Huế 1968 - thảm khốc và hy vọng (Nhã Ca)
Ngay
sáng đầu năm, khi chạy ngoài đường, tôi thấy những người lính miền Bắc
mặc quân phục mang súng AK hoặc ống thép gắn đạn gọi là B40. Thời đó,
quân chính quy miền Bắc xâm nhập đã được trang bị hai loại vũ khí Liên
Xô tối tân này, trong khi quân đội VNCH chưa có loại tương đương.
Sau trận Tết Mậu Thân, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chiếm lại được một thành Huế tan hoang.
Bên cạnh việc dọn dẹp, tái thiết thành phố, những hố chôn người tập thể dần dần được phát hiện.
Trong số những tin tức, tường thuật, phóng sự, ghi chép được đăng tải ở miền Nam Việt Nam về 'thảm sát ở Huế' khi đó, bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca đã gây choáng váng dư luận. Một phần của sách sau này được dựng thành phim "Đất Khổ", với Trịnh Công Sơn vào vai chính, người con nhạc sĩ Huế.
Tác
giả cuốn sách nói bà đã có mặt tại cố đô trong những ngày Tết Mậu Thân,
tận mắt chứng kiến và trực tiếp nói chuyện với các nhân chứng về cuộc
giao tranh, về các cuộc bắt bớ, về những nấm mồ tập thể...
Cuốn
sách bị cấm lưu hành tại Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ. Tác giả cùng
chồng bị bắt giam, nhà cửa tài sản bị tịch thu. Là cây bút nữ duy nhất
trong số cả trăm nhà văn nhà báo Saigon bị cầm tù, 14 tháng sau bà được
phóng thích cùng 21 đồng nghiệp.
Nhân 50 năm trận chiến 1968, BBC phỏng vấn nhà văn miền Nam, người đã trực tiếp sống và viết với Huế Tết Mậu Thân.
Thành phố Huế tan hoang trong trận Tết Mậu Thân 1968
Nhã Ca : Là kẻ sống sót sau tàn sát thời chiến và tù đày hậu chiến, tôi luôn tin vào tương lai của Huế, tương lai Việt Nam.
Tôi
tin vào tình yêu, tình người, tình gia đình, và tin là người Việt mình
từng biết thế nào là ăn ở tử tế. Như Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã dạy, tôi
tin dân tộc mình cũng là một gia tộc. Anh em, con cháu một nhà có thể
bất hòa hoặc tranh chấp, nhưng rồi sau cùng, tất cả cũng vẫn phải về
đứng bên nhau trước bàn thờ chung trong ngày giỗ gia tiên.
Tại
Huế cũng như tại Việt Nam, từ bao năm qua, mọi hình thức tập họp của
dân chúng, dù chỉ tại đền chùa để tưởng niệm cầu siêu cho những hồn oan
trong cuộc chiến, vẫn tiếp tục bị ngăn chặn và trấn áp thô bạo.
Với
chính quyền trong nước, trận chiến Tết Mậu Thân đến nay vẫn chỉ là thứ
đại lễ mừng chiến thắng. Năm mươi năm rồi vẫn vậy. Nhưng dù bao lâu đi
nữa, vết thương vẫn sẽ đến lúc buộc phải mở ra chữa trị.
Một
thế hệ hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn, sẽ biết cách thu xếp gánh nặng
ông cha họ bỏ lại. Niềm tin ở một Việt Nam tương lai và một Huế tương
lai cho tôi hy vọng ấy.
BBC : Là
người có mặt tại Huế trong thời gian xảy ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân,
lúc nào là thời điểm bà nhận ra lực lượng cộng sản đã vào chiếm thành
phố ?
Nhã Ca : Cuộc
tấn công bắt đầu lúc nửa đêm về sáng ngày mồng Một Tết. Với người dân
tại miền Nam như tôi, đó là một đêm hưu chiến vốn vẫn được các phe tôn
trọng nhiều năm trước.
Riêng
Tết Mậu Thân, còn có tin phía Hà Nội và Mặt Trận Miền Nam xác nhận
không chỉ hưu chiến ba ngày Tết như mọi năm, mà sẽ ngưng bắn luôn bảy
ngày để đồng bào an tâm mừng Tết dân tộc.
