Đàm phán TPP gặp trở ngại vào phút chót: Thủ tướng Canada không dự họp (Dân Trí)
Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng đã không đạt được thỏa thuận như mong đợi, sau khi có các nguồn tin rằng Canada có thể rút khỏi hiệp định này.
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí vào chiều ngày 10/11, Thủ tướng New
Zealand Jacinda Ardern tiết lộ rằng quá trình đàm phán về TPP đang gặp
nhiều trở ngại, một thành viên của đoàn New Zealand tiết lộ.
Thủ tướng Canada không dự họp với các lãnh đạo TPP
Một loạt tờ báo của New Zealand chiều ngày 10/11 đã đăng tải thông tin rằng các cuộc đàm phán về TPP đang gặp trục trặc.
Báo Financial Review của Australia ngày 10/11 đưa tin, thỏa
thuận gần như sắp đạt được giữa 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định
Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút có thể đổ vỡ khi
phía Canada bất ngờ không dự họp vào phút chót mà không thông báo trước.
Báo trên viết rằng, lãnh đạo của các nước thành viên TPP gồm Thủ
tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm
nay đã tỏ ra không hài lòng sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất
ngờ không tham dự cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo TPP, vốn dự kiến sẽ
thông qua một thỏa thuận.
“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với sự nhất trí của 11 bộ
trưởng thương mại TPP. Chúng tôi đã chính thức hóa thỏa thuận này vào
tối qua và đệ trình dự thảo lên các nhà lãnh đạo (TPP)”, Bộ trưởng
Thương mại Australia Steve Ciobo, thành viên của đoàn đàm phán TPP của
Australia, cho biết với thái độ giận dữ.
Theo Financial Review, hiện vẫn chưa rõ lý do Thủ tướng Canada
không tham gia cuộc họp với các lãnh đạo TPP hôm nay. Tuy nhiên, trước
đó, Canada từng tuyên bố rằng nước này muốn một thỏa thuận ổn thỏa, chứ
không phải một thỏa thuận vội vàng.
RadioNZ cho biết cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các nước thành
viên TPP hôm nay đã không thực hiện được khi đại diện của Canada không
tham dự phiên họp. Chủ tọa phiên họp - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe -
đã quyết định hoãn phiên họp này.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết Canada không đưa ra lý
do vắng mặt tại phiên họp và bà cũng không biết Canada phản đối điều gì.
Hiện thời gian cho phiên họp tiếp theo vẫn chưa được công bố.
Trong khi đó, báo New Zealand Herald dẫn lời Bộ trưởng Thương
mại New Zealand David Parker cho biết các bộ trưởng của các nước thành
viên TPP đã đạt được thỏa thuận sau cuộc họp vào tối qua nhưng khi bản
thỏa thuận này được đưa đến tay các lãnh đạo, một quốc gia đã quyết định
không thông qua bản thỏa thuận này.
Bộ trưởng Parker không nêu đích danh quốc gia này, song cho biết đó
không phải là Canada dù nước này trước đó từng phủ nhận thông tin về
việc đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc giữa 11 nước thành viên TPP.
Trang tin ABC News dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Australia
Steven Ciobo cho biết việc thỏa thuận TPP không đạt được vào phút chót
là điều “không may mắn”.
“Đây là diễn biến đáng thất vọng. Tuy nhiên vẫn còn cơ hội để tiếp
tục các cuôc thảo luận để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng cuối cùng
như phía Canada nêu ra”, ông Ciobo cho biết.
Trang tin SBS dẫn lời Bộ trưởng Ciobo cho biết Canada đã nêu ra nhiều vấn đề trước cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên TPP. Theo SBS,
lãnh đạo các nước tỏ ra rất lúng túng và thất vọng trước sự vắng mặt
của Canada trong cuộc họp. Các nhà đàm phán được cho là sẽ tiếp tục công
việc cứu vãn TPP trong thời gian tới, nhưng có thể sẽ sau Tuần lễ Cấp
cao APEC.
Cuộc họp căng thẳng vào tối muộn
Trước đó, một cuộc họp kín giữa các trưởng đoàn đàm phán TPP đã diễn
ra tại Đà Nẵng vào tối ngày 9/11, và phía Nhật Bản thông báo rằng 11
thành viên còn lại của TPP đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc về TPP.
Tại họp báo của Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC
(AMM) tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết
TPP là một hoạt động bên lề của Hội nghị Bộ trưởng AMM.
Theo đó, những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng TPP
cũng là những nội dung tiếp nối của quá trình trao đổi và làm việc cấp
trưởng đoàn đàm phán của nước thành viên TPP trong liên tục 4 vòng đàm
phán vừa qua, và phù hợp với tinh thần và thông báo tại AMM và MAT lần
thứ 23 tại Hà Nội hồi giữa năm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các nước đang tiếp tục nỗ lực để
duy trì TPP như một hiệp định có chất lượng cao, đồng thời có những điểm
cân bằng, phù hợp lợi ích của các quốc gia tham gia, để tiếp tục mang
lại lợi ích chung thông qua việc tiếp tục tự do hóa thương mại, mở cửa
thị trường, hội nhập và tiếp tục các cải cách để đảm bảo chất lượng cao
trong hệ thống các quốc gia TPP.
TPP ban đầu gồm 12 quốc gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile,
Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam.
TPP được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP nhằm xóa
bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các quốc gia
thành viên vốn chiếm 40% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông Obama là Tổng thống Mỹ Donald Trump
ngay khi nhậm chức đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP đầu năm 2017. Sau khi
Mỹ rút khỏi TPP, 11 thành viên còn lại đã nhất trí tiếp tục các cuộc
đàm phán về cách thức nhằm duy trì TPP.
Nhóm phóng viên