Cảm nghĩ về loạt bài "Đối thoại và Lòng tin" (Thạch Đạt Lang)
Cuối cùng là nhu cầu đối thoại của Đảng cộng sản Việt Nam. Những chỉ
dấu và những biến cố liên tiếp xẩy ra gần đây như vụ án mạng Yên Bái, vụ
Trịnh Xuân Thanh phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bỏ trốn vì làm thất
thoát 3.200 tỉ VNĐ bị truy nã quốc tế, việc san bằng chùa Liên Trì...
chứng tỏ cộng sản Hà Nội chưa bao giờ nhận ra họ đang có nhu cầu cần
phải đối thoại. Họ chỉ có một nhu cầu là giữ sự tồn tại của Đảng cộng
sản Việt Nam bằng mọi giá, kể cả bán nước, làm nô lệ cho Trung Quốc.
LTS :
Bài viết này của ông Thạch Đạt Lang được viết cách đây gần hai năm, tuy
nhiên nội dung vẫn còn nguyên tính thời sự. Phong trào dân chủ Việt Nam
không thể nào buộc đảng cộng sản ngồi vào bàn đàm phán hay đối thoại về
bất cứ việc gì nếu không có tổ chức và thực lực. Các cá nhân không thể
có chính danh đại diện cho phong trào dân chủ mà chỉ có các tổ chức đối
lập dân chủ. Tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ là góp
phần tăng thêm tầm vóc của lực lượng đối lập dân chủ đồng thời cũng là
bổn phận quan trọng của những người trí thức và tất cả những ai còn ưu
tư lo lắng cho vận mệnh của đất nước.
Việt Hoàng
******************
Từ
lúc đọc bài "Đối thoại và Lòng tin" (1) của Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy,
phần I đăng ngày 31/08/2016, tôi đã định viết lên nhận định và cảm nghĩ
của mình về bài viết, nhưng thấy cuối bài ghi "còn tiếp" nên tôi chờ đợi
đọc hết những gì tiến sĩ Từ Huy muốn bày tỏ rồi mới nêu lên ý kiến.
Đến
nay, bài thứ III, khi tác giả Từ Huy kết thúc loạt bài của mình với câu
: "Dĩ nhiên quý vị hoàn toàn có quyền không đồng tình với
tôi. Nhưng khi đi tìm lý do để đồng tình hay không, mong quý vị
hãy đặt lợi ích quốc gia, tương lai dân tộc và số phận nhân dân
thành một trong những lập luận quan trọng nhất của quý vị".
Tôi thấy đã đến lúc mình có thể nói ra suy nghĩ, nhận định về vấn đề Đối Thoại, phần Lòng Tin xin để một dịp khác.
Tôi
không phải là nhà văn, nhà báo, cũng không hề nghiên cứu về chính trị
hoặc nhân văn, xã hội, không hề tham dự một khóa đào tạo nào về viết
văn, những kỹ thuật săn tin, làm phóng viên, ký giả... Viết đối với tôi
chỉ đơn thuần là một cách làm giảm áp lực đè nặng trong suy nghĩ, ưu tư
của mình về những vấn đề của cộng đồng Người Việt Hải ngoại, của đất
nước, dân tộc…
Không
thể phủ nhận rằng Tiến sĩ Từ Huy đã có những bài viết nghiên cứu về
chính trị rất có giá trị. Những bài phân tích tình hình đất nước, nội bộ
Đảng cộng sản Việt Nam, về thực trạng xã hội cùng những ưu tư, lo lắng
cho tương lại dân tộc, vận mệnh quốc gia chứng tỏ một công trình nghiên
cứu sâu rộng, những suy nghĩ chín chắn với những tình cảm nồng nàn,
thiết tha dành cho đất nước, dân tộc Việt Nam.
Những
điều Từ Huy nêu lên trong ba bài viết "Đối thoại và Lòng tin" (1) không
có gì để tranh luận, tất cả đều đúng, nhưng đem đặt thành một câu hỏi
như phần cuối bài trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay tôi thấy không
thích hợp, có vẻ viễn tưởng vì những nguyên nhân sau :
1.
Người Việt Nam không hoặc chưa có khả năng đối thoại. Ngay cả những
người có học, có bằng cấp, sống đã lâu trong một môi trường dân chủ, tự
do, đòi hỏi sự đối thoại trong sinh hoạt hàng ngày, cũng rất ít người
hiểu đối thoại là gì. Bởi vì muốn đối thoại, người ta phải biết lắng
nghe, sau khi lắng nghe phải suy nghĩ, tìm hiểu, so sánh sự khác biệt
giữa các ý kiến rồi đúc kết lại, đưa ra nhận định chung. Từ đó mới đưa
đến biểu quyết.
