Xử ông Thăng nhưng có 'xử được cơ chế'? (BBC)
Cá nhân tôi cho rằng ngoài ông Đinh La Thăng và ông
Trịnh Xuân Thanh thì những ông như Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn phải chịu
trách nhiệm với vai trò là thủ tướng điều hành trong giai đoạn này.
Những 'khác thường' trong phiên tòa xử các ông Đinh La Thăng và Trịnh
Xuân Thanh cho thấy có dấu hiệu vụ xử nhận 'sự chỉ đạo' về chính trị,
theo một số luật sư.
Từ Sài Gòn, luật sư Đặng Đình Mạnh, chủ nhiệm Văn phòng luật sư cùng
tên, bình luận với BBC về các mức án mà Viện Kiểm sát nhân dân TPHN đề
nghị với các ông Đinh La Thăng (14-15 năm) và ông Trịnh Xuân Thanh
(chung thân) cho các tội danh mà các ông bị buộc tội:
"Đối
với mức đề nghị hình phạt của cơ quan công tố, chúng tôi không quá ngạc
nhiên. Mức đề nghị như vậy là hoàn toàn phù hợp với những diễn biến
trong phiên tòa cũng như theo cáo trạng mà Viện kiểm sát đã công bố tại
tòa.
"Giới làm luật và giới thực hành về pháp luật, nhất là
giới luật sư chúng tôi rất quan tâm và chú ý đến vụ án này, bởi lẽ đây
có lẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam có những vụ án mà đã được thu xếp để
điều tra, sau đó lập cáo trạng và đưa ra xét xử với thời gian ngắn kỉ
lục. Nhất là với một vụ án được mệnh danh là "đại án", thì đây phải nói
là một việc rất khác thường.
"Nó làm dấy lên một mơ hồ hi vọng
rằng đây sẽ là một khởi đầu để tất cả các cơ quan tố tụng từ nay về sau,
tất cả các vụ án sẽ theo một trình tự nhanh chóng như vậy. Nếu được như
vậy thì nền tư pháp Việt Nam sẽ tiến bộ rất nhanh.
"Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đây cũng chỉ là niềm hi vọng mơ hồ chứ
không biết thật sự những vụ án khác liệu có được giải quyết theo trình
tự thời gian nhanh như thế được hay không."
Mang tính chính trị hay không?
Bình
luận trước câu hỏi liệu vụ án và phiên tòa có tính chất đơn thuần pháp
lý hay còn mang tính chất chính trị nào đó, hoặc cả hai, Luật sư Đặng
Đình Mạnh nói:
"Theo tôi, với sự thu xếp về thời gian hết sức khác
thường so với những vụ án khác, với đa phần những vụ án khác, thì tôi
tin rằng vụ án này có sự chỉ đạo về phương diện chính trị, đáp ứng những
nhu cầu cấp thiết của đất nước về chính trị. Do vậy nên vụ án này được
sắp xếp trong một thời gian hết sức đặc biệt. Kể cả những vấn đề khác về
phương diện pháp lý nữa, ví dụ như điều luật được áp dụng v.v., nếu có
dịp chúng ta sẽ đi sâu hơn."
Cũng về câu hỏi, Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nêu quan điểm khi tham gia Diễn đàn Bàn tròn 11/01/2018 của BBC Tiếng Việt:
"Câu
hỏi này nếu phát biểu theo tư cách của một người dân thì sẽ hợp lý hơn,
chúng tôi cũng nghiêng về phương diện chính trị. Còn với cương vị luật
sư thì chúng tôi không được phát biểu về vấn đề này. Theo tư cách một
người dân thì theo tôi có yếu tố chính trị.
"Như chúng ta biết, hồ
sơ ở đây có hơn 18.000 bút lục. Hồ sơ này cực kì khủng khiếp, cực kì
lớn đối với một vụ án mà ở đây thời gian từ khi điều tra, truy tố đến
xét xử thì chỉ riêng việc đọc từng đó tài liệu, lưu ý là trong thời gian
khoảng một tháng mà luật sư chỉ mới được tiếp cận khoảng một chục ngày,
thì không thể nghiên cứu hết được, nếu không nói là vừa đọc vừa viết,
thì không thể đưa ra một nhận định rõ ràng được.
"Cơ quan điều tra và các cơ quan khác cũng tương tự như thế. Họ không
thể đưa ra một bản án rõ ràng giống như một bản án thông thường được.
