Những Khái niệm Cơ bản và Chiến lược về Đấu tranh Bất bạo động (Chương 3) (Robert L. Helvey)

Phong trào tranh đấu cần phải thức tỉnh nhân dân và giải thích tại sao họ cần phải quan tâm về thời cuộc vì nếu không thì họ và con cháu của họ sẽ phải làm nô lệ cho độc tài suốt đời.





 


Chương 3: Sự Tuân phục Chế độ Độc tài của Quần chúng

Bằng cách nào một lãnh tụ hay một nhóm độc tài có thể khuất phục và cai trị hàng chục triệu người?

Nói cách khác: tại sao hàng chục triệu dân dù không thích vẫn để cho một nhóm cai trị họ?

Chương này sẽ phân tích thái độ tuân phục của người dân trong một chế độ độc tài và cho thấy nó xuất phát từ thói quen, sợ hãi và tư lợi. 

Nếu không có sự tuân phục này, chế độ độc tài không thể nào tồn tại.

1. Thói quen/quán tính

Con người từ bé đã được dạy thói phục tòng cha mẹ thầy cô nên đã quen chấp nhận thẩm quyền quyết định của những ai mà họ xem là có quyền uy, dù chỉ là một biểu tượng.

Trong một chế độ độc tài, thói tuân phục được dạy dổ cho con dân từ tấm bé với các tổ chức hội đoàn với cấu trúc có thủ trưởng và thành viên. Sự phân biệt giữa hai giai cấp thống trị và bị trị được mặc định là bình thường và cần thiết cho trật tự xã hội.

Cũng như trong quân ngũ, con dân của một chế độ độc tài được luyện tập để tuân phục mệnh lệnh của lãnh đạo một cách phản xạ.

Thói quen này chỉ bớt khi người dân có nhận thức và quyết định một cách mạnh mẽ là họ sẽ không tuân phục độc tài nữa.

2. Sợ bị trù dập

Một nhà nước độc tài công an trị có thể dùng nhiều biện pháp để trừng trị những ai không tuân phục họ. Vì không bị kềm chế bởi ‘tam quyền phân lập’, nhà nước độc tài có thể tận dụng lực lượng công an hùng hậu, luật pháp tuỳ tiện và cơ chế hành chánh phân biệt đối xử để trừng trị bất cứ ai chống lại chế độ hay chỉ vì họ nói lên sự thật hay lời kêu gọi của lương tâm. Sự trừng phạt này có thể là sa thải, uy hiếp, đánh giết, tước đoạt quyền tự do, tù đày và cô lập hoá (bằng thủ đoạn hành chánh hoặc đe doạ những người chung quanh). Nhà nước độc tài cũng hay dùng biện pháp trù dập ai đó để làm gương răn đe nhiều người khác.

3. Ích kỷ

Vì lợi ích và sinh tồn của cá nhân, con dân của một nhà nước độc tài có thể tiếp tục phục vụ đắc lực trong guồng máy độc tài dù họ biết là nó xấu xa.

Chế độ độc tài cũng biết cách ban ân huệ cho những ai trung thành với họ. Với những nước độc đảng lãnh đạo thì tư cách đảng viên là cách duy nhất để chóng thăng quan tiến chức. ‘Sổ hưu’ cũng là một sợi dây lệ thuộc để trói cán bộ công chức vào guồng máy độc tài.

Với đông đảo dân chúng thì khộng bị công an sách nhiễu đã là một ân huệ.

Bộ máy nhà nước luôn tuyên truyền về cái gọi là “công ơn” của đảng cầm quyền để dân chúng có cái mặc cảm là họ phải hàm ơn tất cả những gì tốt đẹp hay ít nhất là không xấu trong cuộc sống của họ, và nếu không có chế độ độc tài thì số phận của họ sẽ xấu hơn.

Phong trào tranh đấu không nên lên án tất cả những ai phục vụ chế độ vì miếng cơm manh áo. Thử thách của phong trào tranh đấu là làm sao để người dân nhận thức được rằng trong trường kỳ, thân phận của họ và con cháu họ sẽ khá hơn trong một thể chế dân chủ tự do và công bằng.

4. Ràng buộc đạo đức

Một nhà nước độc tài biết là họ không thể dựa vào một chủ nghĩa để buộc dân chúng phải tuân phục nên họ dùng bình phong là những giá trị truyền thống cao cả để biện minh cho tư cách cầm quyền của họ - tỉ như tự ban cho cho họ hào quang của các khái niệm “chống ngoại xâm”, “giải phóng đất nước”, “anh minh vĩ đại”, “đỉnh cao trí tuệ”, và khuyến khích nhân dân nên có “tinh thần tập thể”, “uống nước nhớ nguồn”, v.v…

Trong thập niên gần đây, việc ĐCSTQ thành lập nhiều Viện Khổng Tử ở nước ngoài cũng là một trong những ‘sáng kiến’ nhằm đánh đồng quyền lực thống trị của ĐCS với nền đạo đức truyền thống.
Thói ‘bầy đàn’ đóng một vai trò quan trọng trong sự ràng buộc của tập thể này.

5. Thần thánh hoá lãnh tụ

Các chế độ độc tài đều dựng nên hình ảnh của một lãnh tụ toàn năng. Họ dùng đủ cách thổi phồng, nguỵ tạo và thần thoại hoá nhân cách của lãnh tụ. Khi lãnh tụ của họ chết, họ hay ướp xác để người dân luôn có một sự nhắc nhở.

Về mặt này, độc tài CS rất giống những triều đại vua chúa vốn xem sự thống trị của mình là một thần quyền đã được Tạo hoá an bài.

Cách duy nhất để hoá giải tâm lý lạc hậu này là phơi bày sự thật để vô hiệu hoá sự tuyên truyền của nhà nước.

6. Tâm lý bầy đàn ‘về phe’ với kẻ thống trị

Con người thường thích đứng về phe mạnh hay phe thắng cuộc. Với những dân tộc vừa trải qua chiến tranh, sự kết nối và đồng cảm với bên thắng cuộc là lẽ thường.

Phong trào tranh đấu cần phải thuyết phục dân chúng rằng cái gọi là “công lao cách mạng” và “giải phóng đất nước” của chế độ chỉ là những chiêu bài để họ thống trị và cai trị. 

7. Vô cảm/Thụ động

Sự bất lực của người dân trong một chế độ toàn trị khiến cho người dân mất tự tin và không cho rằng họ có chút quyền lực hay quyền lợi nào cả. Họ biện minh cho thái độ thụ động của họ bằng nhiều cách và muốn thấy ai cũng thụ động như họ.

Phong trào tranh đấu cần phải thức tỉnh nhân dân và giải thích tại sao họ cần phải quan tâm về thời cuộc vì nếu không thì họ và con cháu của họ sẽ phải làm nô lệ cho độc tài suốt đời.

8. Thiếu tự tin

Nền giáo dục ngu dân và mị dân của chế độ độc tài làm cho dân chúng mất tính độc lập, tự tin và tự chủ. Với họ, việc thử thách vai trò thống trị của đảng thống trị là chuyện không tưởng. Sự thụ động của họ đến từ một hỗn hợp của tin phục và sợ hãi.

Phong trào tranh đấu cần phải phục hồi sự tự tin của nhân dân, giúp họ tin rằng họ có đủ thẩm quyền và trí năng để phán xét lãnh đạo cũng như đảng thống trị.

 The Albert Einstein Institution
http://www.aeinstein.org/wp-content/uploads/2013/09/OSNC.pdf
(Trần Hạnh diễn dịch và tóm tắt)
FB Nga Thi Bich Nguyen