Cái gốc của tăng biên chế (Huy Đức)

Nếu không xác lập triết lý quản trị quốc gia, chỉ can thiệp khi người dân thực sự cần, thì không thể tổ chức được một bộ máy thích hợp : xác lập được ranh giới rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp ; và, trong hành pháp, tách bạch rõ chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ.


Như thường lệ, các đại biểu quốc hội lại bàn về "giảm biên chế, thu gọn đầu mối..." như những người... ngoài cuộc. Chưa thấy ai đặt câu hỏi đúng để tìm câu trả lời vì sao công cuộc tinh giảm biên chế và bộ máy được bắt đầu từ thập niên 1990s tới nay đã không thành hiện thực.
Trong các năm 1991-1994, biên chế đã từng giảm được 31.000 người, để rồi trong các năm 1995-1998, số biên chế lại tăng trở lại 113.000 người. Cuối năm 1998, tổng số người hưởng lương và phụ cấp là 2,5 triệu người, trong đó, biên chế của bộ máy nhà nước là 1,3 triệu. Đây là giai đoạn thứ Hai của thời kỳ "phát triển kinh tế nhiều thành phần", thời ký "tiền kinh tế thị trường..." trong khi cung cách quản lý của nhà nước vẫn là "quan liêu bao cấp". Nhu cầu hành chánh của dân tăng lên vì được tự do làm ăn, tự do đi lại... thì bộ máy đáp ứng nhu cầu đó tất nhiên phải tăng lên.
Trong khoảng 2002 đến 2012, số lượng công chức (chỉ riêng hành chánh) tăng từ 72.833 người lên đến 200.784 người cũng do đây là thời kỳ hậu Luật Doanh nghiệp, kinh tế dân doanh phát triển trong khi số lượng giấy phép và điều kiện kinh doanh tăng thêm tới 7.000 (con số của VCCI, theo CIEM là 5.300).
Như vậy, nếu không thay đổi cung cách "quản lý", Nhà nước vẫn muốn can thiệp vào các mối quan hệ mà thị trường, xã hội và người dân có thể tự xử lý ; Nhà nước vẫn muốn dùng quyền lực hành chánh can thiệp vào các quan hệ kinh tế và dân sự thì đừng mong tinh giản biên chế hay thu gom đầu mối.
Từ tháng 8/1991, chính phủ đầu tiên của ông Võ Văn Kiệt chỉ có 3 phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay vì 6 như trước đó. Và, hiện nay thì Chính phủ đang có 5 phó thủ tướng và các bộ cũng có 5, 7 ông bà thứ trưởng. Chính phủ cũng như các bộ đã không tách bạch được hai chức năng căn bản của mình : Hành pháp chính trị (hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực quốc gia...) và Hành chính công vụ (bao gồm chức năng cung cấp dịch vụ công). Chính phủ cũng không phân định đâu là phần việc của chính quyền trung ương, đâu là phần việc của địa phương. Lãnh đạo Chính phủ vì thế thường xuyên phải đi hết tỉnh này, bộ nọ, 5 phó thủ tướng, hơn trăm thứ trưởng có khi chưa phải là nhiều.
Nếu các chức năng này tách ra thì ta sẽ thấy chỉ cần một bộ cũng có thể đảm trách chức năng ban hành chính sách, đàm phán quốc tế cho nhiều bộ. Trong khi đó, chẳng cần phải sáp nhập theo cách giấu (thay vì giảm) đầu mối những cơ quan thật sự cần : Ví dụ như Tổng cục Năng lượng, Tổng cục Du Lịch... Và, những cơ quan như Tổng Cục địa chính lẽ ra chẳng cần phải "trốn" trong Bộ Tài nguyên vì nó không nên làm chính sách mà nên làm những phần việc mà đất nước này cần nó : Quản lý về mốc giới lãnh thổ, mốc giới phần đất đai vẫn còn ở dạng tài nguyên chưa thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân ; Đo đạc và lập bản đồ thửa đất ; Đăng ký, lưu trữ hồ sơ về đất đai...
Nếu không xác lập triết lý quản trị quốc gia, chỉ can thiệp khi người dân thực sự cần, thì không thể tổ chức được một bộ máy thích hợp : xác lập được ranh giới rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp ; và, trong hành pháp, tách bạch rõ chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ.
Nếu không phân biệt các ngạch trật trong nguồn lực cán bộ : chính trị gia (nắm quyền qua dân cử hay đảng cử) ; chính trị gia và viên chức chính trị bổ nhiệm (được các nhà lãnh đạo dân cử lựa chọn và được các cơ quan dân cử phê chuẩn) ; công chức hành chánh chuyên nghiệp (những người được đào tạo, tuyển chọn, thường thông qua thi tuyển)... Thì, sẽ không bao giờ có thể tinh giảm biên chế một cách đúng đắn và bộ máy sẽ như một trạm thu dung, chứa chấp những công chức thiếu chuyên môn và chính trị gia nửa mùa - một đội ngũ cán bộ chỉ có thể sa thải bằng cách tống về hưu khi đến tuổi.
Huy Đức
(30/10/2017)