Lãnh đạo Đồng Nai đang manh nha ý đồ ‘lực lượng vũ trang riêng’? (Thiền Lâm)
Không hẳn tất cả, nhưng có vẻ một bộ phận trong giới lãnh đạo tỉnh Đồng
Nai đang lấp ló cơ chế từ “gia đình trị” đến “sứ quân địa phương” và cả
những dấu hiệu khó có thể chối cãi về “xây dựng lực lượng vũ trang
riêng”.
Vụ một lực lượng đông đảo cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông công
khai dàn quân trong khu vực Trạm thu phí BOT Biên Hòa vào ngày
26/10/2017 như một cách “khủng bố” việc cánh lái xe trả tiền lẻ là một
bằng chứng rõ ràng, không chỉ về mối quan hệ móc nối đã trở nên quá sâm
đậm giữa nhóm lợi ích chủ đầu tư BOT Biên Hòa với cơ quan công an, mà
còn cả màu sắc đậm đặc rất ấn tượng của “lực lượng vũ trang riêng”.
Trước đó, BOT Biên Hòa đã trở thành cái tên ấn tượng bởi cách lạm thu
tràn lan mang lại lợi lộc rất lớn cho chủ đầu tư, khiến phát sinh làn
sóng bất tuân dân sự của cánh tài xế khi đối phó tình trạng lạm thu bằng
cách trả tiền lẻ khiến BOT Biên Hòa buộc phải xả trạm cho xe qua.
BOT Biên Hòa cũng trở thành cái tên khó quên khi sau đó nhiều lái xe đã
bị cơ quan cảnh sát giao thông Đồng Nai “mời làm việc” – như một cách
“khủng bố” tinh thần những người tài xế không chịu khuất phục cảnh lạm
thu.
Nhưng đến việc dàn quân tại BOT Biên Hòa để “khủng bố”, sự việc đã vượt quá giới hạn của “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Sự khác biệt về mức độ trắng trợn chà đạp luật pháp của hiện tượng trên
là trong rát nhiều vụ các chính quyền địa phương dùng lực lượng công an
và cả quân đội để cưỡng chế giải tỏa ngừoi dân nhằm trưng thu đất đai,
cơ chế này vẫn được dựa trên một số văn bản mang tính pháp quy của chính
quyền (quy hoạch, quyết định giải tỏa, quyết định bồi thường…), cho dù
không ít văn bản như thế là bất hợp lý hoặc rất bất công. Nhưng đối với
trường hợp BOT Biên Hòa, đã không có bất kỳ văn bản pháp quy nào từ phía
chính quyền được nêu ra để chứng minh là hành động trả tiền lẻ của lái
xe là vi phạm pháp luật.
Một khi không được “chống lưng” bởi bất cứ quyết định hoặc quy định pháp
quy nào, cơ chế dùng cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông tại trạm
BOT Biên Hòa để “dằn mặt” lái xe là một hành vi “khủng bố’ quá lộ liễu,
quá trắng trợn mà chỉ có thể cho thấy tình trạng phép vua thua lệ làng,
cát cứ quyền lực đang phổ biến và gia tăng chóng mặt ở một số địa
phương, tạo ra một tiền đề hữu hiệu để một khi “có đủ điều kiện”, chính
giới lãnh đạo địa phương đó sẽ ra sức phát huy cơ chế tập quyền cá nhân
và tập quyền gia đình trị, không ngại ngần sử dụng lực lượng công an và
cả quân đội cho ý đồ thâu tóm lợi ích và quyền lực cho mình.
“Có đủ điều kiện” lại là một cụm từ mà Tổng bí thư Trọng sính dùng trong
bản nghị quyết ban hành sau Hội nghị trung ương 6 tháng 10/2017 về
“nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước”. Theo đó, ở những cấp xã,
huyện “có đủ điều kiện”, bí thư cấp ủy sẽ đồng thời là chủ tịch ủy ban
nhân dân và hội đồng nhân dân, có thể gọi nôm na là “3 thành 1”. Cơ chế
này sẽ khiến quyền lực thực tế tập trung vào chỉ một người, thay vì
trước đây phổ biến là ba, hoặc thí điểm hai người – bí thư tỉnh kiêm chủ
tịch hội đồng nhân dân, nhưng bí thư tỉnh và chủ tịch tỉnh là hai nhân
sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau.
Nhưng sau Hội nghị trung ương 6, thông tin từ nhiều quan chức có trách
nhiệm đã cho biết cơ chế “3 thành 1” không chỉ dừng ở cấp xã và huyện mà
sẽ triển khai ở cấp tỉnh thành, thậm chí còn có thể “lên” tới cấp trung
ương.
Hệ quả rõ ràng là nếu thực hiện cơ chế “3 thành 1,” các “lãnh chúa” sẽ
“quyết” hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế – xã hội, và cả
những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không
có chuyện “lãnh chúa” phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội Đồng Nhân Dân
tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia.
Thế nhưng khi nêu ra kế hoạch “nhất thể hóa 3 thành 1”, đảng lại hầu như
không đưa ra bất kỳ cơ chế nào để kiểm soát quyền lực. Có phải đảng
muốn lờ đi cơ chế kiểm soát quyền lực để không còn cơ quan nào có thể
giám sát những gì đảng sẽ làm?
Chỉ biết rằng nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực được cụ thể hóa
bằng một luật về “nhất thể hóa”, sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm và sẽ
chẳng làm thế nào để đảng hay chính phủ kiểm soát được cơ số hành vi tụ
tung tự tác mà những lãnh đạo được xem là “có tâm có tầm” do đảng chỉ
định vào vị trí “3 thành 1” sẽ “tự diễn biến”. Để khi đó, tình trạng tản
quyền dâng cao, biến thành “chia quyền” và phát triển mạnh khuynh hướng
ly tâm hóa quyền lực. Sẽ hình thành cơ chế “đa trung tâm quyền lực”
không chỉ ở nhiều bộ ngành mà cả nhiều địa phương.
Thậm chí sau một thời gian thực hiện “3 thành 1” mà chẳng bị kiểm soát
quyền lực, rất dễ để “giới tinh hoa” của đảng coi sóc linh hồn dân ở
nhiều địa phương sẽ biến những địa phương đó thành một vương quốc riêng
của mình. Thậm chí rất có thể sẽ xuất hiện những “chính ủy chuyên quyền”
tham vọng và liều lĩnh nhất khi nghĩ đến việc tự trang bị cho địa
phương mình một “lực lượng vũ trang” riêng, bao gồm vừa công an vừa quân
đội, thẳng tay đàn áp dân chúng…
Đồng Nai chỉ là một trong số một số địa phương đang có dấu hiệu manh nha
để trở thành một cái gì đó na ná để thỏa mãn tương lai trên.
Gần đây, một trong số lãnh đạo Đồng Nai – bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí
thư tỉnh ủy – đã bị “dính” vụ Trạm BOT đường vào mỏ đá Tân Cang và quá
“ưu ái” cho doanh nghiệp của người nhà của bà này như một thể thức “gia
đình trị”.
Cũng gần đây, báo chí đã nêu quá nhiều vụ cảnh sát giao thông Đồng Nai
“ăn cả trên bộ lẫn trên sông” nhưng vẫn bị những quan chức đen đúa nào
đó từ bóng tối âm thầm che chắn.
(Cali Today news)