Những Khái niệm Cơ bản và Chiến lược về Đấu tranh Bất bạo động (Chương 1) (Robert L. Helvey)

Thành phần lãnh đạo cuộc tranh đấu cần phải vững tay để hệ thống hoá việc quyết định và kế hoạch theo một chiến lược rõ ràng. Chiến lược này phải khẳng định đường hướng và xác định mục tiêu của cuộc tranh đấu, nhưng đồng thời đủ uyển chuyển để thích nghi với tình hình thay đổi.








Lời giới thiệu của Robert L. Helvey:

“Nếu muốn thành công, những ai dấn thân vào một cuộc tranh đấu bất bạo động và có chiến lược để dẹp độc tài cần hiểu rõ những khái niệm về quyền lực xã hội.

Mục đích chính của cuốn ‘Những Khái niệm Cơ bản và Chiến lược về Đấu tranh Bất bạo động’ là giới thiệu những khái niệm cơ bản của việc tranh đấu bất bạo động có chiến lược cũng như những ứng dụng thực tiễn của chúng. Vấn đề là làm sao để tập hợp được quyền lực mãnh liệt của nhân dân để lật đổ một chế độ độc tài. 

Thành phần lãnh đạo cuộc tranh đấu cần phải vững tay để hệ thống hoá việc quyết định và kế hoạch theo một chiến lược rõ ràng. Chiến lược này phải khẳng định đường hướng và xác định mục tiêu của cuộc tranh đấu, nhưng đồng thời đủ uyển chuyển để thích nghi với tình hình thay đổi.

Một cuộc tranh đấu bất bạo động thành công là nhờ có lãnh đạo tốt và chiến lược đúng đắn".

Chương 1: Lý thuyết về Quyền lực Chính trị

Quyền lực chính trị là tập hợp của tất cả các công cụ, ảnh hưởng và khả năng tạo áp lực (bằng quyền hạn, ân huệ và trừng phạt) mà một tập thể hay cá nhân nắm trong tay để đạt mục tiêu của họ. Việc tạo quyền lực hầu như là một phần của bản chất con người. 

Trong một thể chế dân chủ, sự phân chia quyền lực trong một nhà nước được thực hiện qua các định chế và các chính sách. Trong chính trường, các đảng phái cạnh tranh quyền lực bằng thuyết phục và tuyên truyền với cử tri về sự ưu việt của các chính sách của họ. Các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự cạnh tranh quyền lực và tạo áp lực lên chính quyền qua dân biểu đại diện cho họ hay qua báo chí và dư luận. 

Trong một thể chế độc tài, quyền lực hoàn toàn nằm trong tay nhà nước thống trị. Nếu muốn thoát khỏi thân phận bị trị, người dân cần phải hiểu bản chất và nguồn gốc của quyền lực đó.

Theo TS Gene Sharp, chuyên gia về cách mạng bất bạo động, về cơ bản có hai loại quyền lực: quyền lực đơn nguyên (monolithic power) và quyền lực đa nguyên (pluralistic power):

I. Quyền lực đơn nguyên

Nền tảng của quyền lực đơn nguyên là một cấu trúc chính trị không thay đổi. Trong hệ thống quyền lực này, các nhân vật chủ yếu có thể thay đổi nhưng thể chế vẫn được giữ y nguyên. Lãnh đạo chính trị nơi đây có toàn quyền hành động và sử dụng quyền lực theo ý họ. Họ cũng có thể dùng những hình thức dân chủ như bầu cử (với kết quả được sắp đặt trước bằng gian lận hay chỉ cho phép ứng cử viên của họ ứng cử). Quyền lực chính trị của họ chỉ lung lay khi họ tính nước cờ sai, nhưng họ vẫn có thề dùng các lực lượng vũ trang để bảo vệ chế độ như một biện pháp cuối cùng.

II. Quyền lực đa nguyên

Quyền lực đa nguyên không bền như quyền lực đơn nguyên và luôn luôn thay đổi vì nó được phân chia trong các tầng lớp dân chúng và dân chúng chỉ trao quyền lực cho lãnh đạo qua lá phiếu của họ – đó là một hình thức uỷ thác có giới hạn.

Trong hệ thống quyền lực đa nguyên, người lãnh đạo chỉ có thể cầm quyền với sự chấp thuận và tin tưởng của người dân.

III. Nền tảng của Quyền lực - 6 nguồn chính

1. Thẩm quyền chấp chính

Trong một nền dân chủ, thẩm quyền chấp chính đến từ kết quả của một cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch. Thẩm quyền này có giới hạn về thời gian (nhiệm kỳ) và hành động (chỉ được thực hiện những chính sách mà lãnh đạo đã hứa hẹn với cử tri). Phe đối lập luôn luôn tìm cơ hội để chứng tỏ rằng chính phủ đã mất thẩm quyền chấp chính vì bất tài, tham nhũng hay thất hứa với cử tri, với hy vọng chấm dứt nhiệm kỳ của đảng cầm quyền bằng một cuộc bầu cử mới.

Với những chế độ độc tài, để nguỵ tạo thẩm quyền chấp chính, họ dùng gian lận trong bầu cử hay dùng những biến thái quái đản của bầu cử như ‘đảng cử dân bầu’ để bảo đảm rằng họ sẽ có thẩm quyền chấp chính.

