Lâu đài xây trên cát (Quỳnh Thư)

Sở dĩ vấn nạn này nổi lên hôm nay chẳng qua là vì nó đã vượt quá mức chịu đựng của người dân sở tại, buộc họ phải có hành động chống lại bọn trộm cát và công luận phải lên tiếng bênh vực họ.

 
Khi câu chuyện “giải cứu thịt heo” trên bờ chưa kịp lắng xuống thì vấn nạn “cát tặc” dưới sông đã nổi lên. Báo chí đưa tin nhiều nơi người dân là nạn nhân của những vụ sạt lở bờ sông do khai thác cát đã phải thức trắng đêm cùng nhau chống nạn trộm cát. Trước nguy cơ mất mát nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu, nhiều người dân đêm hôm trước còn an phận đối với cuộc sống của mình thì hôm nay đã phải cực chẳng đã cùng nhau liên kết thành “hội đoàn” chong mắt chống cát tặc.

Thiết nghĩ, đây là hiện tượng mà chính quyền địa phương, cũng như chính quyền ở các cấp cao hơn, kể cả Chính phủ, phải nhìn nhận một cách nghiêm túc để có ngay đối sách thích hợp và kịp thời. Chỉ cần vài cú nhấp chuột đi ngược dòng sự kiện sẽ thấy ngay rằng chuyện sạt lở mất nhà cửa do khai thác cát không phải là chuyện mới mà đã tồn tại dai dẳng. Sở dĩ vấn nạn này nổi lên hôm nay chẳng qua là vì nó đã vượt quá mức chịu đựng của người dân sở tại, buộc họ phải có hành động chống lại bọn trộm cát và công luận phải lên tiếng bênh vực họ.

Suy cho cùng, trong vấn nạn “trộm cát” này, nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không thể nói rằng mình vô can. Trong một số trường hợp, cũng không thể gọi những chiếc sà lan hút cát ngày đêm thi nhau làm sạt lở bờ sông là “trộm” được vì họ có... giấy phép hẳn hoi. Theo báo Tuổi trẻ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại một buổi họp bàn chuyện giải quyết nạn khai thác cát trái phép vào tháng ba năm nay đã đặt vấn đề: “Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê tội phạm”. Vậy thì ai đã ký tên trên những giấy phép này? Tên tuổi họ, ngày tháng ký giấy phép, số giấy phép... rành rành ra đó, muốn chối cũng không dễ. Muốn truy cứu trách nhiệm thì có gì khó, vì sao không làm?

Chuyện đầu tiên cần làm là thu hồi ngay những tờ giấy phép dưới vỏ bọc “tận dụng, tận thu” nhằm làm bình phong cho nạn khai thác cát bừa bãi. Quan trọng hơn, chấm dứt những giấy phép loại này và không thể tiếp tục như cách làm lâu nay theo kiểu... “phong trào”, nghĩa là khi dư luận lắng xuống thì đâu lại vào đấy, mọi thứ sẽ trở về trật tự cũ.

Một vấn đề khác quan trọng không kém là chuyện làm sao khai thác cát một cách bài bản, hạn chế tối đa tác động đến môi trường. Vì nhu cầu xây dựng là vô cùng tận, không thể không khai thác cát, nhưng làm thế nào để tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên này là chuyện cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Tự thân người dân hay chính quyền cấp cơ sở không thể làm được chuyện này mà cần một chiến lược quốc gia. Nếu đây không phải là trách nhiệm chủ yếu đặt trên vai của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì là trách nhiệm của ai?

Vấn đề này không hoàn toàn đơn giản, nhưng cũng không phải chuyện đội đá vá trời. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới có thể trở thành bài học cho chúng ta. Không đâu xa, cứ nhìn sang nước láng giềng. Sau lệnh tạm thời ngưng xuất khẩu cát vào tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Campuchia đã cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn. Thực ra, Việt Nam cũng đã từng có một quyết định tương tự vào năm 2009, nhưng sau đó đã lại cho phép xuất “cát nhiễm mặn”. Trước tình hình cấp bách hiện nay, Chính phủ cần nghiêm túc xem xét lại quyết định cấm xuất khẩu cát hoàn toàn.

“Lâu đài xây trên cát” là một ngạn ngữ phổ biến khắp thế giới để chỉ sự phồn vinh phù phiếm dựa trên một nền tảng không vững chắc. Ngạn ngữ này chỉ đúng tình hình hiện nay khi một số người tìm lợi nhuận phi pháp qua việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên cát. Lợi nhuận đó, sự giàu có đó của họ cũng chỉ là một thứ “lâu đài xây trên cát” mà thôi.

Nhưng chuyện khai thác cát quá mức cũng chỉ là một mặt trong mối quan hệ phức hợp liên quan đến môi trường. Chúng ta phải gỡ rối được vấn đề khai thác cát thì mới mong gỡ tiếp đến chuyện xả bùn trên biển, chất lượng không khí, nguồn nước, rác thải, mùi hôi... vốn phức tạp hơn nhiều và không có chỗ cho sự lưỡng lự. 

Theo TBKTSG