'Công chức vô cảm, hách dịch vì ít phụ thuộc dân, chỉ phụ thuộc cấp trên' (Một Thế Giới)

“Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên của mình. Công chức chỉ tiếp xúc với người dân trong vai người đến xin việc này việc kia cho nên dễ quên rằng chính những người đang có việc nhờ cậy họ giải quyết mới là những người đóng thuế để trả lương cho mình”, đại biểu Thúy nói. 


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng một số công chức không ý thức được mình là công bộc của dân. Thái độ vô cảm, quan liêu, thậm chí hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân.
 
Công chức lạm quyền, tham nhũng, vô cảm
 
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu có chung nhận định rằng công tác tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính không đạt kết quả như mong muốn, biên chế ngày càng phình to và đạo đức công vụ cũng như năng lực của nhiều công chức còn hạn chế.

“Một số công chức lạm dụng quyền lực, thu vén của công làm của tư, hình thành những lợi ích nhóm, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp”, ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) thẳng thắn. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), nếu người thực hiện cải cách hành chính không đủ tâm, đủ tài thì thủ tục đơn giản mấy cũng thành khó khăn, công nghệ hiện đại mấy cũng thành vô dụng. 

Đại biểu này cho rằng một số công chức không ý thức được mình là công bộc của dân. Nguyên nhân của việc không ít công chức có thái độ vô cảm, quan liêu, thậm chí hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân. 

“Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên của mình. Công chức chỉ tiếp xúc với người dân trong vai người đến xin việc này việc kia cho nên dễ quên rằng chính những người đang có việc nhờ cậy họ giải quyết mới là những người đóng thuế để trả lương cho mình”, đại biểu Thúy nói. 

Vị này cũng cho rằng có nhiều công chức không thạo việc dù phần lớn công chức bây giờ đều có đủ bằng cấp, chứng chỉ. “Những công chức như vậy thường khó giải quyết được việc gì nhanh chóng cho dân và cũng ít khi tham mưu được cho cấp trên những chủ trương, chính sách đúng”.  

"Do công chức thực thi công việc không thạo việc, đồng thời do phân cấp, phân nhiệm thiếu triệt để, rõ ràng nên xảy ra tình trạng cấp trên phải làm thay việc cấp dưới, tình trạng sa đà vào công việc hành chính khiến nhiều công chức chính trị không có thời gian để nghiên cứu, quyết định các vấn đề bao quát, có ảnh hưởng lâu dài", vị này nêu. 

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng cho biết dân rất bức xúc với tình trạng bằng cấp giả, chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm thần tốc… “Đạo đức công vụ vẫn là một cái gì đó mơ hồ, chưa được quy định cụ thể, kỷ luật, kỷ cương áp dụng cho đối tượng vi phạm còn rất chậm chạp và khó khăn”. 

Thanh tra nhẹ trên, nặng dưới
 
Theo ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên), công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật và phát hiện xử lý vi phạm về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, chưa kịp thời, còn chưa toàn diện, nhẹ trên nặng dưới. 

“Cử tri và nhiều đồng chí cán bộ lão thành rất bức xúc với việc khi Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp nêu ra, phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên thì nêu là "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng". Tuy nhiên, xử lý kỷ luật về Đảng là như thế nhưng về Nhà nước lại chưa xem xét thử mức độ nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng, truy cứu trách nhiệm pháp luật là như thế nào, hay áp dụng hình thức cho thôi giữ chức vụ đó. Cho thôi thì không phải là hình thức kỷ luật, kỷ luật hành chính chưa nghiêm”, đại biểu này nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng vẫn còn hiện tượng “cho phạt để tồn tại”. Ví dụ như quản lý xây dựng cơ bản, người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ, còn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai thì lại phạt cho tồn tại 

“Tôi nghĩ chúng ta cần xử lý người bổ nhiệm và kể cả người được bổ nhiệm, như vậy mới công bằng và đảm bảo tính nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước”, đại biểu này nêu. 

ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) cũng cho rằng nhiều cấp ủy đảng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn buông lỏng lãnh đạo, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, tồn tại hạn chế ở cấp trung ương còn nhiều, khó nêu gương, tạo chuyển biến cho địa phương, cơ sở. 

Vị này cũng cho rằng không ít cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn mang nặng tâm lý trông chờ sự bao cấp của nhà nước, e ngại thay đổi, không thích trao quyền và rất ngại phân cấp, còn cục bộ, chưa vì lợi ích chung 

Dân phải trực tiếp bầu quan chức
 
Nói về giải pháp, đại biểu Kim Thúy cho rằng cần phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận trong bộ máy hành chính. Chấm dứt tình trạng cấp trên ôm việc hoặc can thiệp trái quy định vào công việc của cấp dưới và cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên. 

Về lâu dài quan chức chính trị cần được dân trực tiếp bầu, hoặc ít nhất cũng phải được giới thiệu từ người dân ở cơ sở. Còn công chức hành chính phải được lựa chọn qua thi tuyển công khai. 

“Việc dân bầu hoặc giới thiệu quan chức chính trị đối với tổ chức Đảng có thể tốn thời gian, tiền bạc hơn nhưng là cơ sở để đảm bảo thái độ phục vụ tận tụy và sự phản ứng nhanh nhạy trước các yêu cầu của dân”, bà Thúy nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế về đạo đức công vụ, công chức của công chức làm cơ sở để giám sát, đánh giá công chức. Xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân một cách thực chất hơn so với cách hiện nay đang làm. 

ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng cần xử lý nghiêm khắc, khẩn trương nghiên cứu đưa ra bộ quy tắc điều chỉnh hành vi chuẩn mực đạo đức công vụ được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. “Cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người mất đạo đức, thiếu chuẩn mực”.
Còn theo ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), vấn đề cải cách bộ máy hành chính chỉ là một bộ máy cấu thành trong tổng thể cải cách nền hành chính quốc gia. Phải tiến hành đồng bộ với các nội dung cải cách khác như thể chế, xây dựng đội ngũ công chức, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tài chính công, xây dựng Chính phủ hiện đại. 

Theo đó, thay đổi cơ cấu lãnh đạo thì phải đổi mới cung cách làm việc, phân công lại trách nhiệm, giám sát, giảm họp hành, tăng thẩm quyền công chức, tăng trách nhiệm người đứng đầu nhưng thực tế việc thay đổi không đồng bộ gây nên xáo trộn, bức xúc. 

Nam Phong – Trí Lâm