Vietnamwar- Người Mỹ ăn năn và chúng ta (Đỗ Xuân Cang)

Cái tôi tâm đắc với phim đó là người làm phim đã nhận ra nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến, người Mỹ nhận diện được cần hòa giải sau nửa thế kỷ. Nếu so sánh Việt Nam với Mỹ, dù tổn thương đến đâu nước Mỹ vẫn là một cơ thể cường tráng. Ngược lại Việt Nam là một cơ thể đầy bệnh tật nan y. Người Mỹ anh hùng là dám nhìn lại sai lầm của mình một cách không khoan nhượng. Hành động ăn năn không làm người Mỹ yếu đi mà ngược lại nó giúp cho người Mỹ vượt qua nỗi đau. 

 
Phim nhiều tập Vietnamwar được trình chiếu lật lại nhiều dữ kiện lịch sử, gây ra cơn bão tình cảm của cộng đồng người Việt. Đặc biệt những người từng có liên can tới cuộc chiến. Vắng tiếng khen nặng tiếng chê, nhiều giận dữ và thù nghịch với nhóm làm phim. Rất nhiều người thất vọng.

Họ thất vọng vì uẩn ức người Mỹ phản bội không được tố cáo, sự hào hùng của người lính VNCH không được ghi nhận, sự xảo trá tàn bạo của cộng sản không bị vạch mặt, và dường như ngược lại, phơi bày những dữ kiện xấu mà người ta cố quên đi. Đây là một hội chứng tâm lý của người Việt mà tôi đặt tên là 'hội chứng cô Tấm'. Bất chấp sự tàn bạo vô lương, cô Tấm đối với nhiều người vẫn là hiền thục nết na. Đành rằng nếu so sánh hai chế độ, chế độ miền Bắc vượt hẳn chế độ miền Nam về sự tàn bạo và thua hẳn về sự cởi mở. Nhưng sự hơn thua đó có giá trị gì trong quá khứ, trong hiện tai và tương lai? Người Việt chưa biết ăn năn.

Đặc điểm chung dẫn đến quan điểm của mọi người về bộ phim là ý thức ta địch, thắng thua, một chiến lũy vô hình nhưng bền chặt trong lòng người. Hay ít nhất cũng là ý thức cộng đồng người Việt quốc gia hay cộng sản. Nó tố cáo một thực tế, niềm đau sự chia rẽ trong lòng người Việt rất lớn.

Tôi từng nghe không phải một người lớn tiếng giận dữ khi cho rằng phim này là của bọn phản chiến, chúng nó làm để tiếp tay cho cộng sản, chúng nó muốn đi đêm với cộng sản, phải tẩy chay. Trong con mắt họ phản chiến đã là một hành động xấu xa của những con người tồi tệ. Có thể việc phản chiến xuất phát từ mục đích rất cá nhân, nhưng chống chiến tranh đã là hành động đúng. Chống chiến tranh là một hành động nhân bản.

Có nhiều sai sót trong phim như học giả Đỗ Thông Minh đã thống kê 25 lỗi. Nó là lý do để nhiều người tuyên bố đây không phải là nửa cái bánh mỳ, đây là nửa sự thật, không đáng để xem. Nhưng tôi hiểu lý do chính vẫn là niềm đau, họ không chấp nhận sự thật phũ phàng về giá trị VNCH, chỗ dựa tinh thần của họ.

Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Sẵng vị khách mời tham gia ban điều hành thảo luận cuốn phim tuyên bố: “…Đây là bộ phim phản ảnh một phía, trình bày phân nửa sự thật, không xứng đáng bỏ thời giờ xem. ”, “ Cuốn phim vẫn trình bày những sự kiện mang tính cách tuyên truyền cũ rích ”. Tôi rất ngạc nhiên về nhận xét này, học vị và vị trí xã hội đã không giúp cho ông vượt thoát để hiểu được tâm ý của đạo diễn.

Cựu đại tá Vũ Văn Lộc nói về phim Vietnamwar ngắn gọn bằng một câu: "Chúng Ta Thua Trên Từng Thước Phim". Ông là người có tâm tham gia vào việc giúp đỡ người tỵ nạn, nghiên cứu tài liệu dựng lên bảo tàng viện thuyền nhân và VNCH, chắc chắn ông có sự hiểu biết vượt hơn hẳn phần đông người Việt. Dù vậy ông vẫn chìm trong nỗi đau của niềm thua.

Có người xem phim không phải để biết phim nói gì. Họ xem phim để tìm những điều họ muốn. Họ muốn tìm thêm bằng chứng để củng cố giá trị tinh thần trong họ. Họ muốn người khác (người Mỹ) cùng họ tố cáo lên án cộng sản. 

Trong hội thảo bàn tròn của BBC, cựu sinh viên Mai Doãn Đông nhận xét. Bộ phim là một khối lượng tư liệu khổng lồ sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ của người dân Việt Nam. Bạn khuyên giới trẻ phải mở rộng tầm nhìn, đa dạng hóa tư liệu. Phải nhìn ra được cái gì gần với mình, đâu là điều quan trọng với mình, với gia đình mình, với đất nước, với văn hóa của mình, để giúp bảo vệ xây dựng kiến thiết đất nước. Trong câu nói của bạn đã hàm chứa niềm tự hào và tính chính danh công cuộc Nam tiến với cái giá 'núi xương, sông máu'. Chỉ riêng cái tên gọi cuộc chiến thôi cũng đã khoét sâu hố ngăn cách Nam-Bắc. Mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa đã rất thành công trong việc trang bị cặp kính đỏ cho sinh viên. Thế giới, cuộc chiến chỉ còn hiện hình dưới lăng kính cộng sản trong con mắt họ. Nhân sinh quan bị bó gọn trong nhận thức mẹ hát con khen hay. Đã qua bậc đại học mà Mai Doãn Đông vẫn có thể hồn nhiên chỉ dậy cho các bạn trẻ “mở rộng tầm nhìn, đa dạng hóa tư liệu” nhưng lại chốt hạ quan điểm vị thân, bất chấp nhũng giá trị khách quan.