Đêm
Tết năm ấy pháo nổ ran khắp nơi. Tiếng súng thoạt đầu có thể lẫn vào
tiếng pháo. Nhưng với gia đình tôi thì không thể lẫn được, vì súng nổ
ngay trong vườn nhà, nghe buốt tai, buốt óc. Một người em bảo đó là
tiếng súng AK, bọn họ đầy vườn.
Ngay
sáng đầu năm, khi chạy ngoài đường, tôi thấy những người lính miền Bắc
mặc quân phục mang súng AK hoặc ống thép gắn đạn gọi là B40. Thời đó,
quân chính quy miền Bắc xâm nhập đã được trang bị hai loại vũ khí Liên
Xô tối tân này, trong khi quân đội VNCH chưa có loại tương đương.
Nghe
AK tróc tróc, nghe B40 ình ình rồi nhìn xe tăng phía VNCH và Mỹ bị bắn ở
An Cựu, tôi được biết lực lượng cộng sản đã vào chiếm thành phố.
BBC : Bà đã trực tiếp nhìn thấy hoặc gặp gỡ những cảnh, những người như thế nào, đã chứng kiến chuyện gì trong những ngày đó ?
Nhã Ca : Ngay
khi phải ra khỏi nhà, tôi thấy bên đường đầy xác người. Trong số người
gục chết, có những bà mẹ mang áo dài, những cô gái mang áo mầu ngày Tết,
có cả từng khúc chân tay người vương vãi.
Cùng
đoàn người chạy giữa lằn đạn, tôi từng thấy chính mình ngộp ngụa trong
máu khi bị xô đè bởi xác người vừa bị bắn đổ xuống, có lần không phải
người, mà là một con chó không biết từ đâu tới. Xin lỗi lỡ lời là bị xô,
bị đè. Lẽ ra, phải nói là được che phủ, che chắn, vì sau cùng tôi thấy
mình sống sót.
Cung An Định bốc cháy trong những ngày Tết Mậu Thân - một cảnh trong phim Đất Khổ
Trong
cảnh bom đạn chớp lóa, tôi thấy Cung An Định của bà Hoàng Thái Hậu bốc
cháy, thấy Bà Từ Cung mẹ Vua Bảo Đại mặc áo gấm đeo trên lưng một người
không biết nam hay nữ. Từ cầu thang cung điện ngộp khói lửa lao xuống,
đoàn người theo phò bà Thái Hậu luôn miệng hô "Ngài Ngự, Ngài Ngự", đạp
cả lên đầu đám dân đang núp đạn để chạy.
Tuy
là Phật tử nhưng từ chiều tối mùng Một Tết, nơi đầu tiên chúng tôi tới
được lại là một nhà thờ Thiên Chúa. Đó là khu Dòng Chúa Cứu Thế nổi
tiếng ở Huế.
Nhà
thờ liên tiếp bị tràn ngập bởi cả người sống lẫn người chết. Không biết
cơ man nào là người. Trong nhà giảng, ngay trên bệ thờ cao, bên chân
tượng Chúa Cứu Thế, người lớn con nít nằm ngồi chen chúc. Khu nhà ngang
đầy người bị thương và xác chết.
Từ
mọi xó xỉnh trong nhà thờ tới hang đá ngoài sân, đủ thứ chuyện xẩy ra,
lẫn lộn. Mọi lằn ranh hầu như bị xóa nhòa. Sự chết, sự sống không ngừng
bị chấn động, biến hiện. Có bà mẹ ôm chặt bọc tã giấu xác con thơ đã bốc
mùi. Có bà mẹ trở dạ và em bé sơ sinh chào đời.
Đó
là cả một thế giới thu nhỏ bị dìm vào cuộc chiến. Không chỉ gia đình
tôi, đồng bào tôi mà cả những người da trắng, tiêu biểu là hai người
Pháp, một nam một nữ cầm cờ trắng ghi chữ "Báo Chí", cũng đã bị đưa đẩy
tới đây.
Đó
là sơ lược cảnh tượng ba ngày Tết Mậu Thân tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu
Thế mà tôi đã chứng kiến, đã viết trong sách và dựng lại trong phim.
