Thayer: 'Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN' (BBC)
"Việt
Nam muốn giải quyết xong các vụ án tham nhũng là để thắt chặt liên minh
trong Đảng vốn được thiết lập từ Đại hội Đảng gần đây. Họ cũng liên
tiếp bắt giữ giới bất đồng chính kiến để xem phản ứng của phương Tây như
thế nào, xem liệu họ có thể chạy thoát con mắt quốc tế với các vụ việc
như vậy hay không."
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu
và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nói với BBC nếu
ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị bắt cóc, ép buộc rời Đức thì điều này là
hành động chưa từng thấy của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu từ Úc cũng
đánh giá rằng nếu nghi vấn bắt cóc được chứng minh là đúng thì nó làm
tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương trong thời điểm Việt
Nam rất cần bạn.
"Việc tuyên bố một cán bộ tình báo của Việt Nam là persona non grata
cho thấy phía Đức có vẻ có cơ sở để tin rằng Việt Nam trực tiếp liên
quan, vì đây rõ ràng là một hành động vi phạm đến chủ quyền an ninh
Đức."
"Đức là một đất nước rất coi trọng pháp trị. Nói đến tổn hại
thì về mặt thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất tại châu Âu
của Việt Nam, và tại Đức có cộng đồng người Việt rất đông."
"Vụ
việc xảy ra khi Việt Nam vốn đang cần rất nhiều bạn trong bối cảnh đang
có tranh chấp ở Biển Đông. Việc xa lánh Đức và vi phạm luật lệ quốc tế
sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam."
"Việt Nam đang làm hỏng danh tiếng của mình khi tỏ ra lập lờ với sự thật, không nói thật."
"Đây là việc bắt giữ một cá nhân đang xin tỵ nạn tại Đức, Đức có
trách nhiệm phải bảo vệ và phải xem xét đơn xin tỵ nạn xem có thỏa đáng
hay không. Họ không thể bắt người này về Việt Nam được."
"Đối với
Đức, nếu như việc [bắt cóc] có thể xảy ra với một người Việt thì nó cũng
có thể xảy ra với bất kỳ ai. Mà trong trường hợp này, đó lại là hành
động của một quốc gia bạn hữu, một đối tác chiến lược của Đức."
"Đức
có thể sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc. Có thể sẽ có một lệnh trừng phạt
cho Việt Nam nếu như phía ngoại giao không thể tìm ra được một giải
pháp."
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ chính quyền Việt Nam trực
tiếp chỉ đạo vụ mà phía Đức cáo buộc là bắt cóc này hay không, ông
Thayer cho rằng ông không rõ việc ra quyết định bắt cóc, nếu có, là một
sai sót ở tầm chỉ huy cao cấp hay do nhân viên thực thi ở cấp thấp.
"Việt
Nam muốn giải quyết xong các vụ án tham nhũng là để thắt chặt liên minh
trong Đảng vốn được thiết lập từ Đại hội Đảng gần đây. Họ cũng liên
tiếp bắt giữ giới bất đồng chính kiến để xem phản ứng của phương Tây như
thế nào, xem liệu họ có thể chạy thoát con mắt quốc tế với các vụ việc
như vậy hay không."
"Nếu cần, Việt Nam rất có thể sẽ có những động thái làm dịu tình hình trước thềm APEC."