“Gỗ chứ không phải cây kim” (Thanh Niên)

Để bảo vệ rừng, không chỉ có lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, mà còn có cả chính quyền xã, huyện, lực lượng công an tham gia tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tại các vị trí xung yếu. Thế nhưng, không hiểu vì sao và bằng cách nào, những cây gỗ lớn vẫn bị đốn hạ và những tấm gỗ xẻ vuông vức vẫn thong dong về xuôi, y như chuyện đùa kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”. 
 
 
Hàng chục cây gỗ lim xanh, chò, xoan đào, trám nằm tít tận trong những khu rừng nguyên sinh trên dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc huyện Nam Giang và Đông Giang (Quảng Nam) bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc, mà Thanh Niên phản ánh, dù được bảo vệ nghiêm ngặt, đặt ra nhiều dấu hỏi cho công tác bảo vệ rừng.
 
Hai vụ phá rừng nghiêm trọng ở H.Đông Giang và H.Nam Giang diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, vừa được các cơ quan chức năng phát hiện trong những ngày cuối tháng 3.2018, với hàng trăm khối gỗ bị xẻ thịt, như những cái tát mạnh để lại vết hằn sâu trên những cánh rừng nguyên sinh, làm xói mòn niềm tin của người dân với các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý rừng. Thật vậy, với 242 vụ vi phạm lâm luật chỉ ở một tỉnh Quảng Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 bị phát hiện, không biết bao nhiêu cây gỗ rừng ở Quảng Nam đã bị xâm hại, khiến nhiều người không khỏi âu lo cho số phận những cánh rừng còn sót lại, dù cửa rừng đã đóng từ lâu!

Để bảo vệ rừng, không chỉ có lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, mà còn có cả chính quyền xã, huyện, lực lượng công an tham gia tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tại các vị trí xung yếu. Thế nhưng, không hiểu vì sao và bằng cách nào, những cây gỗ lớn vẫn bị đốn hạ và những tấm gỗ xẻ vuông vức vẫn thong dong về xuôi, y như chuyện đùa kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”. 
 
Nói là “voi” cũng không sai khi chứng kiến cảnh một chiếc xe tải vận chuyển nguyên một cây gỗ rất lớn, đàng hoàng vượt hàng trăm cây số, qua nhiều trạm kiểm soát trên tuyến quốc lộ, để rồi tập kết tại nhà đại gia hay quan chức nào đó. 
 
Tháng 10.2017, tại Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những yếu kém trong công tác bảo vệ rừng và cho rằng “gỗ chứ không phải cây kim mà chính quyền bảo không biết có phá rừng”.

Rõ ràng, lỗi đầu tiên thuộc về cấp cơ sở. Bởi ngay từ đầu, nếu chính quyền cơ sở ở xã, ở thôn phát hiện, mạnh tay, quyết liệt xử lý, đẩy đuổi và báo cáo kịp thời, cũng như trách nhiệm của kiểm lâm phụ trách địa bàn thì việc phá rừng thì máu của những cánh rừng kia đâu dễ chảy tràn?
 
Cần nhanh chóng khởi tố vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng trực tiếp phá rừng, những người chủ mưu. Cũng cần điều tra làm rõ có hay không chuyện bao che, bảo kê dung túng của cá nhân, hay tập thể các đơn vị được giao bảo vệ rừng, nhưng trên thực tế lại tiếp tay để phá rừng. Không để lệnh đóng cửa rừng đã có, nhưng gỗ rừng cứ tiếp tục về xuôi.
 
Hữu Trà