BBC : Bà
nhắc tới hai nhà báo Pháp. Tâm trạng của bà khi thấy họ và trong suốt
thời gian có giao tranh tại Huế ra sao ? Bà cũng nói đã trực tiếp nhìn
thấy binh sĩ Cộng sản. Bà có suy nghĩ, tiếp xúc, và đã viết về họ ?
Nhã Ca : Khi
hai nhà báo Pháp cầm cờ trắng vào nhà thờ, tôi nghe Cha quản nhiệm nhà
thờ nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp nhưng tự mình thì không tiếp xúc
mà chỉ nhìn.
Nhà
báo nữ nhỏ thó, dù mặt mũi thất thần, đã nhanh chóng cầm lại máy ảnh
hành nghề. Cô chụp người bị thương, em bé nhay vú mẹ cạn sữa, chụp sản
phụ, hài nhi. Ống kính có đưa về phía tôi cùng nụ cười làm thân nhưng đã
bị cản lại.
Hình
như chính hình ảnh cô lúc ấy nhắc tôi nhớ mình là người cầm bút. Không
có ống kính máy ảnh như cô, nhưng vẫn có thể ghi những hình ảnh tức thì
bằng tai, bằng mắt để sẽ viết. Dù sao, việc viết sách, làm phim là một
tiến trình dài.
Một
phần cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế đã được dựng thành phim Đất Khổ, với sự
tham gia diễn xuất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, đệ nhất đào thương Bắc Kỳ
di cư 1954 Bích Hợp, kỳ nữ Kim Cương, nhạc sỹ Lê Thương và nhiều gương
mặt nổi tiếng khác. Trong hình là một cảnh đêm giao thừa trong phim với
Jerry Liles, Trịnh Công Sơn và Vân Quỳnh
Sau
trận chiến 26 ngày tại Huế, sống sót trở về Sài Gòn, tôi biết tên cô
phóng viên người Pháp là Catherine Leroy, từng bị cộng sản bắt giữ tại
Huế trong Tết Mậu Thân nhưng thoát nạn. Tấm hình cô chụp hai chàng lính
miền Bắc sau đó xuất hiện trên bìa báo Life với tựa đề "Một Ngày Đáng
Nhớ. Kẻ thù để cho tôi chụp hình".
Kẻ
thù ư ? Không. Không phải vậy. Hai chàng lính trẻ trong hình và những
bộ đội miền Bắc khác, với cô cũng như với những người dân miền Nam như
tôi không hề là kẻ thù của nhau. Giữa binh sĩ hai miền cũng vậy. Nơi họ
bị đẩy đến, thay vì để giết và bị giết, lẽ ra phải là để được quen biết,
để yêu và được yêu.
Chuyện
Huế Tết Mậu Thân đầu tiên tôi đã viết và in là "Tình Ca Trong Lửa Đỏ".
Đó là chuyện tình yêu giữa chàng lính trẻ miền Bắc dễ thương với một cô
gái Huế.
Để
biết nhân vật chàng lính Bắc ra sao trước khi bị đẩy vào "chiến trường
B", ngay trong năm 1968, tôi đã có dịp trực tiếp thăm hỏi một số chiến
binh miền Bắc trong cuộc tổng tấn công, những người đã rời bỏ cộng sản
và đang sống tại hải ngoại mà tôi có gặp lại sau này.
Sau
đó tôi còn quay lại Huế nhiều lần, đứng với những hình ảnh được khai
quật từ các hầm chôn người, dự các đám tang tập thể, cúng giỗ và có thêm
8 truyện ngắn viết cho Huế đổ nát, đau thương.
Riêng "Giải Khăn Sô Cho Huế", một bút ký chạy loạn, kể những chuyện tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy.
BBC : Cuốn
"Giải Khăn Sô Cho Huế", như bà nói là viết chuyện tai nghe mắt thấy khi
chạy loạn. Vậy các thông tin nêu trong đó, như các tên tuổi, địa danh,
con số... có độ chính xác, xác thực đến đâu ? Đã từng có ai được nhắc
tới trong cuốn sách lên tiếng phản bác một phần hay toàn bộ nội dung hay
không ? Nếu có, thì những phản bác đó là gì, và bà đã tiếp nhận, phản
hồi ra sao ?
