Ngân sách có trở thành “nồi Thạch Sanh” cũng không đủ chi trả cho bộ máy cồng kềnh (Bizlive)

Thảo luận tại Quốc hội sáng 30/10, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết bấy lâu nay người ta vẫn ví ngân sách nhà nước như cái bánh, chia thế nào cũng không đủ. "Tôi cho rằng, "cái bánh" ngân sách dù có trở thành "nồi Thạch Sanh" cũng không đủ để chi trả cho bộ máy cồng kềnh như hiện nay", ông Sơn nói. 

 Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang).

Ngày 30/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành trọn 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. 
 
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
 
Ghi nhận nhiều kết quả tốt song báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày  cũng chỉ ra nhiều những bất cập trong cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế
 
Nhìn chung thì bộ máy vẫn cồng kềnh, tinh giản biên chế chưa thực chất, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên còn cao…
 
Về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, báo cáo Chính phủ cho biết, tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương được giao năm 2016 là 2.093.313 người (tăng so với năm 2011 là 121.736 người). Trong đó, ở Trung ương là 201.901 người; địa phương là 1.891.412 người.
 
Số viên chức có mặt tại thời điểm 31/12/2016 là 2.102.477 người. Trong đó ở Trung ương là 226.344 người; địa phương là 1.876.133 người.
 
Ngoài ra hiện nay các bộ, ngành, địa phương còn tự hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể tính đến 30/11/2016 tổng hợp từ 64 bộ, ngành, địa phương có 144.914 người (18 Bộ, ngành: 21.436 người; 46 địa phương: 123.478 người).
 
Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến việc tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra là do quy định pháp luật ở "vẫn còn kẽ hở".
 
Do vậy mới dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm Vụ trưởng", "hàm Vụ phó", hoặc là quy định các Bộ không có quá 4 thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, thậm chí có bộ đến 9 thứ trưởng...
 
“Trung ương làm được, tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… từ đó cấp phó tăng nhanh, không chỉ trong cơ quan Nhà nước, mà còn cơ quan Đảng, đoàn thể”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói và đề nghị việc cần làm ngay của bộ máy hành chính là "tinh giản cấp phó".
 
Đại biểu Phạm Viết Lượng (Bình Phước) nhấn mạnh, tinh giản biên chế, bộ máy là yêu cầu khách quan và cấp thiết. Tuy nhiên theo ông Lượng, kết quả đạt được còn hạn chế, cho rằng nguyên nhân vẫn do người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, chưa quyết liệt thực hiện, kỷ luật công vụ chưa nghiêm...
Đại biểu Lượng đề xuất giải pháp khẩn trương rà soát quy định về tổ chức các bộ ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, biên chế; kiên quyết sắp xếp lại, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng cần làm rõ và xử lý nghiêm cán bộ công chứ sai phạm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế không đạt yêu cầu.
 
Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), bấy lâu nay người ta vẫn ví ngân sách nhà nước như cái bánh, chia thể náo cũng không đủ. “Tôi cho rằng, “cái bánh” ngân sách dù có trở thành nồi Thạch Sanh cũng không đủ để chi trả cho bộ máy cồng kềnh như hiện nay”, ông Sơn nói.
 
Đại biểu Sơn nhấn mạnh cần giải pháp rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo trong các quy định, gây khó khăn cho việc thực hiện; đồng thời đại biểu cho rằng muốn giảm chi ngân sách, giảm biên chế cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị...
N.MẠNH