Tác giả Mỹ: ‘Có một sự kiểm duyệt kỳ dị ở Việt Nam’ (VOA)
Những chỉ trích của tướng Võ Nguyên Giáp đối với dự án khai thác
bauxite của Trung Quốc và tình yêu nước Mỹ của điệp viên Cộng sản Phạm
Xuân Ẩn bị cắt bỏ hoàn toàn khỏi một cuốn sách của một nhà văn Mỹ, qua
sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.
Cả tướng Giáp và ông Ẩn đều chỉ trích Đảng Cộng Sản, theo nhà văn
Thomas Bass – hiện là giáo sư Báo Chí và Văn Chương Anh tại Đại học
Albany, New York; và những điều đó đều biến mất khỏi tác phẩm của ông
(“The Spy Who Loved Us” – Người Điệp Viên Yêu Chúng Ta) khi nó được dịch
sang tiếng Việt và xuất bản ở trong nước dưới cái tên “Điệp viên Z21 –
Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.”
Đây là cuốn sách thứ 2 trong 3 cuốn về Việt Nam của nhà văn chuyên
viết về văn hóa và lịch sử. “The Spy Who Loved Us” được xuất bản năm
2009 bằng tiếng Anh và 5 năm sau được ra mắt trong nước, bằng tiếng
Việt, với tựa đề “Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.”
Sự méo mó của phiên bản tiếng Việt về điệp viên Phạm Xuân Ẩn so
với nguyên bản tiếng Anh đã khiến tác giả tìm hiểu và viết thêm một cuốn
sách khác: “Censorship in Vietnam: Brave New World” (Kiểm duyệt ở Việt
Nam: Thế giới can đảm mới).
Tướng Giáp cũng biến mất
Hãy bắt đầu với “The Spy Who Loved Us”. Đầu những năm 1990, nhà văn Bass gặp người điệp viên Phạm Xuân Ẩn, nổi tiếng với vỏ bọc một phóng viên của tạp chí Time trong thời gian chiến tranh Việt Nam, nhiều lần trong suốt thập kỷ ‘90 cho đến những năm 2000.
Trong những lần nói chuyện riêng tại nhà ông Ẩn ở thành phố HCM có
cảnh sát túc trực bên ngoài, ông Ẩn cho nhà văn người Mỹ biết ông được
đọc 2 bức thư của tướng Giáp viết trước khi mất để phản đối vụ khai thác
mỏ bauxite của Trung Quốc ở Tây Nguyên.
“Tướng Giáp gần như biến mất (khỏi cuốn sách). Ông ấy không được sủng
ái vì có thể ông ấy được cho là quá thân phương Tây và có quan điểm
chống lại khai thác bauxite của Trung Quốc và bởi vì ông ấy chỉ trích
Đảng Cộng Sản. Nên vào thời điểm ông ấy qua đời, ông bị coi là
‘political hot potato (vấn đề chính trị gây tranh cãi) theo cách nói của
người Mỹ.” Theo lời Giáo sư Bass.
Những phần ông Ẩn, người bị nằm dưới sự theo dõi của chính phủ Việt
Nam trong thời gian gặp gỡ ông Bass và nhiều vị khách nước ngoài khác
tới thăm, đưa ra quan điểm về Đảng Cộng sản và tham nhũng cũng bị cắt bỏ
khỏi cuốn sách.
“Phạm Xuân Ẩn chỉ trích nặng nề Trung Quốc và vai trò của họ trong
nền văn hóa Việt Nam. Tất cả những cái đó biến mất khỏi cuốn sách. Và
tất nhiên bất cứ chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản đều bị kiểm duyệt
trực tiếp. Và những thảo luận của ông về ý định đưa dân chủ hay bất cứ
dạng quyền lực chính trị nào vào Việt Nam cũng bị trực tiếp cắt bỏ.” Vẫn
theo lời tác giả Thomas Bass.