Nhã Ca : Đây
chỉ là bút ký, không phải sách nghiên cứu văn chương hay lịch sử, không
có loại thông tin sử địa hay con số để đo độ chính xác. Chuyện tai nghe
mắt thấy xác thực đến đâu là tùy phán đoán của người đọc hoặc sự đánh
giá của các nhà phê bình, nghiên cứu.
Khi
cùng các bạn văn nghệ sĩ Sài Gòn đi tù, có lần được công an cộng sản áp
tải vào "Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy", đối diện với sách vở miền Nam
bị đóng đinh trưng bầy, trong đó có cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế được treo
cao, chúng tôi đã đứng yên, nhìn thẳng, lặng lẽ chào tác phẩm của mình
và bạn hữu.
Sách
đã có đó, nhìn nhận nó như thế nào không còn là phần của người viết.
Xin lãnh nhận mọi phần số thử thách. Cám ơn và lặng lẽ là đủ.
BBC : Theo bà, người Việt Nam học được gì khi đối diện với các vấn đề lịch sử có ít nhất ba bên, trong đó mỗi bên nói một cách ?
Mourning
Headband for Hue, bản tiếng Anh của Cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế do dịch
giả Olga Dror (bìa trái) chuyển ngữ, ra mắt hồi 2/2015 và là đề tài hội
thảo tại Đại Học Berkeley, California
Nhã Ca : Chắc
sẽ học được điều hay, chọn được cái tốt nhất. Trước mọi vấn đề, nếu
được tiếp cận và chọn lựa giữa những thông tin đa chiều -"ít nhất ba
bên, mỗi bên nói một cách" - thì đó là cơ hội tốt để nhận thức, chọn
lựa.
Nhìn
lại Việt Nam và các nước cùng cảnh ngộ một thời, sẽ thấy "Ba mươi năm
nội chiến từng ngày" chỉ là một cuộc chiến oan nghiệt. Không cần có.
Không đáng có. Càng không đáng kéo dài. Vậy mà ngay cả khi bom đạn đã im
tiếng, đủ loại vết thương có thật từ cuộc chiến vẫn tiếp tục không được
mở ra để chữa trị.
Trong
lịch sử Hoa Kỳ, hai năm trước khi Nội Chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, Tổng
Thống Abraham Lincoln đã chỉ định "ngày tủi nhục quốc gia" cho nước Mỹ,
ngày 30/3/1863. Trong ngày đó ông kêu gọi cả nước cùng nhận chung "tội
lỗi dân tộc của chúng ta", cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự khoan dung,
tha thứ.
Nội
Chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào tháng 4/1865. Tất cả tướng tá binh sĩ phe bại
trận được giữ tài sản riêng, kể cả súng cá nhân, khi trở về quê quán
làm ăn. Lá cờ, tượng đài và nghĩa trang miền Nam bại trận được tôn
trọng. Không thấy có người tù đày hay vượt biển. Nước Mỹ mau chóng hàn
gắn vết thương, và vững mạnh.
Tháng Tư 1865 của nước Mỹ cách tháng Tư 1975 của Việt Nam 110 năm.
Nước
Mỹ đã bắt đầu hàn gắn vết thương ngay sau cuộc chiến. Còn ở Việt Nam,
chúng ta đã chờ thêm 43 năm mà vẫn chưa thấy sự hòa giải thực sự. Đó là
sự khác biệt dễ thấy.
Lịch
sử nhân loại cho thấy mọi cuộc chiến đều yên nghỉ khi được nhìn nhận
đúng vị trí của nó, và cuộc sống tiếp tục. Tôi tin sự khôn ngoan của
nhân loại. Tôi tin dân tộc tôi từng biết thế nào là truyền thống, là văn
hóa, lịch sử. Và tôi luôn vững tin rồi sẽ có một bó nhang chung, một
bàn thờ chung, một ngày giỗ chung.
Nguồn : BBC, 26/02/2018
Nhà
văn Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại Huế. Hiện
sống tại Hoa Kỳ, bà là nhà văn miền Nam đã viết hơn 40 cuốn sách về
Cuộc chiến Việt Nam. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong tháng 2/2018,
nhân 50 năm trậnTết Mậu Thân.