Quan
sát những buổi họp của các tổ chức, cộng đồng người Việt hải ngoại...
dễ dàng nhận thấy các ý kiến về một mục đích, kế hoạch nào đó được đưa
ra, thường có tính đối chọi nhau nhiều hơn là tìm cách dung hòa. Khi đã
đưa đến biểu quyết theo tinh thần dân chủ, quyết định thường bị phe lép
vế không phục. Phe thiểu số nhiều lúc không phản đối ngay tại buổi họp
nhưng sau đó tìm cách phá thối hay tách ra, thành lập một hội đoàn, tổ
chức tương tự và dùng những cái tên giống hệt nhau. Hơn nữa trong rất
nhiều buổi họp, một ý kiến đưa ra không hợp với cảm tính của đám đông
rất dễ bị đả đảo thay vì họ cần im lặng suy nghĩ, tìm những điểm tương
đồng để đi đến một giải pháp tốt đẹp.
Trước
đây, cũng trên trang Anh Ba Sàm tôi có viết một bài với tựa đề "40 năm
ta đã trưởng thành ?" nhận định về cá tính của người Việt Nam trong cộng
đồng người Việt hải ngoại. Cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ là cộng
đồng đông nhất với 1.724.508 người (thống kê năm 2013), do đó cũng là
cộng đồng tiêu biểu để đánh giá về sự phát triển. Nhìn vào những sinh
hoạt cộng đồng người Việt ở Mỹ, dễ dàng nhận thấy sự chia rẽ, manh mún,
thiếu hẳn sự đoàn kết cần thiết để trở thanh một cộng đồng mạnh mẽ so
với các cộng đồng khác.
2.
Chế độ cộng sản Ba Lan không được thành lập bởi phong trào giải phóng
đất nước. Dân tộc Ba Lan bị áp đặt chủ nghĩa cộng sản bởi hồng quân Xô
Viết vào năm 1945, khi chế độ quốc xã của Hitler bị đánh bật khỏi Ba
Lan, Hồng quân Liên Xô ồ ạt tiến vào thủ đô Warsaw và thành lập chính
phủ Ba Lan dưới quyền kiểm soát của họ. Vì chế độ không hình thành bởi
người dân Ba Lan nên mầm mống chống đối Liên Xô của hầu hết những người
trong chế độ lúc nào cũng âm ỉ trong lòng, nhưng vì sự sống còn của bản
thân, gia đình, họ đành cam tâm nhẫn nhục, im lặng cho qua ngày, chờ cơ
hội, bản thân tướng W. Jaruzelski là một thí dụ cụ thể.
Ở
cương vị của mình, Jaruzelski nhận ra sự sụp đổ của Liên bang Xô viết
sớm hơn người khác, vì thế ông lên tiếng ủng hộ hội nghị bàn tròn để tìm
đường đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi sự kềm kẹp của Liên Xô. Cũng
chính nhờ điểm này mà ông đã được bầu làm Tổng thống Ba Lan trước khi có
bản hiến pháp mới vào năm 1990. Hơn nữa, ngay cả khi chế độ cộng sản
Liên Xô chưa có dấu hiệu sụp đổ rõ rệt, người dân Ba Lan cũng được hưởng
nhiều tự do hơn người dân Việt Nam. Người viết đã từng mời hai người
quen từ Ba Lan qua Đức chơi vào năm 1987-1988. Sau khi đến Đức họ chạy
qua Pháp xin tị nạn chính trị.
Dân
tộc Ba Lan sở dĩ thành công trong hội nghị bàn tròn ngày 19/07/1989 là
nhờ có Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan hoạt động hữu hiệu với cả chục triệu
thành viên từ thập niên 80. Ba Lan cũng là một nước có nền công nghiệp
phát triển, giai cấp công nhân ý thức được quyền lợi của mình nên có
tinh thần đoàn kết cao, dễ dàng kết hợp thành tổ chức thống nhất hơn
người công nhân Việt Nam, đa số vốn gốc nông dân, bản tính ích kỷ, không
nhìn xa, không chịu hi sinh một chút quyền lợi bản thân nhỏ nhoi để
chiến đấu, đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn, lâu dài, chắc chắn hơn.
Dân
tộc Việt Nam không may mắn như người dân Ba Lan. Chế độ cộng sản Việt
Nam hình thành bởi sự tự nguyện du nhập chế độ cộng sản của ông Hồ Chí
Minh. Do đó hầu hết cán bộ, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đều trở nên
những kẻ cuồng tín cộng với sự tuyên truyền, tiêm nhiễm vào đầu óc từ
lúc còn thơ, lòng sùng kính lãnh tụ là ông Hồ Chí Minh, điều mà dân Ba
Lan không có.
3.
Do bị Pháp đô hộ gần một thế kỷ, ước mơ thoát vòng nô lệ của dân tộc
Việt Nam đã bị lợi dụng cho mưu đồ cá nhân ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng
sản Việt Nam. Xâm chiếm miền Nam bằng bạo lực, ông Hồ Chí Minh và đảng
cộng sản đã kích động gây chia rẽ, hận thù giữa người miền Nam với người
miền Bắc, giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo, giữa các giai cấp khác
nhau trong xã hội... để dễ bề thao túng, cướp lấy chính quyền.