“Ẩn không được phép yêu nước Mỹ”
Mặc dù hoạt động tình báo cho chính phủ Cộng sản Bắc Việt nhưng Phạm
Xuân Ẩn lại “cởi mở với văn hóa Mỹ và đề cao sự tự do của nền dân chủ
Mỹ,” theo nhà văn Bass, người mất 10 năm để viết về ông Ẩn trong cuốn
“Người điệp viên yêu chúng ta.”
Ông Bass phân tích: “Phạm Xuân Ẩn không được phép yêu nước Mỹ.
Ông ấy không được phép ngưỡng mộ nước Mỹ hay tôn trọng nước Mỹ theo bất
cứ cách nào. Tất cả những cái đó bị cắt bỏ. Cắt hết.”
Phạm Xuân Ẩn, người được coi là một trong những điệp viên giỏi nhất
trong lịch sử thế giới, theo lời của giáo sư Bass, được đào tạo đầu tiên
bởi điệp viên người Mỹ lừng danh, Edward Lansdale, và sau đó theo học
tại một trường ở California nên ông ấy “rất yêu văn hóa Mỹ.”
Đó là lý do vì sao Thomas Bass đặt tên cho cuốn sách là “Người điệp viên yêu chúng ta,” và “chúng ta” ở đây là Mỹ.
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông Ẩn đã rất hy vọng được
chuyển sang Mỹ sinh sống nhưng bị Bộ Chính trị ngăn cản. Đó là phần bị
kiểm duyệt trong một cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn do Larry Berman, một
giáo sư người Mỹ của Đại học tiểu bang Georgia, viết.
Theo những tài liệu của WikiLeaks, cuốn sách của Berman có tên
“Perfect Spy” (Điệp viên hoàn hảo) cũng bị kiểm duyệt gắt gao và quyết
định có nên xuất bản cuốn sách của Berman hay không đã lên đến tận Thủ
tướng chính phủ. Nhưng ông Berman phủ nhận điều đó, theo giáo sư Bass.
Theo ông Bass, những nỗ lực kiểm duyệt này “nhằm làm bình thường hóa hình ảnh ông Phạm Xuân Ẩn.”
“Có những nỗ lực để loại bỏ sự hài hước dí dỏm trong ông ấy, loại bỏ
tình yêu nước Mỹ của ông ấy hay công việc làm báo của ông ấy. Những nỗ
lực nhằm loại bỏ tất cả những điều đó để làm cho ông ấy trở thành một
đảng viên Cộng sản tốt mà thực tế ông ấy chưa bao giờ là vậy.”
Nhưng nhà văn Bảo Ninh đã nhận ra những kiểm duyệt trong cuốn sách
của ông Bass xuất bản ở Việt Nam. “Bảo Ninh biết chính xác đoạn nào đã
bị can thiệp,” ông Bass nói.
Kiểm duyệt ‘kỳ dị’
Kiểm duyệt đang trở nên tệ hại hơn ở Việt Nam, theo giáo sư Bass. Ông cho rằng điều này đang làm hủy hoại nền văn hóa Việt Nam bởi nó “làm thụt lùi lịch sử và thời gian.”
Sự kiểm duyệt ở Việt Nam thật là “kỳ dị” khi chính quyền kiểm duyệt tất cả mọi thứ, ông Bass nói.
Sau khi phiên bản tiếng Việt cuốn sách của ông ra mắt với cái tên
“Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ,” một cái tên mà ông nói
“không biết họ lấy đâu ra và dường như Z21 là bí danh của ông Ẩn,” giáo
sư Bass quyết định quay về Việt Nam để tìm gặp những người đã “kiểm
duyệt” sách của ông và tìm hiểu quá trình kiểm duyệt ở Việt Nam diễn ra
như thế nào và tại sao phải mất đến 5 năm để biên dịch cuốn sách của
ông.
Cuốn sách của ông bị cắt đến hơn 400 đoạn và nhiều cái tên đã biến
mất khỏi cuốn sách, trong đó nhà báo Bùi Tín, hiện đang sinh sống ở
Paris, Pháp, đã hoàn toàn không còn trong đó nữa.