Vậy thì có các yếu tố khác khiến cho những người từ điều tra, truy tố
đến xét xử, họ có thể làm mọi thứ một cách thoải mái mà không lo ngại
giống như các vụ án khác.
"Giống như sắp tới đây, và trước đó
nữa, chúng tôi có những vụ án mà người ta bị tạm giam một vài năm là
chuyện rất bình thường, kéo dài liên tục, không có bất cứ sự can thiệp
nào nghiêm trọng về tố tụng nhưng người ta vẫn làm. Thì cái này chúng
tôi nhận định rằng có yếu tố về chính trị."
Nhu cầu của dân hay của Đảng?
Trước
câu hỏi vụ án và việc xét xử vụ án với tốc độ và cách thức như vậy phản
ánh đây là nhu cầu của nhân dân hay của lãnh đạo, hoặc thậm chí của một
bộ phận nào đó trong Ban lãnh đạo Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam,
Luật sư Đặng Đình Mạnh đáp:
"Theo tôi, trước tiên phải nói đến đây
là chủ trương của tổ chức Đảng bởi vì họ là cơ quan lãnh đạo. Do đó,
những điều làm như vậy chỉ có tổ chức Đảng mới có khả năng chỉ đạo để
các cơ quan tố tụng tiến hành làm.
"Đương nhiên qua điều đó cũng sẽ đáp ứng được sự chờ
đợi của nhân dân trước các sự kiện như vấn đề tham nhũng tràn lan chẳng
hạn, rồi vấn đề của công bị mất cắp v.v.
"Rõ ràng là Đảng trong
chừng mực nào đó đã đáp ứng được sự đòi hỏi của nhân dân trong giai đoạn
hiện nay. Mặc dù điều đó là nhanh, là tốt nhưng tôi nghĩ cần có những
biện pháp để làm nó căng cơ hơn, lâu dài và hiệu quả hơn chứ không chỉ
làm bề nổi để hớt váng như hiện nay.
"Nhưng giai đoạn hiện nay, theo tôi như vậy là rất đáng khuyến khích rồi."
Cũng tại cuộc hội luận, nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online đặt câu hỏi cho các luật sư, bà nói:
"Phía
Việt Nam muốn lờ đi hay sẽ có những phiên tòa khác để xét xử việc ông
Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài và có những phát ngôn chống phá Đảng
Cộng sản Việt Nam, cáo buộc ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản?"
Trả lời câu hỏi này, Luật sư Đặng Đình Mạnh đáp:
"Cái
này hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan điều tra. Cơ quan
điều tra không truy tố bởi lẽ rất có thể là họ chưa truy tố, cũng có thể
bởi lẽ họ cho rằng những điều đó không phải những hành vi cấu thành tội
phạm.
"Và chúng tôi với góc độ là luật sư, với thiên chức nghề
nghiệp của mình là bào chữa để làm giảm nhẹ hình phạt hoặc bào chữa giúp
thân chủ của mình vô tội, nếu trong trường hợp họ thực sự không có tội,
thì chúng tôi không muốn đi sâu về vấn đề kể thêm tội của ông Trịnh
Xuân Thanh."
Cần nhân chứng cấp cao?
Tại
Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm, nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw nêu quan
điểm về vụ án và phiên tòa, trong đó bà đặt vấn đề phiên tòa cần có thêm
nhân chứng là cựu thành viên của Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam,
bà nói:
"Tôi tin rằng những chuyện không chỉ của tập đoàn dầu khí
mà với tất cả những dự án lớn, các tổng công ty lớn của nhà nước thì
những quyết sách vẫn được đưa ra từ Bộ Chính trị. Ở Việt Nam từ xưa đến
nay người ta vẫn quen với quyết định tập thể và những vụ thật lớn thì
thường cá nhân giám đốc hay tổng giám đốc cũng không thể đưa ra được
những quyết định này.
"Vì vậy tôi nghĩ là có bóng dáng của Bộ Chính trị trong những quyết định của Tập đoàn dầu khí.
"Cá nhân tôi cho rằng ngoài ông Đinh La Thăng và ông
Trịnh Xuân Thanh thì những ông như Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn phải chịu
trách nhiệm với vai trò là thủ tướng điều hành trong giai đoạn này.
"Ít
nhất theo quan điểm của tôi thì người ta phải gọi ông Dũng tới tòa với
tư cách là nhân chứng chứ không thể để ông ấy đứng ngoài hoàn toàn như
vậy được."
