Trump đã từ bỏ việc thúc đẩy dân chủ. Quốc gia nào có thể thay thế ?
Việc chính quyền Hoa Kỳ không quan tâm đến các nguyên tắc dân chủ lâu dài của chính sách ngoại giao, nếu không muốn nói là xem thường, là một cú sốc lớn đối với những người ủng hộ dân chủ.
Joshua Kurlantzick, "Trump Has Abandoned Democracy Promotion. Which Countries Could Fill the Void?", World Politics Review, March 19, 2018.
Biên dịch : Mai V. Phạm
Hơn một năm dưới chính quyền Trump, rõ ràng rằng Nhà Trắng ít có hứng thú trong việc sử dụng các biện pháp kinh tế để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới. Với vài trường hợp ngoại lệ như Venezuela, Iran, Campuchia và Cuba, thì chính quyền Trump hiếm khi đề cập đến những vi phạm nhân quyền ở các nước khác (như Việt Nam, Trung Quốc, Nga). Là Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã tổ chức các cuộc họp mặt với các nhà lãnh đạo độc tài mà chính quyền Obama từ chối mời vào Nhà Trắng, như nhà lãnh đạo Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi. Trump cũng đã ca ngợi những vi phạm pháp luật và lạm quyền của một số nhà lãnh đạo, nổi tiếng nhất là chiến dịch trừng phạt ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Hơn nữa, ngân sách mà Nhà Trắng đệ trình cho năm 2019 thì nguồn tài chính cho tổ chức Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) và các chương trình đẩy mạnh dân chủ khác giảm mạnh. Ngân sách sẽ cắt giảm tổng tài trợ cho dân chủ và nhân quyền ở mức 40% và dường như có sự cố gắng làm giảm quyền lực của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) và Viện iện Cộng hòa Quốc tế. Tuy nhiên, Quốc hội dường như không chấp nhận sự cắt giảm mạnh mẽ này.
Nhà Trắng vẫn chưa bổ nhiệm một phụ tá cho Bộ trưởng ngoại giao về dân chủ, nhân quyền và lao động. Và Rex Tillerson, cựu Bộ trưởng Ngoại giao mới đây, đã tránh trình bày báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao về nhân quyền, một truyền thống mà các Bộ trưởng tiền nhiệm luôn ủng hộ.
Việc chính quyền Hoa Kỳ không quan tâm đến các nguyên tắc dân chủ lâu dài của chính sách ngoại giao, nếu không muốn nói là xem thường, là một cú sốc lớn đối với những người ủng hộ dân chủ. Biết rằng Tổng thống Hoa Kỳ sẽ bỏ qua, hoặc thậm chí khen ngợi, những vi phạm trắng trợn của họ chắc chắn sẽ tăng cùng với cảm giác không bị trừng phạt, và tạo ra sự phấn khích đối với những lãnh đạo độc tài như Tổng thống Phillipines - Duterte, Tổng thống Ai Cập - Abdel Fatah El-Sisi và Tổng thống Turkey - Recep Tayyip Erdogan. Và thậm chí trong những trường hợp chính quyền Trump đã bày tỏ mối quan tâm về nhân quyền, hoặc thực hiện một số hành động khiêm tốn - ví dụ như ở Campuchia và Myanmar - phần lớn là do áp lực từ Quốc hội để hành động, và do áp lực từ phía quan chức cấp thấp nhất và trung bình của chính phủ Hoa Kỳ.
Quốc hội Hoa Kỳ có thể và nên tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong việc vận động cho dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là ở các khu vực như Đông Nam Á, nơi mà Quốc hội đã luôn đi đầu trong những vấn đề này. Nhưng khoảng trống quyền lực của Trump, với chủ nghĩa biệt lập ngày càng gia tăng trong công chúng Mỹ, có thể được lấp đầy bởi các nhà lãnh đạo thế giới khác, là những người nhận ra rằng những ngày Mỹ như một nhà khuyến khích và thúc đẩy dân chủ toàn cầu đã qua. Dĩ nhiên, không một quốc gia nào có thể bù đắp cho sự thay đổi mạnh mẽ này trong chính sách Hoa Kỳ. Nhưng các nền dân chủ thịnh vượng và các nền dân chủ đang phát triển và có tầm ảnh hưởng khác, có thể thay thế vị trí của Hoa Kỳ. Họ có thể không bao giờ đạt được những biện pháp trừng phạt kinh tế giống như tổng thống Hoa Kỳ, nhưng cùng nhau, họ có thể chứng minh được một tiếng nói mạnh mẽ chống lại sự suy thoái của nền dân chủ toàn cầu hiện nay.
