tắc cho tới
nay là một minh chứng quá rõ để khiến giới chính khách châu Âu hiểu thế
nào là ‘lời hứa Việt Nam’.
Bởi thế trong thời gian tới, việc Trịnh Xuân Thanh sẽ được ‘đoàn tụ với gia đình’ hay bị hứa cuội sẽ vẫn là một dấu hỏi lớn.
Nhưng vẫn có thể xảy ra một khả năng hết sức trớ trêu: Trịnh Xuân
Thanh có thể được phóng thích khòi nhà tù cộng sản trong trường hợp
Nguyễn Phú Trọng thực sự cần đến EVFTA và do đó sẽ nhượng bộ người Đức
nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung một số điểm về cải thiện
nhân quyền.
Còn nếu không có chuyện cải thiện nhân quyền, Trịnh Xuân Thanh đương
nhiên bị các đồng chí của mình hứa cuội và sẽ phải ‘yên tâm chung thân’,
còn tài sản tham nhũng của Thanh sẽ bị sung công để ông Trọng nuôi đảng
mà chẳng bao giờ đòi lại được.
VOA