Bloger nhà báo Khải Đơn đã kỳ vọng bộ phim sẽ cung cấp thêm cho cô nhiều tư liệu về cả hai chiều miền Nam miền Bắc. Sự thiếu tư liệu, sự không chung thực có lẽ là nguyên nhân dẫn đến kỳ vọng của cô. Cô cho rằng tâm điểm của bộ phim là cho khán giả người Mỹ. Bộ phim làm cho người Mỹ. Không thể đồng ý với cô Khải Đơn, nước Mỹ đa chủng tộc, và tự do, họ có cái nhìn phóng khoáng nhân bản. Đúng là họ làm phim về vấn đề người Mỹ, nhưng không có tinh thần cục bộ. Việc thiếu tư liệu là việc của chúng ta. Người ta thường than chúng ta không có người viết sử. Đây là lỗi của chúng ta. Có lẽ tôi không chờ đợi người Mỹ cung cấp thêm tư liệu lịch sử Việt nam nên tôi đã không thất vọng và cũng không phẫn lộ vì nhưng dữ liệu sai. Rất đáng buồn có nhiều người Việt không đủ tự tin vào những điều mình biết. Họ cần một sự bảo chứng sự, cấp phép của Âu của Mỹ. Chúng ta đâu có quyền đòi hỏi người khác hiểu về chúng ta khi chính chúng ta cũng đã không hiểu đúng về chúng ta. Không có ai ngăn chở chúng ta nói nên viết nên những trang sử về mình.

Cái tôi tâm đắc với phim đó là người làm phim đã nhận ra nước Mỹ chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến, người Mỹ nhận diện được cần hòa giải sau nửa thế kỷ. Nếu so sánh Việt Nam với Mỹ, dù tổn thương đến đâu nước Mỹ vẫn là một cơ thể cường tráng. Ngược lại Việt Nam là một cơ thể đầy bệnh tật nan y. Người Mỹ anh hùng là dám nhìn lại sai lầm của mình một cách không khoan nhượng. Hành động ăn năn không làm người Mỹ yếu đi mà ngược lại nó giúp cho người Mỹ vượt qua nỗi đau. 

Người Mỹ đã bước vào cuộc chiến Việt Nam với vẻ hào hùng của quá khứ thế chiến Hai, mang một sứ mệnh ngăn làn sóng đỏ. Họ đã sa lầy, đã bất lực, đã tổn thương. Ngày nay người Mỹ đã can đảm tự vấn, đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa cuộc chiến, xét lại những giá trị nền tảng, tính chính danh, lòng yêu nước, nhân từ với sự bạo tàn, khiêm nhường với ngạo mạn.

Nhìn thực tế Việt Nam cả “bên thắng và bên thua” đều say sưa với chủ nghĩa anh hùng và đi tìm sai lầm ở người khác. Họ mang tâm thức đó vào nhận định về phim. Tư kiến không chỉ làm mọi người quá khác nhau, chia rẽ thành tập thể những con người cô đơn, mà còn đào sâu hố ngăn cách thù hận cũng như sẵn sàng bạo lực. Sự chia rẽ sau cuộc chiến với người Mỹ là vết thương thì với Việt Nam là tai họa. Tai họa này không chỉ có trong và sau cuộc chiến. Nó là hằng số theo suốt quá trình hình thành lập nước Việt Nam. 

Hơn ai hết người Việt chúng ta cần hòa giải nếu thực sự chúng ta muốn thay đổi tương lai của mỗi chúng ta, trong tương lai chung mang tên Việt Nam. Vượt lên sự khác biệt những biểu hiện bề nổi chúng ta gắn bó với nhau bằng định mệnh Việt Nam. Nhận thức về nhu cầu hòa giải không chỉ là điều cần thiết bắt buộc cho Việt Nam hiện tại, mà còn cho ta ý thức không được khơi lên cuộc chiến trong tương lai. Đấu tranh bất bạo động là lựa chọn lương thiện trên tinh thần nhân bản.

Hy vọng xem phim Vietnamwar chúng ta ý thức hơn về vấn đề Việt Nam, vượt lên nỗi đau để chia sẻ giá trị mà mỗi chúng ta sinh ra ai cũng có: ngôn ngữ, văn hóa, di sản lịch sử, những giá trị không một quyền năng nào tước đi được của mỗi người. Mọi hành động hành chính như tước quốc tịch của giáo sư Phạm Minh Hoàng, hay nhiều hành động khác chỉ cho thấy thấp kém vô luân của nhà cầm quyền. Nhận thức được chúng ta ràng buộc với nhau trong số phận chung, ý thức về tương lai chung. Chúng ta hoàn toàn có khả năng và xứng đáng với một tương lai khác.

“Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.” (Trích KSKNTH)

Praha 30.9.2017
Đỗ Xuân Cang -Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.