Một số nhà lãnh đạo đã cố gắng. Ví dụ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã sử dụng các chuyến công du nước ngoài của mình để phản đối các vi phạm nhân quyền, như một số cựu tổng thống Hoa Kỳ đã từng làm. Tại Philippine tháng 11 năm ngoái, tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Justin Trudeau đã công khai bày tỏ sự quan tâm về chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu mà Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte đang tiến hành, và sau đó nhắc lại những gì ông đã nói với Duterte với các phóng viên. Sau đó, Trudeau yêu cầu xem xét lại thỏa thuận bán trực thăng cho Philippines.
Các nền dân chủ phát triển khác, bao gồm Đức, Pháp, Thụy Sỹ và các quốc gia Scandinavia, cung cấp nguồn tài chính đáng kể để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ - như là viện trợ của chính phủ hoặc thông qua chính phủ và các tổ chức đảng phái. Mặc dù chương trình viện trợ lớn, nhiều quốc gia Tây Âu giàu có vẫn còn khá kín tiếng, e nghại sử dụng các biện pháp trừng phạt để tố cáo những vi phạm nhân quyền. Ngoại lệ duy nhất là ở Trung và Đông Âu, nơi mà Hungary và Ba Lan đã có những vi phạm về dân chủ và luật pháp.
Tuy nhiên, bằng cách liên kết với nhau để tố các các vi phạm nhân quyền và hợp tác đề ra những biện pháp trừng phạt, các quốc gia dân chủ này có thể tạo ra ảnh hưởng toàn cầu ngay cả trong thời kỳ Washington đã từ bỏ vai trò trước đây. Sự ủng hộ quan trọng của các nhà lãnh đạo từ Thụy Sĩ, Thụy Điển và Anh, giữa các quốc gia khác, đã giúp ngăn chặn Bangladesh và Myanmar bắt buộc những người di dân Rohingya ở trong các trại tị nạn của Bangladesh trở về Myanmar, nơi mà họ phải đối mặt với cuộc bức hại đang diễn ra.
Tại các quốc gia khác ở Châu Á, ví dụ như Hàn Quốc, một nền dân chủ năng động với sức mạnh dẻo dai, cũng có thể đứng vững chắc hơn. Với Tổng thống là Moon Jae-in, một cựu luật sư nhân quyền, chính phủ Hàn Quốc đã ưu tiên tăng cường thượng tôn pháp luật, bao gồm đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng sau cuộc bê bối tham nhũng của cựu Tổng thống Park Geun Hye. Hàn Quốc có thể đưa những cải cách này vào các nước như Philippines, Thái Lan, Myanmar và Malaysia, nơi mà Hàn Quốc là một nhà kinh tế lớn tiềm năng.
Và với chính phủ của Jacob Zuma, Nam Phi có thể trở lại mô hình dân chủ, vào thời điểm mà nhiều nước láng giềng Châu Phi đang vướng vào cuộc suy thoái dân chủ toàn cầu. Tổng thống mới của Nam Phi, Cyril Ramaphosa, đã thề hứa sẽ quét sạch nạn tham nhũng và củng cố luật pháp sau nhiều tham nhũng và hối lộ của cựu Tổng thống Zuma và các cộng sự của ông ta. Ramaphosa, người lên nắm quyền với tư cách là nhà lãnh đạo Nam Phi được kính trọng nhất trên thế giới kể từ thời Nelson Mandela, có thể tiếp tục con đường mà Mandela còn dang dở, bằng cách lấy cuộc vận động nhân quyền làm trọng tâm của chính sách ngoại giao. Ramaphosa có thể đẩy mạnh sự cởi mở hơn ở các quốc gia như Zambia, Tanzania và Kenya, là những quốc gia đều bị ảnh hưởng sự suy thoái dân chủ trong những năm gần đây. Nam Phi có ảnh hưởng ở cả ba nước, đặc biệt là ở Zambia, vốn phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa nhập khẩu của Nam Phi.
Cuối cùng, không một quốc gia nào trong số những quốc gia dân chủ kể trên, có thể tạo ra được nhiều ảnh hưởng như Tổng thống Hoa Kỳ có thể mang lại. Nhưng kết hợp cùng nhau, họ và các nước khác có thể là hy vọng tốt nhất cho việc thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và nền pháp trị, cũng như chống lại sự trỗi dậy của độc quyền chuyên chế toàn cầu kể từ khi Mỹ từ bỏ vai trò đó.
Tranh biếm họa thời báo Der Spiegel |