Đấu tranh dân chủ không có chỗ cho bạo lực (Anh Văn)

Các bức xúc nảy sinh trong xã hội tiến tới phản kháng xã hội là điều tất yếu ở một xã hội què quặt như Việt Nam, nhưng điều này chỉ nên giới hạn trong phương pháp bất bạo động, bất tuân dân sự, hơn là tiến hành những hành vi “gây tiếng vang” bằng cách gây thiệt hại cơ sở vật chất cộng đồng hay làm tổn thương sinh mạng người khác.
 
 
Ngày 26/12, các báo chính thống Việt Nam đồng loạt đưa tin về Kế hoạch khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất của một nhóm thanh niên.

Người được cơ quan điều tra của Việt Nam cho là chủ mưa là hai cá nhân có yếu tố nước ngoài, trong đó có ông Đào Minh Quân và “bà” Lisa Phạm.

Quá nhiều ý kiến xoay quanh phiên tòa này, không phải là đúng sai của bản án, mà liên quan trực tiếp đến hành vi của nhóm thanh niên.

Vì sao? Vì yếu tố “đốt kho xe” và “đặt bom sân bay Tân Sơn Nhất”.

Những hành vi này không những gây hoang mang dư luận xã hội, mà còn đồng thời làm tổn hại trực tiếp đến mạng sống của thường dân.
 
Người viết tin rằng, không chỉ người dân phản đối, mà những nhà hoạt động dân sự trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam đều phải lên án hành vi này. Cổ vũ nó, hay tìm cách bao che hành vi này dưới mọi hình thức khác nhau đều nên được coi là tội ác chống lại đồng bào Việt Nam.

Việt Nam – một đất nước trải qua 1.000 năm với hàng loạt cuộc chiến nội ngoại, 100 năm với cuộc chiến thực dân, 20 năm nội chiến,… Chừng đó là quá đủ để dừng lại, và hòa bình phải luôn là một mục tiêu tối thượng nhất mà mỗi người dân cần có trách nhiệm, nghĩa vụ đảm bảo.

Các bức xúc nảy sinh trong xã hội tiến tới phản kháng xã hội là điều tất yếu ở một xã hội què quặt như Việt Nam, nhưng điều này chỉ nên giới hạn trong phương pháp bất bạo động, bất tuân dân sự, hơn là tiến hành những hành vi “gây tiếng vang” bằng cách gây thiệt hại cơ sở vật chất cộng đồng hay làm tổn thương sinh mạng người khác.

Không ai cho phép điều đó xảy ra, và những nhà hoạt động tại Việt Nam càng không cho phép điều đó xảy ra.

Một trận “đốt kho xăng nhà bè”, “đánh bom các tụ điểm ăn chơi, sân bay Tân Sơn Nhất” rõ ràng phải là thì quá khứ và vĩnh viễn không lập lại như đã nêu trên. Bởi như một quy luật, bạo lực để xóa bỏ thể chế chính trị rốt cuộc cũng chỉ xây nên một xã hội đầy bạo lực mà thôi.

Một xã hội biết khoan dung hơn là điều mà Việt Nam cần hướng tới!

Vấn đề đặt ra, là tại sao một số cá nhân ở nước ngoài cố tình làm biến dạng tình hình đấu tranh trong nước bằng hình thức bạo lực, mặc dù luôn miệng đòi “giải phóng, đòi khai dân trí”? Đặt trong một cấu thành hình thức, thì những sự cổ vũ, khích động bạo lực là hành vi nhiệt tình cộng với ngu dốt thành ra phá hoại. Nhưng họ vẫn muốn kích động, vẫn muốn tiến hành, nếu đặt ngang hàng, thì hành động đó là một sự tù túng và kém hiểu biết, một sự lợi dụng niềm tin và kích động vào sự bức xúc của người dân, đưa sự thiếu kiềm chế của một số người trở thành hành vi tội ác.
 
Và đó là hành vi phản dân chủ, phản nhân quyền nhất.

Và cuộc đấu tranh dân chủ, đấu tranh nhân quyền, đấu tranh cho một xã hội dân sự thực chất cần loại bỏ hoàn toàn những cá nhân, quan điểm, tổ chức có quan điểm như vậy ra khỏi vòng chơi. Bởi cuộc đấu tranh nhân quyền không phải là một cuộc chiến bạo lực, nó là một quá trình tranh đấu bền bĩ và lâu dài. Và tất nhiên, quá trình đó không có chỗ đứng cho những con người thuộc chủ nghĩa cơ hội, những người rập khuôn, và những người ưa bạo lực.
 
Theo VNTB