Cộng đồng quốc tế cũng có ảnh hưởng đến thẩm quyền chấp chính của một chính phủ. Nếu chính phủ đó vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức chung của thế giới văn minh, cộng đồng quốc tế có thể áp dụng cấm vận về kinh tế và chính trị để trừng phạt chế độ, hay ủng hộ những phe nhóm đối kháng trong nước bằng nhiều hình thức như ngoại giao, tinh thần và cung cấp tài nguyên để tranh đấu.

2. Sự ủng hộ của dân chúng

Trong một nước dân chủ tự do, quyền lực của chính phủ tuỳ thuộc vào sự ủng hộ và tín nhiệm của dân chúng.

Trong một nước độc tài, chính phủ chỉ có thể dùng chính sách ngu dân, mị dân, lừa gạt và bạo lực để ép dân chúng phải chấp nhận quyền cai trị của họ. Một khi dân chúng nhận thức được rằng họ có quyền lực mạnh hơn chính phủ, chế độ độc tài sẽ sụp đổ.

3. Kỹ năng và kiến thức

Một chính quyền hữu hiệu cần có một đội ngũ điều hành quốc sự (cố vấn, bộ trưởng) có khả năng và đạo đức. Họ phải có trong tay một hệ thống công chức được chọn lựa theo khả năng. Trong một nền dân chủ, hệ thống công chức là phi chính trị - tức là họ phải dùng kỹ năng chuyên môn để phục vụ bất kể chính phủ nào lên cầm quyền nhằm thực hiện các chính sách như đã hứa với cử tri.

4. Tài nguyên vật lực

Một chính phủ nắm trong tay quyền kiểm soát tất cả các nguồn tài nguyên, bộ phận thông tin, các dịch vụ và phương tiện sản xuất là một chính phủ có nhiều quyền lực.

Trong một thể chế dân chủ, quyền lực đó được thể hiện qua luật pháp và hệ thống thuế để phân phối lợi nhuận cho công bằng và bảo vệ lợi ích chung của dân chúng. Trong khi đó, một chính phủ độc tài thường xem tất cả những tài nguyên vật lực đó là tài sản để phục vụ cá nhân lãnh đạo và đảng cầm quyền, còn người dân thì chỉ là công cụ chứ không phải là công dân.

5. Những yếu tố vô hình

Quyền lực cũng có mối tương quan với văn hoá và khái niệm đạo đức vì nó ảnh hưởng đến thái độ của người dân với lãnh đạo – đó là phục tòng và cam chịu hay phán xét và đối kháng.

Dĩ nhiên các thể chế quân chủ và độc tài đều muốn dân chúng xem quyền lực thống trị của họ là một trật tự được an bài. Thậm chí họ muốn đánh đồng thẩm quyền để chấp chính với thần quyền để cai trị.

Việc ĐCSTQ thành lập Viện Khổng tử khắp nơi (nay đã được ĐCSVN du nhập) là một trong những sách lược nhằm biến quyền lực cai trị của ĐCS thành một nền nếp văn hoá.

Tại VN, đảng trưởng ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng cũng từng tuyên bố rằng những ai phản đối độc quyền cai trị VN của đảng ông là “suy thoái về đạo đức” và cần được “xử lý”.

6. Sự chế tài với luật pháp

Trong một thể chế dân chủ pháp trị, luật pháp có tác dụng giới hạn sự lộng quyền của chính phủ hay không để cho các thành phần trong xã hội lấn áp lợi ích của nhau. Vì không ai được tự đặt mình bên trên luật pháp, nó là một công cụ để người dân và chính quyền kiểm soát lẫn nhau.

Một chính phủ dân cử có thẩm quyền chấp chính thường dùng luật pháp một cách công minh và nhận trách nhiệm khi sai lầm. Trong khi đó, một chính phủ độc tài thường xem luật pháp và cả hệ thống tư pháp là công cụ để bảo vệ quyền lực của họ. Vì thế họ hay ban hành những điều luật khắt khe mà theo đó những hành vi phản đối chế độ đều bị xem ngang hàng với tội ác hình sự (như Điều 258 Luật Hình sự VN). Các điều luật này thường có nội dung mơ hồ để các cơ quan tư pháp nằm trong tay chính phủ có thể suy diễn một cách tuỳ tiện nhằm trừng trị những tiếng nói đối lập.

Hết Chương 1.
(Trần Hạnh phỏng dịch và tóm tắt)
Theo FB Nga Thi Bich Nguyen

Đón đọc:
Chương 2: Rường cột của Chế độ
Chương 3: Sự Tuân phục của Quần chúng
Chương 4: Những Cơ chế và Phương sách Tranh đấu Bất bạo động
Chương 5: Giải quyết Vấn đề
Chương 6: Ước lượng Chiến lược
Chương 7: Kế hoạch Hành động
Chương 8: Chuẩn bị Tâm lý
Chương 9: Suy nghĩ Chiến lược
Chương 10: Khắc phục Sợ hãi
Chương 11: Lãnh đạo
Chương 12: Đối phó với Tạp chất
Chương 13: Vận động Cộng đồng Quốc tế
Chương 14: Tư vấn và Huấn luyện.