Làm rõ trách nhiệm của Bí thư Thanh Hóa (TP)

Và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa không thể thoái thác trách nhiệm được, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng chí này phải kiểm điểm nghiêm khắc, tùy theo sai phạm mà xem xét...

 Biệt thự của bà Trần Vũ Quỳnh Anh


Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa không thể thoái thác trách nhiệm được, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý vụ việc liên quan đến bà Quỳnh Anh. 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, các kết luận và xử lý sai phạm liên quan các cán bộ ở Thanh Hóa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc là đúng người, đúng sai phạm. 

Trách nhiệm để cán bộ của mình có khuyết điểm kéo dài, từ việc nhỏ đến việc lớn, nhưng vẫn lên chức từ cấp thấp lên cấp cao, rồi đến khi kỷ luật thì lại kỷ luật nhẹ, không tương xứng. Trách nhiệm như thế nào? Phải kiểm điểm lại trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, công tác cán bộ thế nào? Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa phải kiểm điểm nghiêm khắc. Và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không thể thoái thác trách nhiệm được, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Ông Hùng cho biết: “Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư và quyết định của Ban Bí thư là rất thỏa đáng. Tuy rằng, việc này hơi chậm nhưng đúng người, đúng sai phạm. Điều đó chứng tỏ lời nói của Đảng đi đôi với việc làm. Các đồng chí trong Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ đạo và thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XI, khóa XII vào cuộc sống”.

Thưa ông, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng do có nhiều sai phạm. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người có vai trò lớn hơn ông Tuấn sẽ bị xử lý thế nào?

Ông Ngô Văn Tuấn sẽ tiếp tục bị xử lý về mặt chính quyền. Theo quy định của Ban Bí thư, kỷ luật Đảng như thế nào thì kỷ luật chính quyền và đoàn thể cũng phải tương xứng. Cho nên, phía chính quyền phải xem xét kỷ luật ông Tuấn một cách thỏa đáng. Đồng thời, Tỉnh ủy nói chung và đồng chí đứng đầu Tỉnh ủy nói riêng phải xem xét lại vì sao lại để vụ việc này kéo dài và khi xem xét xử lý kỷ luật ông Tuấn, thuộc trách nhiệm thẩm quyền, lại ra hình thức kỷ luật rất nhẹ nhàng, không tương xứng.

Trách nhiệm để cán bộ của mình mắc khuyết điểm kéo dài, từ việc nhỏ đến việc lớn, nhưng vẫn lên chức từ cấp thấp lên cấp cao, rồi đến khi kỷ luật thì lại kỷ luật nhẹ, không tương xứng. Trách nhiệm như thế nào? Phải kiểm điểm lại trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, công tác cán bộ thế nào? Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa phải kiểm điểm nghiêm khắc.

Và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa không thể thoái thác trách nhiệm được, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng chí này phải kiểm điểm nghiêm khắc, tùy theo sai phạm mà xem xét...

Việc để cấp dưới xảy ra vi phạm là phải kiểm điểm rồi, nhưng nguyên nhân vì sao lại du di, tại sao lại nhẹ nhàng với cấp dưới đó cũng phải nói ra. Vì sao, vì các mối quan hệ gì mà bảo vệ cho cái sai? Đây đúng là việc làm bảo vệ cho cái sai còn gì nữa?

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên quan đến ông Tuấn có một thuật ngữ mà nhiều người chú ý là “nâng đỡ không trong sáng”. Theo ông, thuật ngữ này có ý nghĩa như thế nào?

Không trong sáng tức là đen tối. Tức là mờ ám. Mà những việc làm mờ ám là những việc làm xấu xa. Nói như thế cũng là cách diễn đạt tinh tế thôi. Không trong sáng nghĩa là đen tối, xấu xa.

Cũng liên quan đến xử lý cán bộ sai phạm, ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở KH&ĐT ở Quảng Nam bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên và hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng về ông Bảo. Theo ông, xử lý thế đã đủ nghiêm khắc chưa?

Xử lý như thế quá rõ rồi. Tức là trả ông Bảo về vị trí ban đầu. Thực tế ông ấy đã bỏ Đảng một thời gian, không sinh hoạt Đảng. Trong điều lệ Đảng và hướng dẫn thi hành điều lệ Đảng cũng đã rõ. Ai bỏ sinh hoạt đảng 3 tháng trở lên là xóa tên. Bây giờ ông ấy không phải là đảng viên thì xóa tên. Đó là một hình thức cũng còn nhẹ. Còn ông ấy không đủ tiêu chuẩn của một công chức, viên chức thì phải trở về điểm xuất phát, trở về là người bình thường. Cách làm như thế, xử lý như thế là thấu lý đạt tình, làm rất hợp lý, có niềm tin của dân. Không phải nể nang, tình cảm cá nhân mà đây là vì tình cảm với nhân dân, vì nguyện vọng của nhân dân là mọi người phải trong sáng, phải dân chủ, công khai, minh bạch, mọi việc không phân biệt ai cả, miễn là công dân, ai giỏi, ai tốt thì được dùng. Ai ít giỏi, ít tốt thì dùng ít hơn và những người xấu thì không nên vào những vị trí đó, tránh làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt chú ý việc con của một số lãnh đạo bị xử lý kỷ luật. Theo ông, làm thế nào để tránh được dư luận về “con ông, cháu cha”?

Bố mẹ nào cũng phải chăm sóc con cái. Đó là đạo lý từ xưa đến nay. Nhưng chăm sóc thế nào? Chăm sóc để con cái giỏi giang, tử tế, có tư cách là nguyện vọng chính đáng. Đào tạo thế hệ trẻ là trách nhiệm của gia đình, đoàn thể, xã hội, nhà trường. Các yếu tố đó hình thành con người. Yếu tố gia đình rất quan trọng, những gia đình truyền thống cũng đã nêu cho chúng ta nhiều tấm gương về giáo dục con cái. Ông cha ta có câu thương cho roi cho vọt (nghĩa là phải nghiêm khắc với con cái). Đó mới là thương con cái. Luôn yêu chiều con cái chính là hại con. 

Ông Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh – PV) thương con thì hoan nghênh, nhưng không theo kiểu ấy được. Thương thế thì hại con. Các cụ có nói, con hơn cha là nhà có phúc. Hơn cha là giỏi giang hơn, kiến thức nhiều hơn... nhưng cha lại cúi xuống để con leo trèo, mà lại không đủ sức thì ngã thôi. Đại hội Đoàn vừa rồi có nêu khẩu hiệu của thanh niên phải tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, phát triển. Tôi nghĩ phải theo hướng đó để rèn luyện con cái. Yếu tố bản lĩnh rất quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yếu tố bản lĩnh khi phát biểu tại Đại hội Đoàn vừa qua. Phải bản lĩnh để không đánh mất mình, phải đi bằng chính đôi chân của mình chứ không phải bằng đôi chân của bố mẹ mình.

Cám ơn ông!