Cơ chế giám sát sớm
Trước
câu hỏi mang liệu Việt Nam có cần bổ sung hay không các tổ chức, thiết
chế có vai trò giám sát, cảnh báo sớm, trong đó phát huy vai trò của
nhân dân, cộng đồng và xã hội, vào việc giám sát ngay từ đầu các hoạt
động của nhà nước, trong đó có cả khu vực kinh tế quốc doanh, nhằm ngăn
chặn và ngăn chặn sớm những vụ việc nghiêm trọng trước khi có thể xảy
ra, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói:
"Thực tế đề xuất đưa ra cơ chế giám
sát độc lập tôi nghĩ là không nên. Hiện tại thực tế chúng ta đã có quá
nhiều cơ quan giám sát rồi, tuy nhiên việc thực thi của họ lại kém.
"Nói
là các cơ quan nhiều nhưng cơ chế thực thi để họ có thể hoàn thành
nhiệm vụ theo quyền năng của họ theo pháp luật cho phép thì gần như là
không được. Họ có sinh ra rất nhiều cơ quan nhưng việc thực thi trên
thực tế lại phụ thuộc vào các yếu tố không nằm trong luật, cho nên việc
xử lý là không được.
"Có vấn đề là kiến trúc thượng tầng của chúng ta, vấn đề nội bộ của chúng ta chưa giải quyết được nên luật pháp chưa thực thi.
"Còn
luật pháp của chúng ta cho tới thời điểm này thôi thấy thực tế không
quá yếu, nhưng cũng không có cơ chế thực thi nên không thực hiện được
trên thực tế, chứ không phải là thiếu người làm. Hoàn toàn không thiếu.
"Đầy
người, nếu không nói là thừa người, thừa rất nhiều người. Nhưng những
người đó thực tế không có cơ chế để làm hoặc họ không dám làm."
Có xử được 'cơ chế'?
Có
ý kiến cho rằng 'cơ chế' có vai trò nào đó trong các sai phạm nếu có
như trong các vụ đại án đang được Việt Nam đem ra xét xử, trong đó có
liên đới trách nhiệm của nhiều bị cáo là các cựu quan chức cao cấp hoặc
trung cao ở Việt Nam trong nhiều ngành, như dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm
nhưng câu hỏi đặt ra là dường như sẽ không thể 'xử được cơ chế' này.
Trước vấn đề này, từ Warsaw, Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng nêu quan điểm:
"Cá nhân tôi cho rằng không thể nào xử phạt cơ chế được và cơ chế thì chỉ có thể thay đổi mà thôi.
"Những
vụ án vừa qua đối với ông Thanh và ông Thăng, khi theo dõi trên mạng xã
hội, tôi thấy những bình luận mà người ta tỏ ra thương tiếc cho hai ông
và người ta cho rằng hai ông có một chút "oan uổng".
"Theo tôi hiểu thì sự "oan uổng" ở đây có nghĩa rằng ở Việt Nam thì
quan chức từ cấp xã, cấp huyện trở lên người ta đã tham nhũng rồi, chưa
kể đến cấp trung ương.
"Tham nhũng hiện nay là cả bộ máy, cả hệ
thống chính trị nhưng sao hai ông này bị ra tòa mà những ông khác, có
khi tay chân cũng không sạch sẽ hơn, mà lại xét xử hai ông này. Người ta
thấy sự oan ức là ở chỗ đó còn tôi nghĩ rằng bản án đối với hai ông như
vậy là cũng xứng đáng thôi.
"Tôi
cũng muốn nói thêm là theo nhận định của tôi thì đây chỉ là phát súng
mở đầu thôi chứ chưa phải là kết thúc vì tôi biết là ngoài dầu khí ra
thì trong một bài báo mới đây tôi vừa đọc, thì Tổng công ty Than khoáng
sản Việt Nam hiện nay đang nợ 100 ngàn tỉ và hầu như mất khả năng thanh
toán.
"Và nhiều cơ quan, tổng công ty nhà nước khác cũng đang rơi
vào tình trạng nợ hàng ngàn tỉ thì tôi cho rằng đây chỉ là một phát
súng báo hiệu và là một vụ án mang tính chất vụ án điểm.
"Tôi nghĩ
tiếp theo đây trong năm 2018 - 2019 sẽ có nhiều vụ án với tầm cỡ khủng
như thế này nữa," nhà báo Mạc Việt Hồng nói thảo luận của BBC từ thủ đô
Ba Lan.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc hội luận tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm 11/01/2018.