Sau
hơn 71 năm cai trị ở miền Bắc, 41 năm ở miền Nam, dùng tuyên truyền dối
trá, bạo lực, nhà tù, chế độ cộng sản Việt Nam đã thuần hóa được dân
chúng, tạo nên quan niệm sống từ trong tâm thức là thờ ơ, vô cảm với xã
hội, tê liệt trong phản kháng với những biến động của đất nước, hoặc chỉ
hành động theo sự điều khiển, giật dây của chính quyền, của chế độ.
Đảng cộng sản Việt Nam vì thế mặc tình thao túng, khuynh đảo xã hội từ
kinh tế đến văn hóa, từ ngoại giao đến đối nội, quốc phòng... Chỉ một số
ít người yêu nước ý thức được sự tồn vong của dân tộc, đất nước, tìm
cách phản kháng, chống đối với phương pháp bất bạo động thì bị đàn áp,
giam giữ, đe dọa, khủng bố một cách dã man từ trong trứng nước.
Bài
viết của tiến sĩ Từ Huy phần I có nói đến lời đề xuất của ông giáo sư
Chu Hảo, kêu gọi một cuộc Đối thoại giữa chính quyền, đại diện các mạng
xã hội, đại diện nhân dân vì tình hình đất nước đã khẩn cấp lắm rồi,
không thể chờ đợi thêm được nữa.
Tôi
không dám nghi ngờ tấm lòng yêu nước của ông Chu Hảo hay của bà Từ Huy
nhưng quả thật thấy lời kêu gọi này giống như một đứa trẻ đang van xin
ông bố đừng uống rượu say xỉn, cờ bạc, đánh vợ, chửi con nữa, hãy nói
chuyện với chúng con, nhà đã hết gạo rồi, con và các em đang đói, đồ đạc
trong nhà không còn gì để bán, chủ nợ đang chửi bới, hăm dọa đốt nhà ồn
ào trước cửa... nhưng ông bố vẫn đang say sưa cười đùa, vui vẻ nhậu
nhẹt với tên hàng xóm to lớn, mạnh khỏe, giàu có, vừa tiếp tế rượu, đồ
nhắm, vừa dúi tiền vào túi ông bố.
Hơn
thế nữa, nhân sự được đề nghị đối thoại trong bài của ông Chu Hảo về
phía quần chúng không hợp lý bởi họ là những nhân sĩ, trí thức, không là
những người trực tiếp đấu tranh cho tự do, dân chủ của đất nước. Như
thế, giả sử Đảng cộng sản Việt Nam đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại thì
ai sẽ là người đại diện cho các tổ chức, mạng xã hội dân sự, cho người
dân trong tình trạng các tổ chức dân sự đều bất hợp pháp dưới mắt chính
quyền ? Tôi không rõ nhân sự được đề nghị trong bài của ông Chu Hảo gồm
những ai nhưng chắc chắn không có những khuôn mặt hoàn toàn đối lập với
chính quyền đã từng bị tù tội, giam hãm, tra tấn, đánh đập...
Trong
tình trạng phân tán, chia rẽ, không ai phục ai thì ai có thể là những
đại diện để đi đối thoại với chế độ cộng sản cầm quyền ? Đó là chưa kể
có những khuôn mặt nổi bật trong mạng xã hội dân sự, có bề dầy trong
thành tích đấu tranh, tù tội nhưng đời sống riêng tư bê bối như trai
gái, rượu chè, tiền bạc lem nhem... chẳng hạn, liệu họ có được mọi người
chấp nhận, tha thứ để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao phó không ?
4.
Cuối cùng là nhu cầu đối thoại của Đảng cộng sản Việt Nam. Những chỉ
dấu và những biến cố liên tiếp xẩy ra gần đây như vụ án mạng Yên Bái, vụ
Trịnh Xuân Thanh phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bỏ trốn vì làm thất
thoát 3.200 tỉ VNĐ bị truy nã quốc tế, việc san bằng chùa Liên Trì...
chứng tỏ cộng sản Hà Nội chưa bao giờ nhận ra họ đang có nhu cầu cần
phải đối thoại. Họ chỉ có một nhu cầu là giữ sự tồn tại của Đảng cộng
sản Việt Nam bằng mọi giá, kể cả bán nước, làm nô lệ cho Trung Quốc.
Việc
một cá nhân lãnh đạo cao cấp nào đó trong Đảng cộng sản Việt Nam đầy đủ
tư cách đứng ra đảm nhận vai trò như Jaruzelski ở Ba Lan chỉ có thể là
một ước mơ đẹp nhưng sẽ không bao giờ xẩy ra. Do biết rằng không thể xẩy
ra nên tôi... bỏ phiếu trắng. Không ai có thể biết mình có nên lượm
đồng tiền rơi trên mặt đường khi chưa thấy nó.
Với
hiểu biết hạn hẹp, kiến văn ít ỏi, nghèo nàn, sự nhận định thiếu bao
quát của mình, tôi thấy chỉ có một biến động quốc tế ở tầm mức to lớn,
ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á mới có hi vọng thay đổi tương
lại đất nước Việt Nam, không bị Bắc thuộc lần thứ ba.
Thạch Đạt Lang
(20/09/2016)
Chú thích (1) :