Nhã Nam và Hồng Đức là hai công ty chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách này.
VOA đã không nhận được phản hồi yêu cầu bình luận về việc kiểm duyệt cuốn sách của giáo sư Bass trong quá trình xuất bản.
Nhã Nam là một nhà xuất bản độc lập và trong con mắt của tác giả Bass
là “tốt” nhưng vì “họ hoạt động trong nền văn hóa Việt Nam nên không có
lựa chọn nào khác là phải kiểm duyệt sách.”
Ông Thomas Bass là một nạn nhân tại vì ông đã bị kiểm duyệt khá nhiều
với những cuốn sách của ông in ở Việt Nam. Khi người ta cắt gọn bản
thảo thì ông không còn nhận ra cuốn sách của mình nữa.” Đó là nhận định
của Tiến sỹ và nhà báo độc độc lập Phạm Chí Dũng, một trong 5 người mà
ông Bass gặp gỡ và đưa những nhận định của họ vào cuốn sách thứ 3 của
ông về kiểm duyệt ở Việt Nam ra mắt năm 2017 với tên “Censorship in
Vietnam: Brave New World” (Kiểm duyệt ở Việt Nam: Thế giới can đảm mới)
Sau khi tìm hiểu để viết cuốn sách “Kiểm duyệt ở Việt Nam”, giáo sư
Bass nhận thấy “Việt Nam có một mạng lưới chỉ để làm những công việc
kiểm duyệt” nhưng ông “không thể biết có bao nhiêu người đã tham gia
kiểm duyệt cuốn sách” của mình.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, người giúp giáo sư Bass xuất bản phiên bản
tiếng Việt không bị kiểm duyệt của cuốn “Người điệp viên yêu chúng ta”
bên ngoài Việt Nam qua mạng internet, cho rằng cuốn sách thứ 3 của ông
là “chân dung truyền thần sinh động về bộ mặt kiểm duyệt ở Việt Nam” và
nó “thật đến mức khó chịu.”
Nhà văn bị cấm xuất bản ở Việt Nam và đang sinh sống ở Berlin, Đức,
cho rằng cuốn sách này “bao quát hiện tượng kiểm duyệt, phác họa cấu
trúc và các hình thái của kiểm duyệt, tìm hiểu bối cảnh của kiểm duyệt
và miêu tả chi tiết kiểm duyệt diễn ra như thế nào.
"Vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu và đó là một vết
hằn của chế độ, đặc biệt là chế độ độc tài, chế độ một đảng. Việc này
cho tới nay không những không giảm đi mà lại còn có chiều hướng gia
tăng.” Nhận định của ông Phạm Chí Dũng.
Chế độ kiểm duyệt đã ăn sâu vào bản chất của chế độ này và gần đây
còn có một hiện tượng đáng lo nữa là không những kiểm duyệt hệ thống báo
chí quốc doanh và văn học nghệ thuật quốc doanh mà chính quyền còn lấn
sang kiểm duyệt đối với các nhà mạng của nước ngoài có hoạt động ở Việt
Nam, theo nhà báo Phạm Chí Dũng.
Giáo sư Bass nhận định “Việt Nam thực chất đã hủy nền văn hóa của họ
và hạn chế rất lớn đến sức tưởng tượng và tiềm năng văn hóa thông qua sự
kiểm duyệt. Tôi nghĩ nó ảnh hưởng tệ hại tới nền văn hóa Việt Nam.”
Có bao nhiêu người trên thế giới đang chú ý đến sự kiểm duyệt. Nó là
một vấn đề đang trở nên nghiêm trọng. Nó là một vấn đề đối với bất kỳ
nền văn hóa nào và khu vực nào trên thế giới.
Giáo sư Bass hy vọng cuốn sách về “Kiểm duyệt ở Việt Nam” sẽ là một
chút đóng góp của ông vào việc lưu tâm đến mọi người rằng “kiểm duyệt”
là một lực lượng nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế
giới.