Bội chi quỹ BHYT năm 2017 có thể hơn 10.000 tỉ đồng (Thuỳ Dung)

Quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ mất cân đối do mức hưởng quá cao trong khi mức đóng thấp và tình trạng bội chi tiếp tục xảy ra với quỹ bảo hiểm y tế. Năm 2017, dự kiến quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ bội chi 10.000 tỉ đồng và đến năm 2020, quỹ này sẽ tiêu hết khoản dự phòng.


Báo cáo của Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại buổi họp báo chiều 29-8 tại Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, chi khám chữa bệnh là hơn 41.000 tỉ đồng, vượt 6.500 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã sử dụng hết 70% số chi dự kiến cho cả năm. Thậm chí, quỹ khám chữa bệnh BHYT của các tỉnh như ở Quảng Nam, Quảng Trị đã lên đến 90%.

Theo Cơ quan BHXH Việt Nam, nếu không có những biện pháp quyết liệt thì dự kiến năm 2017 bội chi quỹ BHYT có thể lên trên 10.000 tỉ đồng. Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi; nhiều địa phương dự kiến bội chi 500-1.000 tỉ đồng như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà nẵng… Chỉ có 4 tỉnh, thành phố cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk.

Tình trạng bội chi cũng đã xảy ra trong năm 2016 khi quỹ này bội chi khoảng hơn 7.600 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nan) cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế chính sách thay đổi như chính sách tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 khiến tăng sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh; quy định thông tuyến; quy định không chi trả khám chữa bệnh ngoại trú tuyến tỉnh, tuyến Trung ương nên xảy ra tình trạng tăng số bệnh nhân chuyển nội trú; quy định về xã hội hoá trong các cơ sở y tế công lập… Hơn nữa, tình trạng trục lợi quỹ BHYT vẫn diễn ra phức tạp, cả ở phía người dân và các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, giai đoạn 2010-2015, với nỗ lực phát triển đối tượng, kiểm soát chi phí, cơ quan này đã có được gần 50.000 tỉ đồng trong quỹ dự phòng Trung ương nhằm hướng tới mở rộng quyền cho nhóm yếu thế, người nghèo; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, tạo thị trường y tế bình đẳng; tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh có đủ kinh phí sử dụng công nghệ tiên tiến trong khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, năm 2016 là năm nhiều cơ chế mới được thực hiện như thông tuyến, giá dịch vụ điều chỉnh... do đó, năm 2016 bộ chi quỹ BHYT là 7.600 tỉ đồng. Năm 2017 dự kiến sẽ tiếp tục bội chi khoảng hơn 10.000 tỉ đồng. Tất cả đều lấy từ con số 50.000 tỉ đồng quỹ dự phòng Trung ương.

Theo Cơ quan BHXH Việt Nam, do mức đóng BHYT không tăng nên nếu chính sách BHYT giữ ổn định như hiện nay thì mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỉ đồng cho chi khám chữa bệnh BHYT. Đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng để cân đối quỹ.

TBKTSG